15/08/2019 11:32 GMT+7

Chuyện nghề của các YouTuber thiện lành: Kỳ 5: Kênh Châu Đại Dương chia sẻ với người nghèo

MỄ THUẬN
MỄ THUẬN

TTO - Khởi nghiệp là YouTuber ẩm thực nhưng hiện tại chàng trai sinh năm 1995 Phạm Văn Châu lại là một nhịp cầu đáng tin cậy để các nhà hảo tâm "trao duyên" cho những người nghèo khó, bệnh tật được anh giới thiệu trên kênh YouTube Châu Đại Dương.

Chuyện nghề của các YouTuber thiện lành: Kỳ 5: Kênh Châu Đại Dương chia sẻ với người nghèo - Ảnh 1.

Chủ kênh YouTube Châu Đại Dương - Ảnh: NVCC

Từ mâm cua đến hành trình vạn dặm

Châu nhớ lại: "Trong thời gian tập tành làm YouTuber về ẩm thực đường phố, tôi đã gặp dì Ba "cua" (đây là một trong những nhân vật đời thường nổi tiếng khắp cộng đồng YouTube vì bán cua luộc rất ngon tại một con hẻm ở đường Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM).

Khi tìm hiểu kỹ hơn, tôi biết hoàn cảnh của dì rất khó khăn, nợ nần nhiều mà mâm cua khi đó rất ế ẩm. 

Khi tôi cùng các YouTuber khác đưa câu chuyện khó khăn của dì lên kênh thì dì bán cua được nhiều hơn, nhanh hơn. 

Cuộc sống của dì đã ổn định hơn. Từ câu chuyện của dì, tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng sẽ quay giới thiệu nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa lên kênh của mình".

Khởi đi từ câu chuyện cụ thể ấy, cho tới nay trên kênh YouTube Châu Đại Dương của Châu đã chuyển hẳn nội dung từ ẩm thực đường phố sang việc giới thiệu những hoàn cảnh người dân nghèo, bệnh tật cần giúp đỡ ở khắp mọi nơi cho các nhà hảo tâm. 

Có nhiều hoàn cảnh dù khó khăn nhưng đầy nghị lực khiến Châu gặp một lần rồi nhớ mãi, phải quay trở lại thăm nhiều lần. 

Cụ thể như trường hợp của chị Thuận không tay, không chân bẩm sinh nhưng hằng ngày vẫn kiên trì ngồi trên chiếc xe lăn bán vé số bên lề đường tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. 

Kiếm được đồng nào chị Thuận lại dành dụm tiền gửi về quê Bình Thuận nuôi đứa con nhỏ đang học lớp 7.

Trên kênh của Châu, video về hoàn cảnh của chị được hơn 2 triệu lượt xem và hàng ngàn lượt bình luận. 

Khán giả khen ngợi nghị lực của chị khi thấy chị luôn nói chuyện rất lạc quan và không quên nở nụ cười tươi tắn trên môi trong khi trò chuyện. 

Rất nhiều nhà hảo tâm xem video đã nhờ Châu chuyển tiền giúp đỡ người phụ nữ có nghị lực sống phi thường này. 

"Mỗi lần đến gặp chị Thuận để "trao duyên" giúp chị từ các nhà hảo tâm, tôi lại ấn tượng với nụ cười lạc quan từ chị" - Châu chia sẻ.

Hoàn cảnh đáng thương khác mà Châu thường xuyên lui tới thăm hỏi là vợ chồng ông Phạm Cửu ở xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. 

Vợ chồng ông đã ngoài 80 tuổi, cả hai đều đau bệnh liên miên nhưng vẫn phải gồng mình chăm sóc người con trai tên Thường bị khuyết tật bẩm sinh, chỉ nằm một chỗ suốt 41 năm qua. 

Trong video chia sẻ về hoàn cảnh của gia đình này, khán giả không khỏi rơi nước mắt với những tâm sự của chàng trai khuyết tật khi anh nói mình nhiều lần đòi ba mẹ mua thuốc ngủ cho anh uống để chết trước ba mẹ, để họ bớt khổ vì anh!

Với hoàn cảnh của ông Phạm Cửu, chàng YouTuber trẻ này đã có đến sáu lần đi và về để thăm nom cũng như "trao duyên" từ các nhà hảo tâm. 

"Cứ có nhà hảo tâm nhắn chuyển tiền giúp đỡ, dù ít dù nhiều tôi cũng sẽ đích thân mang ra Quảng Ngãi trao lại cho ông bà. Mình phải trực tiếp đi thì mới giúp nhà hảo tâm an tâm. Một phần cũng vì mình thực sự quá thương hoàn cảnh éo le của gia đình này" - Châu cho biết.

Cứ như thế, hơn một năm qua chàng YouTuber trẻ tuổi này đã rong ruổi khắp các ngả đường với vai trò là người "trao duyên" cho hàng trăm hoàn cảnh người nghèo khó, bệnh tật cần giúp đỡ.

Cứ có nhà hảo tâm nhắn, chuyển tiền giúp đỡ cho nhân vật của mình, dù ít dù nhiều tôi cũng sẽ đích thân mang đi trao cho họ. Mình phải trực tiếp đi thì nhà hảo tâm mới an tâm.

Phạm Văn Châu

Chuyện nghề của các YouTuber thiện lành: Kỳ 5: Kênh Châu Đại Dương chia sẻ với người nghèo - Ảnh 3.

Phạm Văn Châu thăm mẹ con anh Thường bị khuyết tật bẩm sinh tại Quảng Ngãi - Ảnh: NVCC

Động lực đến từ sự yêu thương của khán giả

Trên kênh Châu Đại Dương của mình, Châu rất hiếm khi lộ diện. Vậy nhưng vẫn có nhiều nhà hảo tâm nhận ra chủ nhân kênh Châu Đại Dương là ai. 

Châu kể: "Bữa đó tôi đang đi chơi ngoài đường thì có hai cô chú kia lại hỏi con có phải là Châu Đại Dương không? Tôi nói dạ phải. Cô chú đó liền nhờ tôi gửi giúp cô chú 200.000 đồng trao cho nhân vật trong một video của tôi".

Hỏi ra, Châu mới biết cô chú này ngày nào cũng xem kênh Châu Đại Dương, nghe giọng nói của cậu suốt nên chỉ thoáng nghe qua là nhận ra liền. 

"Khi gặp những khán giả, cũng là những nhà hảo tâm như vậy tôi rất vui. Vì họ đã dành sự tin tưởng tuyệt đối cho mình" - Châu chia sẻ. 

Anh chàng còn kể thêm: "Cũng có nhiều anh chị ở nước ngoài, chỉ liên lạc qua mạng xã hội nhưng vẫn hay nhắn tin hỏi thăm như người thân thiết trong gia đình như giữ gìn sức khỏe, đi đường cẩn thận, ăn uống đầy đủ để tiếp tục làm những video hay... khiến tôi thực sự cảm thấy ấm lòng với công việc này".

Chuyện nghề của các YouTuber thiện lành: Kỳ 5: Kênh Châu Đại Dương chia sẻ với người nghèo - Ảnh 4.

Phạm Văn Châu cùng một gia đình nghèo trong chuyến tác nghiệp của mình - Ảnh: NVCC

Có nhiều trường hợp, nhân vật dù có hoàn cảnh thực sự rất khó khăn, cần giúp đỡ từ mọi người nhưng khi chia sẻ lên kênh, vì lý do nào đó có thể do phía YouTube không hỗ trợ đề xuất (một thuật toán của YouTube giúp các video được đề xuất đến người xem tốt nhất, mà ngay cả người tạo nội dung là các YouTuber cũng không chủ động can thiệp được) nên không tiếp cận nhiều khán giả, không nhận được hỗ trợ nhiều từ các nhà hảo tâm. 

Với các trường hợp này, Châu cho biết luôn có những khán giả trung thành của kênh sẵn lòng giúp đỡ. 

"Các cô chú này là những người luôn theo sát mọi hoạt động của kênh nên không bỏ sót bất cứ video nào. Khi nào có một hoàn cảnh rơi vào trường hợp như thế, các cô chú sẽ lại sẵn sàng ra tay" - Châu cho biết.

Mặc dù kênh là một cầu nối nhân ái, giúp các hoàn cảnh khó khăn thực sự tìm được sự giúp đỡ từ cộng đồng, xã hội nhưng vẫn có nhiều lần Châu buồn bã khi nhận về những tin nhắn, những bình luận tiêu cực. 

"Có người vào bình phẩm cho rằng kênh mở ra chủ yếu để chiếm đoạt tiền của nhà hảo tâm, hoặc chủ yếu để câu view, kiếm tiền từ YouTube chứ tốt đẹp gì. Những ngày đầu nhận các bình luận trái chiều này tôi thực sự rất sốc, mất ăn mất ngủ, buồn bã cả ngày trời. Nhưng rồi cũng chính khán giả khác lại "bênh vực", động viên nên giờ tôi thường im lặng trước những bình luận trái chiều. Hoặc tôi để khán giả thay mặt mình trả lời những bình luận đó mà dành tâm sức cho công việc".

Xuất thân cựu phóng viên

Phạm Văn Châu sinh năm 1995, từng là phóng viên của tờ Vietnamnet.vn. Hiện tại anh chuyển sang làm cộng tác viên và dành thời gian nhiều hơn cho kênh YouTube Châu Đại Dương.

Kênh hiện nhận được khoảng 150.000 lượt theo dõi, sản xuất được gần 400 video, trong đó giới thiệu được khoảng 100 hoàn cảnh người nghèo khó, bệnh tật đến các nhà hảo tâm.

Hai chàng trai với kênh ẩm thực hè phố Sài Gòn Hai chàng trai với kênh ẩm thực hè phố Sài Gòn

TTO - Một người yêu diễn xuất trước ống kính, một người thích tạo ra những thước phim đẹp mắt, hai chàng trai Gia Phú và Trọng Điền (Mèo) đã hợp tác mở kênh YouTube chuyên "review" (đánh giá) các hàng quán ở khắp Sài Gòn với tên gọi PM Food Travel.

MỄ THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên