28/06/2014 02:15 GMT+7

Con hư không phải vì Facebook

MINH NGUYỆT
MINH NGUYỆT

TT - Cấm con chơi Facebook giống như “mò kim đáy bể”, trường hợp con tôi là một ví dụ điển hình. Phải nói là con tôi “nghiện” Facebook nặng.

gQQU4MJB.jpg

Thời gian trên Facebook của con gần như cả ngày. Ở nhà con online bằng laptop, đi ra ngoài hoặc ngồi trên lớp thì online bằng điện thoại. Nhiều lúc tôi tự hỏi con làm gì trên ấy, suốt ngày Facebook thế thì con học vào lúc nào? Tuy nhiên nhìn bảng thành tích học tập của con vẫn cao đều đều nên tôi khá yên tâm.

Gần đây thấy chuyện học trò lên Facebook chửi nhau, rồi nói xấu thầy cô giáo, có khi còn nói xấu cả gia đình, bố mẹ, cả chuyện các em “sập bẫy” trên Facebook khiến tôi rất lo lắng. Tôi bắt đầu tỏ ra khắt khe với con. Cứ nghe ngóng được chuyện gì tai hại liên quan đến Facebook là về nhà tôi kể với con, những mong con lướt Facebook ít thôi, lo học đi.

Rồi khi con bước vào lớp 11, tôi bắt đầu cấm con chơi Facebook vì có quá nhiều cạm bẫy trên đấy và kết quả là hai mẹ con cứ như đang đối phó nhau. Con tỏ ra ấm ức vì bị mẹ kiểm soát. Còn tôi mệt mỏi vì lúc nào cũng “bới lông tìm vết”. Cả hai mẹ con cùng căng thẳng, nhiều lúc tôi có cảm giác con chạm mặt mẹ mà như kẻ thù. Sau một thời gian hai mẹ con chơi trò “trốn tìm” , tôi nhận ra càng cấm thì con càng chơi, càng lên lớp giảng giải thì con càng tách ra, càng tránh xa và trốn lên Facebook nhiều hơn.

Kết quả là học kỳ đó, con học tụt dốc hẳn. Thăm dò, tôi được biết lý do chính là do con bị cấm đoán chơi Facebook nên phản kháng, bỏ bê học tập để “làm căng” với mẹ. Sau hơn một tháng suy nghĩ, tôi đành làm lành với con và tiếp tục cho con dùng Facebook với ý nghĩ thôi thì trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, không cấm được con thì làm bạn đồng hành với con vậy.

Nhiều người cứ đổ lỗi cho Facebook khiến con họ hư. Rồi tại Facebook nên con trở nên bạo dạn, dám nói dám làm và dễ nhiễm tật xấu hơn. Thực tế cấm con không được chơi Facebook chỉ là hình thức chữa cháy tạm thời, quan trọng là ý thức của các em như thế nào. Muốn giám sát con trên Facebook phải có “mánh”.

Các em thường cảm thấy bị áp lực quá lớn trong chuyện học hành, thành tích, rồi làm bạn với sách vở quanh năm nên khi có cơ hội là sẵn sàng “tuôn” hết ra, sẵn sàng làm những gì mình thích, mình muốn. Nói đúng hơn là các em khao khát được sống thật với con người mình chứ không phải trong vỏ bọc của bố mẹ. Bố mẹ cần thành tích nhưng lại không hiểu rằng con cái đang phải gồng mình lên vì những kỳ vọng quá ngưỡng ấy. Không phải đâu khác, chính Facebook là nơi các em được bộc lộ suy nghĩ, cá tính, đôi khi chỉ là phản kháng lại sự khắt khe, cấm đoán, gò bó của bố mẹ.

Thực tế Facebook là nơi các bậc phụ huynh chúng ta có cơ hội để hiểu hơn về con, nắm được tâm tư, tình cảm và những vấn đề con đang gặp phải, từ đó có “đối sách” hợp lý. Facebook cũng là nơi để cha mẹ “soi” lại mình, đừng hỏi tại sao con lại hư như thế mà hãy hỏi ngược lại chính chúng ta đã thật sự gần gũi con chưa, đã cho con cảm giác yên tâm để chia sẻ chưa. Hay chúng ta chỉ biết ra điều kiện, o ép con phải rập khuôn theo như một cái máy, rồi nếu phát hiện con cái nổi loạn, hư hỏng thì lại đổ lỗi cho Facebook?

Mời bạn bày tỏ chính kiến trên Tuổi Trẻ Online

Câu chuyện về cách hành xử của cha mẹ khi con mình dùng Facebook thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc Tuổi Trẻ. Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) mở cuộc thăm dò với nội dung như sau:

Nhiều phụ huynh giật mình trước hiện tượng con em mình vốn rất ngoan hiền bỗng “nổi loạn” trên Facebook. Theo bạn, phụ huynh cần làm gì để bảo vệ con em trước những mặt trái của mạng xã hội?

* Cấm con dùng mạng xã hội

* Hướng dẫn con dùng mạng xã hội đúng cách

* Tham gia mạng xã hội cùng con như một người bạn

* Ý kiến khác

Ngay từ bây giờ, mời bạn vào tuoitre.vn để bày tỏ chính kiến của mình.

TTO

Hãy học cách nghĩ của con

Tôi rất thông cảm với nỗi niềm của tác giả Minh Thái trong “Con ngoan nổi loạn trên Facebook” và đồng cảm với cháu gái trong bài “Mẹ đừng bình luận trên Facebook của con nữa” của tác giả Nguyệt Linh (Tuổi Trẻ 26-6). Tôi là người chưa sử dụng thành thạo máy vi tính, khi tôi nghỉ hưu thì Facebook do chính các con tạo cho tôi.

Con gái ở nhà chồng, con trai đi học ở Hà Nội, Facebook kết nối tôi với các con, tôi biết được hoạt động của các con và bạn bè, thích thú khi thấy được ảnh các con, các cháu; hiểu được những trạng thái tình cảm vui buồn; “like” những bình luận ngộ nghĩnh,triết lý sự đời của các cháu... Cũng có khi tôi không thể hiểu được những ký hiệu, từ ngữ các cháu trao đổi với nhau...

Sao bạn Nguyệt Linh không dùng tin nhắn để nhắc nhở con hoặc có thể trao đổi với cháu khi ở nhà? Con có quyền riêng tư mà mình phải tôn trọng, sự quan tâm quá mức vô tình gây phiền nhiễu cho con, làm con “quê” với bạn bè. Tôi nghĩ mình cần phải học cách nghĩ của con để chia sẻ mà không áp đặt. Tôi tin các cháu luôn hướng đến chân thiện mỹ, các cháu sẽ tự điều chỉnh hoàn thiện bản thân khi có sự đồng cảm và chia sẻ, nhất là từ người mẹ.

NGUYỄN THỊ MAI (TP.HCM)

MINH NGUYỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên