19/11/2019 13:02 GMT+7

Cô Hà 'dự án' biến giờ học thành talk show truyền hình

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - 'Talk show truyền hình - Tại sao không?', 'Chuyện kể lớp mình'... là một trong những dự án cô Hà triển khai thành công nhằm thay đổi các bài học khô khan, đơn điệu.

Cô Hà dự án biến giờ học thành talk show truyền hình - Ảnh 1.

Cô Lưu Thị Thu Hà trong một tiết dạy văn - Ảnh: CHU HÀ LINH

"Chuyện kể lớp mình" là tập hợp những câu chuyện do học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Đức, Hà Nội viết, trước đó đã được mang ra làm chủ đề thảo luận sôi nổi trong tập thể các lớp. Đây chỉ là một trong nhiều dự án của cô Lưu Thị Thu Hà, giáo viên dạy văn trường này, nhằm biến bài học "tĩnh" trở nên sống động.

Hành trình cả năm học

Cầm cuốn sách được in khá đẹp có tên Chuyện kể lớp mình trong một hội thảo bàn về giáo dục đạo đức học sinh tổ chức tháng 11-2019, nhiều người bất ngờ về sáng kiến của cô Hà. Bài học của môn văn, bài học đạo đức, học làm người đâu phải điều gì quá khó mà có thể bắt đầu từ những việc cụ thể như thế này.

Những ngày này, "Chuyện kể lớp mình" của các lớp do cô Hà hướng dẫn cũng đang thành hình. Những câu chuyện không chỉ khơi gợi cảm hứng của học sinh mà lôi cuốn cả cha mẹ học sinh hỗ trợ để in thành sách. 100% học sinh lớp 11 trường này đều tham gia dự án. 

Và dự án không thực hiện trong một tuần, một tháng mà kéo dài cả năm học vì để thực hiện một cách có hiệu quả, chứ không phải "hình thức, phong trào", cô Hà và học sinh mất khá nhiều thời gian.

"Tôi muốn qua những bài viết của học sinh được đọc trước lớp để học sinh thảo luận, tranh biện, đưa ra đánh giá cá nhân sẽ là cơ hội để các em suy nghĩ về những vấn đề khác nhau trong cuộc sống rồi điều chỉnh hành xử của mình. 

Tôi coi đây là giáo dục đạo đức một cách linh hoạt. Nhưng đồng thời khi học sinh viết, suy nghĩ và trao đổi, cũng là cách để rèn cho các em kỹ năng viết bài nghị luận xã hội. 

Các "Chuyện kể lớp mình" sẽ là chất liệu sinh động để các em sử dụng ôn tập, luyện viết. Nó không tách rời mục tiêu học tập" - cô Hà chia sẻ.

Với "Chuyện kể lớp mình", mỗi học sinh sẽ phải đóng góp một bài. Bài viết đó được học sinh trình bày trong tiết học văn và trở thành chủ đề để trao đổi. Cô giáo chỉ là người dẫn dắt trong một tiết học do học sinh làm chủ như thế. 

Tuy vậy, để mỗi tiết học bàn về một chủ đề trong bài học sinh viết, dự án "Chuyện kể lớp mình" kéo dài một năm học mới.

Mở ra trí óc, chạm đến trái tim

"Khi viết về vấn đề rác thải nhựa, nhiều học sinh của tôi đã lập tức không dùng chai, ly nhựa một lần khi mua đồ uống. Các em mang chai thủy tinh, inox đi học và mua nước cho vào đó. 

Đã có lần tôi dạy nhiều nên khát nước, vội mua một chai nước ngoài quán uống, tôi đã bị chính học sinh của mình phê bình vì dùng đồ nhựa một lần" - cô Hà tâm sự.

"Chuyện kể lớp mình" của học sinh Trường THPT Việt Đức rất đa dạng, từ câu chuyện về chống ô nhiễm môi trường, tình trạng bạo lực, lạm dụng quyền lực, mặt tiêu cực của mạng xã hội đến câu chuyện về nghị lực sống, những tấm gương tiêu biểu, những câu chuyện nhân văn thấm đẫm tình yêu thương, chạm đến lòng trắc ẩn. 

Có những câu chuyện xuất phát từ thời sự, từ điều nhiều học sinh đang quan tâm; cũng có những câu chuyện trong một gia đình, trải nghiệm trực tiếp của học sinh...

Không phải ngay từ đầu thu hút được tất cả học sinh tham gia vì có những em dè dặt, khép kín, thậm chí thờ ơ với mọi thứ xảy ra xung quanh. Nhưng sự lôi cuốn đến từ chính những việc học sinh đã làm được. Câu chuyện của một học sinh có thể tác động đến nhiều học sinh khác. Nói như cô Hà là đã tác động đến trí óc và trái tim. 

"Nhờ có hoạt động này, học sinh biết tới và theo dõi thường xuyên các chương trình như Việc tử tế, Cặp lá yêu thương, Điều ước thứ bảy trên truyền hình... Tôi thấy vui về sự lan tỏa này" - cô Hà nói.

Giờ học văn thành "Talk show truyền hình - Tại sao không?"

Đây chỉ là một trong những dự án của cô Hà đã triển khai thành công nhằm thay đổi các bài học khô khan, đơn điệu. "Tôi hướng dẫn các em mô phỏng các chương trình truyền hình như "Hỏi xoáy đáp xoay", "Văn hóa - sự kiện và nhân vật", "Nhà tròn"... để chuyển tải nội dung bài học một cách lý thú. 

Từ sân khấu lớp học, tôi cũng đã kết nối với một số chương trình truyền hình, cho các em được đến sân khấu trường quay tham gia với vai trò khách mời để các em có những trải nghiệm thú vị" - cô Hà cho biết.

"Talk show truyền hình - Tại sao không?" đặc biệt làm thay đổi các tiết văn học sử. Các bài giới thiệu "tác giả, tác phẩm" với bối cảnh lịch sử từng là nội dung "học thuộc lòng đáng sợ" của nhiều học sinh đã thu hút học sinh bằng các "Talk show truyền hình". Học sinh tự xây dựng kịch bản talk với các "khách mời" do học sinh đóng vai, xen kẽ các tiết mục do các em tự biên tự diễn mang tính dẫn dắt, minh họa.

Cô Hà kể khi làm chương trình "Hành trình đất Việt" về cụ Nguyễn Đình Chiểu, các em xây dựng tiết mục một nhóm học sinh đi đến vùng đất phương Nam và tìm hiểu về cụ Nguyễn Đình Chiểu qua lời kể dân dã, hình ảnh cụ Đồ Chiểu qua ấn tượng, tình cảm của người phương Nam. 

"Sân khấu" được tái hiện này có tính đề dẫn để đi vào một talk truyền hình với khách mời là "nhà sử học", "thầy cô giáo" hay "chuyên gia" do học sinh đóng vai. Học sinh rất sáng tạo, thông minh, chỉ là thầy cô giáo có khơi dậy được cảm hứng để các em có động lực thể hiện hay không.

Biến giờ học văn thành chương trình truyền hình là sáng kiến duy nhất đang được cô Hà triển khai? Không chỉ có "Talk show truyền hình - Tại sao không?" mà còn nhiều dự án chương trình truyền hình khác. Cô chỉ gợi ý, góp ý cho kịch bản và quy trình thực hiện, học sinh trực tiếp làm.

Dạy văn theo sơ đồ tư duy

Trong các tiết học văn theo chương trình, cô Lưu Thị Thu Hà cũng dạy các em theo sơ đồ tư duy. Những cuốn vở học sinh không còn dày đặc nội dung môn văn được đọc chép để học thuộc một cách chán ngắt mà ghi theo sơ đồ sinh động. Học sinh được cô hướng dẫn làm sổ tay văn học, hướng dẫn chọn sách, đọc sách và ghi lại suy nghĩ, cảm xúc sau khi đọc.

Không ngừng thay đổi và áp dụng những hình thức khác nhau để thắp lên ngọn lửa yêu thích văn học, rèn các kỹ năng mềm, tác động đến hành xử, suy nghĩ của học sinh qua các "dự án" là những việc cô Hà đã và đang làm với tâm niệm: "Một thầy giáo tốt như một ngọn nến - ngọn nến cháy để soi đường cho những người khác".

Dự án "Văn học nhà trường qua đôi mắt em" cũng là một trong những dự án cô Hà đưa ra với mong muốn phát triển năng lực tự nhìn, tự cảm của học sinh. Từ đây, nhiều tập san văn học chỉn chu, sáng tạo đã trở thành tài liệu học tập bổ ích, thiết thực cho cả lớp. Nhiều học sinh có năng khiếu mỹ thuật, viết văn thì tìm thấy sự hứng thú với nghề báo, công việc biên tập...

Thầy giáo dạy văn Thầy giáo dạy văn 'lên đồng' vừa dạy, vừa diễn hài, hát, vẽ

TTO - 'Học Truyện Kiều, thầy vẽ con đường từ nhà Thúy Kiều đến nhà Kim Trọng, rồi sông Tiền Đường, lầu Ngưng Bích. Có khi thầy đóng vai Romeo lẫn Juliet khiến cả lớp như nín thở, tròn xoe mắt theo dõi'.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên