Cơn sốt và nỗi sợ mang tên “Alipay”, “WeChat Pay”

TRƯỜNG SƠN 15/06/2018 01:06 GMT+7

TTCT - Hai đại gia thanh toán di động Alipay và WeChat Pay đang khiến chính các nhà quản lý Trung Quốc phải đau đầu, thì những quốc gia còn lại hẳn cũng phải bắt đầu chuẩn bị đối phó khi cả hai đều có tham vọng thâm nhập nhiều thị trường khác.

Dùng tiền mặt giờ là điều lạ lùng ở Trung Quốc. Ảnh: Businessinsider
Dùng tiền mặt giờ là điều lạ lùng ở Trung Quốc. Ảnh: Businessinsider

 

Harrison Jacobs, cây bút của Business Insider, chỉ cần dùng một bức ảnh do chính mình chụp trong chuyến thăm thành phố Tây An (Thiểm Tây, Trung Quốc) để mô tả sự thống trị của hai ứng dụng nói trên tại đại lục.

Bức ảnh chụp cảnh một nhóm sinh viên Trung Quốc đứng xem các nghệ sĩ đường phố chơi đàn. Các nghệ sĩ không để mở túi đựng đàn để nhận tiền ủng hộ như thường thấy, mà giơ cao hai tấm bảng có mã QR, một dành cho Alipay, một dành cho WeChat Pay. Người ủng hộ chỉ việc lấy smartphone ra, quét mã QR tương ứng với app của mình, và thế là xong, số tiền sẽ chui thẳng vào tài khoản của nghệ sĩ chỉ trong vài giây.

Đến cho tiền người hát rong mà cũng dùng Alipay và WeChat Pay, thì không có gì khó hiểu khi hai ứng dụng này được phổ biến rộng khắp ở Trung Quốc, làm tất tần tật những gì cần thanh toán, cho bất kỳ đối tượng nào, từ cửa hiệu nhà hàng hạng sang đến xe chuối chiên bên đường và người ăn xin. “Trả tiền bằng điện thoại không phải là điều mới mẻ ở Trung Quốc ngày nay, thật ra trả bằng tiền mặt mới là lạ” - Jacobs kết luận.

Cơn ác mộng của nhà băng

Thanh toán qua di động ở Trung Quốc ước đạt 9.000 tỉ USD hồi năm 2016, theo số liệu của iResearch Consulting Group. Con số cùng năm ở Mỹ chỉ là 112 tỉ USD, theo Forrester Research.

WeChat Pay, thuộc ông trùm Internet Tencent, có 900 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng và chiếm 40% thị phần trong nước, so với 500 triệu và 54% thị phần của Alipay (do Ant Financial thuộc Alibaba sở hữu).

Điểm mạnh nhất của Alipay và WeChat Pay là ai cũng có thể nhận và gửi tiền qua di động mà không cần đăng ký lằng nhằng hay trang bị thiết bị tốn kém (máy đọc thẻ/chip). Ngay cả khi không có điện thoại, ai cũng có thể tạo mã QR cho mình và in ra giấy, để người khác quét lên khi muốn thanh toán cho mình. Việc tải và dùng các app cũng đơn giản hơn nhiều so với làm thủ tục đăng ký thẻ tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

Bloomberg cho rằng các ứng dụng thanh toán di động sẽ là cơn ác mộng của các nhà băng và hệ thống thẻ thanh toán toàn cầu, vì nó chứng minh được rằng thanh toán có thể thực hiện dễ dàng và rẻ hơn rất nhiều mà không cần đến họ.

Số tiền mà các cửa hàng ở Mỹ trả cho ngân hàng để chấp nhận thanh toán bằng thẻ và di động lên đến 90 tỉ USD/năm, và con số này được chia cho ít nhất 5 bên tham gia mỗi giao dịch như sơ đồ (trang bên) của Bloomberg.

Trong khi đó, “quy trình” của WeChat Pay và AliPay đơn giản hơn nhiều: tiền từ thẻ ngân hàng sang ví điện tử của A, rồi từ đó sang ví điện tử của B, rồi vào tài khoản ngân hàng của B.

Nếu các ứng dụng này xâm nhập vào Mỹ và tăng trưởng với tốc độ như ở Trung Quốc, các app này sẽ “cướp mất” 43 tỉ USD doanh thu từ thẻ, mảng kiếm nhiều tiền nhất của các nhà băng.

Khi cái vòi vươn xa

Giới phân tích đang nhìn vào Hong Kong để đánh giá khả năng chinh phục các thị trường lớn khác ngoài đại lục của Alipay và WeChat Pay.

Chọn Hong Kong là vì đây là trung tâm tài chính và người dân đã quen với hệ thống thanh toán kiểu phương Tây, tức xoay quanh các loại thẻ và quan hệ chặt chẽ với nhà băng. Song, thực tế là từ chỗ dành riêng cho du khách từ đại lục với các quầy chấp nhận thanh toán ở sân bay, Alipay và Wechat Pay giờ đã có mặt trên các taxi và các cửa hiệu khác nhau ở Hong Kong.

Các ngân hàng dường như ở phe yếu thế hơn do lẽ các cửa hàng với áp lực phải chiều khách Trung Quốc, sẽ khó có thể cưỡng lại việc chấp nhận thanh toán bằng Alipay và WeChat Pay. Cần biết du khách từ đại lục chiếm 72% số khách có trú qua đêm ở Hong Kong và mang đến doanh thu 16,5 tỉ USD hồi năm 2017.

Và một khi các cửa hàng đã dùng các ứng dụng thanh toán di động của Trung Quốc thì người dân cũng sẽ theo, nếu điều này đúng ở Hong Kong thì ở các thị trường khác cũng sẽ thế. “Nếu Alipay và WeChat Pay có thể thâm nhập thị trường này và có thêm khách hàng mới thì cớ gì họ không thể làm thế ở châu Âu và Mỹ?” - Bloomberg nhận định.

Vấn đề đặt ra là phải đón nhận và có cách kiểm soát các ứng dụng này hơn là tìm cách cấm đoán. Nhưng cụ thể phải làm gì? Lúc này, lại phải nhìn về chính Trung Quốc để tìm câu trả lời.

Thay vì móc ví hay cà thẻ, chỉ việc đưa điện thoại ra
Thay vì móc ví hay cà thẻ, chỉ việc đưa điện thoại ra

 

Hợp tác và quản lý

Các ngân hàng đại lục lẽ dĩ nhiên không vui khi mất khách hàng vào tay Alipay và WeChat Pay, thành thử đã đầu tư để tạo các app ví điện tử của riêng mình, nhưng vẫn không thể “giành giật” được người dùng.

Tại Trung Quốc, có hẳn một “liên minh chống Alibaba” gồm các ngân hàng thương mại, nhưng nhiều thành viên đã “bỏ cuộc chơi”, thôi đối đầu với Alipay mà hợp tác với chính ứng dụng này. China Construction Bank đã hợp tác với Ant Financial từ tháng 5-2017, và ví dụ mới nhất là China Everbright Bank, với cú bắt tay với Alipay, theo Hãng thông tấn China News Service ngày 28-5.

Phía các ngân hàng đã xác định nên hợp tác chứ không đối đầu. Còn phía các nhà quản lý thì sao?

Ngay trong nước, sự lớn mạnh của bộ đôi ví điện tử cũng đang gây nhiều lo ngại, do lẽ cả hai đã đạt đến quy mô quá lớn để có thể sụp đổ (too big to fail), các nhà quản lý lại đau đầu tìm cách sẵn sàng đối phó với các hệ lụy nếu tình huống xấu nhất xảy ra.

“Chính phủ muốn tăng tốc quản lý các app này y hệt như với ngân hàng” - Oliver Rui, giáo sư tài chính thuộc Trường kinh doanh CEIBS ở Thượng Hải, nói với tạp chí Forbes. Zhu Ning, giáo sư tài chính Đại học Tsinghua, cho rằng các nhà quản lý ở Trung Quốc vẫn ủng hộ ngành thanh toán di động, nhưng trong 1-2 năm tới theo tinh thần giảm rủi ro tài chính của Hội nghị trung ương ĐCS Trung Quốc lần 19, “các quy định chắc chắn sẽ thắt chặt hơn”.

Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc cho biết sẽ đặt mức trần 500 tệ/ngày cho các khoản thanh toán qua di động bằng cách quét mã QR. Nếu áp dụng các biện pháp bảo mật, mức trần sẽ được nới lên 1.000-5.000 tệ/ngày. Đây mới là đề xuất và chưa chính thức áp dụng.

Nhưng đòn mạnh tay nhất từ phía chính quyền có lẽ là yêu cầu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) buộc các hãng thanh toán bên thứ ba, tức không chỉ có Alipay và WeChat Pay, phải chuyển giao dịch thông qua trung tâm bù trừ (clearhouse) do nhà nước quản lý, thay vì đi từ ví của người A sang người B.

Thông tin được công bố hồi tháng 8-2017 và các hãng thanh toán được yêu cầu phải y lệnh trước ngày 30-6 năm nay. Những người dùng Alipay và WeChat Pay trước tiên phải kết nối tài khoản ngân hàng thương mại của họ với các ứng dụng này, nhưng khác với khi quẹt thẻ, khi một giao dịch hoàn tất, các ngân hàng không nhận được các thông tin quan trọng nhất như tên cửa hàng và vị trí giao dịch. Các bản sao kê chỉ ghi tên người nhận là Alipay hoặc WeChat.

Các ứng dụng thanh toán như Alipay và WeChat Pay hiện đã có hợp tác với từng ngân hàng riêng lẻ, song yêu cầu của PBoC có nghĩa tất cả các ứng dụng đều phải đưa thông tin quy về một mối, rõ ràng là để cơ quan nhà nước dễ kiểm soát.

Bằng cách đó, PBoC có thể trực tiếp kiểm soát các khoản thanh toán online mà không cần phải yêu cầu bên xử lý giao dịch phải cung cấp thông tin, giúp họ có thể phát hiện rửa tiền và các giao dịch bất minh tốt hơn. Nhưng động thái này cũng có thể xem là cách để Trung Quốc bảo vệ các ngân hàng thương mại trước sự bành trướng của Alipay và WeChat Pay.

“Quyết định này sẽ chỉ mang lại bất lợi cho nhóm các công ty thanh toán - Zhang Yu, chuyên gia phân tích tài chính thuộc iResearch, nói với FT - Trước đây dữ liệu thanh toán là của riêng họ, giờ phải chia sẻ nó với người khác”.■

Hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc đang là vấn đề được quan tâm gần đây.

Hệ thống này sẽ cho người dân một điểm trừ nếu chậm đóng tiền điện, bị phạt vì vi phạm luật giao thông, và số điểm cuối cùng cao hay thấp đồng nghĩa với việc người đó có thể bị tước mất các đặc quyền cho công dân, chẳng hạn bị cấm lên máy bay.

Cả Tencent và Alibaba đều có các công ty riêng chuyên cho điểm tín dụng người dùng, Tencent Credit và Sesame Credit, với nguồn thông tin chính là lịch sử thanh toán của người dùng Alipay và WeChat Pay.

Ngày 21-3, Business Insider đưa tin chính hệ thống chấm điểm công dân này đã ngăn không cho người dân Trung Quốc đi 11 triệu chuyến bay và 4 triệu chuyến xe lửa. Bài viết có nhắc đến Sesame Credit, cho thấy dữ liệu từ các ứng dụng thanh toán hoàn toàn có thể được sử dụng để phục vụ cho việc “chấm điểm công dân”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận