Công nghệ 2021: Tất cả hướng về vũ trụ ảo

TRÚC ANH 31/12/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Năm 2021 chứng kiến cuộc đua lên vũ trụ của các nhà tỉ phú chính thức bắt đầu với 2 chuyến bay riêng biệt vào không gian hồi tháng 7, song một vũ trụ khác - vũ trụ ảo (metaverse) - mới là thứ thu hút nhiều chú ý nhất, và tiêu biểu nhất cho bức tranh công nghệ năm nay, bởi nó bao hàm tất cả những gì đình đám nhất 12 tháng qua: crypto, NFT và DeFi.

 
 Ảnh: Shutterstock

Trong số các ứng viên trong danh sách từ của năm của từ điển Collins, có 3 từ liên quan đến công nghệ: NFT (chứng nhận sở hữu tài sản độc nhất), metaverse (vũ trụ ảo) và crypto (tiền mã hóa). Cuối cùng NFT là từ được chọn.

Điều này không có gì bất ngờ; khi thế giới thực còn chật vật vì COVID-19, cùng với việc thiếu chip bán dẫn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thì thế giới số lại sôi động với những vụ mua bán NFT đình đám, cuộc đua “gom đất” trên metaverse, đầu tư tiền mã hóa, những hoạt động hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa nào.

Xây dựng vũ trụ ảo

Để có cái nhìn toàn cảnh về bức tranh công nghệ 2021, có thể đến thăm thành phố PolkaCity, một metaverse trên nền game, nơi người chơi có thể kiếm lợi nhuận bằng việc sở hữu ngân hàng, trạm xăng, các cơ sở dịch vụ, bảng quảng cáo ngoài trời và xe cộ - tất cả dưới dạng NFT. PolkaCity đại diện cho những gì thời thượng nhất trong năm qua, như lời giới thiệu trên Twitter: “một dự án #metaverse kết hợp #NFT, #DeFi và thế giới #gaming”.

Metaverse là không gian ảo trực tuyến, nơi người ta - với “thế thân” là các nhân vật 3D - có thể kết nối, giao lưu, làm việc, mua sắm và giải trí với nhau. DeFi, tức tài chính phi tập trung (decentralized finance), là hình thức tài chính không phụ thuộc vào các bên trung gian như người môi giới, sàn giao dịch hoặc ngân hàng và thay vào đó là dùng các hợp đồng thông minh trên blockchain.

PolkaCity cho phép nhà đầu tư mua các cơ sở kinh doanh bằng đồng tiền mã hóa POLC, và sau này thu tiền mỗi khi có người sử dụng các dịch vụ đó, tất nhiên là trên metaverse.

Robert Doyle, 37 tuổi, hiện sở hữu một tiệm sửa xe và một ngân hàng ở PolkaCity, với tổng trị giá 111.646 POLC, giá quy đổi ngày 20-12 là 95.045,24 USD (1 POLC = 0,851 USD). Doyle tin rằng trong tương lai 1 POLC từ chỗ có giá chưa đến 1 USD sẽ vọt lên 30, 40 hay 50 USD, và chỗ đầu tư “thức thời” của anh khi đó sẽ mang lại một gia tài. Trước mắt Doyle đã tốn 23.000 đôla để mua NFT đại diện cho tiệm sửa xe, và thêm 3.500 đôla cho ngân hàng trên vũ trụ ảo này. Đó chưa phải là tài sản đắt nhất; giá chào bán NFT cho một khách sạn ở PolkaCity hồi cuối tháng 11 là 200.000 POLC, tương đương 170.000 USD.

PolkaCity thậm chí còn chưa ra mắt chính thức. Bức tranh tương lai được hứa hẹn là người ta sẽ sống trong thành phố này như chơi game - điều khiển nhân vật, sử dụng dịch vụ, đầu tư, mua bán. Doyle sẽ thu tiền sửa xe từ những người chơi khác và được cả tiền lãi từ việc sở hữu các cơ sở kinh doanh này. “Những tài sản này chắc chắn sẽ bù đắp cho tôi trong vài năm tới. Tôi có thể trả tiền vay mua nhà, tiền khám bệnh, tiền ăn cho gia đình (trong đời thực) chỉ từ một NFT, điều đó chẳng phải điên rồ sao?” - Doyle hào hứng nói với trang Insider.

Mới 2 năm trước Doyle còn là nhân viên môi giới bất động sản trên Trái đất chứ không phải trong vũ trụ ảo. Giờ thì thế giới đã có cả nhân viên môi giới và công ty kinh doanh bất động sản metaverse. Cuối tháng 11, công ty bất động sản metaverse Republic Realm mua một lô đất trị giá 4,3 triệu USD trên nền tảng game The Sandbox, đánh dấu giao dịch metaverse đắt nhất từ trước đến nay. Theo báo Wall Street Journal, Republic Realm hiện sở hữu 2.500 lô đất trên 19 thế giới ảo khác nhau. Một số lô là mua để đó, chờ tăng giá, y hệt đầu tư bất động sản trong thế giới thực; số khác thì Republic Realm thuê các công ty kiến trúc thiết kế các công trình như nhà ở, trung tâm thương mại, rồi chuyển cho lập trình viên “thi công”.

Thiết kế công trình metaverse là một ngành mới, tiêu biểu là Công ty Voxel Architects, trong năm nay đã thiết kế được 40 công trình (mỗi dự án giá cao nhất đến 300.000 USD tiền thật) cho các khách hàng lớn nhỏ. Công cuộc xây dựng vũ trụ ảo vậy là gần như đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì. Chỉ còn chờ xem nó có thật sự cất cánh như biết bao kỳ vọng hay không.

 
 Các lô đất và cơ sở kinh doanh trên PolkaCity.

Thế giới số mong manh

Metaverse có lẽ đã không phủ khắp các báo cáo tổng kết công nghệ 2021 nếu Facebook không tuyên bố tái cấu trúc, đổi tên thành Meta và công bố kế hoạch phát triển metaverse vào tháng 10. Mạng xã hội lớn nhất hành tinh khi đó đang dính bê bối “Hồ sơ Facebook” do một “người thổi còi” phanh phui, cùng những chỉ trích cố hữu về chuyện dung túng thông tin sai lệch và nội dung thù ghét. Giữa lúc đó mà hào hứng nói về tương lai trên metaverse thì đúng là coi thường dư luận, nhưng trớ trêu là mối quan tâm về metaverse đã thực sự bùng nổ kể từ các tuyên bố trong tháng 10 đó của Facebook.

Theo tạp chí The Economist, số lượt tìm kiếm với từ khóa “metaverse” trên Google đã tăng vọt trong tháng 10, các nhà đầu tư Phố Wall cũng thể hiện sự quan tâm: thuật ngữ này xuất hiện 449 lần trong các cuộc gọi báo cáo tài chính quý 3, so với 100 lần trong quý trước. Ngân hàng đầu tư Jefferies nhận định metaverse có tiềm năng làm đứt gãy “hầu như mọi thứ trong cuộc sống con người”, dù chuyện đó có thể còn cả thập kỷ nữa mới xảy ra.

Cuộc chơi đã thu hút các tên tuổi lớn trong giới công nghệ, từ Microsoft, Nvidia đến Tencent, Epic Games, nhà phát triển game Fortnite. Nhà sáng lập Epic, Tim Sweeney, nói với Bloomberg rằng metaverse là một cơ hội nhiều ngàn tỉ đôla và các công ty như Epic đang chạy đua để thu hút 1 tỉ người dùng, đủ để đặt các tiêu chuẩn cho metaverse trong tương lai. Đặt luật chơi cũng là mục tiêu của các nhà tỉ phú trong một cuộc đua lên vũ trụ ảo, song song với cuộc đua song mã vào không gian của Jeff Bezos và Elon Musk, theo The Economist. Thay vì đổ tiền vào công nghệ tên lửa, cuộc chơi giờ nằm ở các thiết bị VR (thực tế ảo), blockchain, tiền mã hóa và quan trọng nhất là năng lực điện toán.

Nhưng hào hứng với tương lai đến đâu thì cũng không quên một điểm đáng chú ý khác của thế giới công nghệ 2021: những vụ “sập mạng”, gặp sự cố tạm dừng hoạt động của các nền tảng khổng lồ với hàng tỉ người dùng, mỗi lần xảy ra là một lần nhắc nhở Internet vạn năng nhưng cũng rất mong manh, nhà cung cấp hắt hơi một cái thì cả thế giới gần như tắt thở luôn chứ chỉ sổ mũi đã là may.

Tháng 4, các dịch vụ lưu trữ và tin học văn phòng của Google là Drive, Docs, Slides và Sheets ngưng hoạt động trong vài giờ, khiến người dùng không tạo mới tài liệu được. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ trong thời học hành làm việc trực tuyến hiện nay.

Tháng 6, nhà cung cấp dịch vụ đám mây Fastly gặp sự cố vì lỗi phần mềm, ảnh hưởng 85% mạng lưới khách hàng trải khắp thế giới trong vòng gần 1 tiếng. Trong thời gian đó, hàng ngàn trang web đủ thể loại, từ trang tin tức đến trang dịch vụ, đã không truy cập được, và không thể làm gì ngoài việc chờ Fastly khắc phục sự cố. Vụ việc có thể ví như một chiếc thuyền to chỉ cần một lỗ thủng là đủ đắm.

Sang tháng 10, đến lượt Facebook gặp sự cố với các dịch vụ có hàng tỉ người sử dụng như WhatsApp, Messenger và Instagram. Trong 6 tiếng đồng hồ, người dân ở nhiều nước đã không thể liên lạc với khách hàng, thăm khám bệnh, làm ăn buôn bán, đặt mua hàng thiết yếu chỉ vì phương tiện duy nhất giúp họ làm những chuyện đó ngưng hoạt động.

Trang công nghệ CNET xếp các sự cố nói trên vào danh sách “những thất bại công nghệ lớn nhất” trong năm qua, bên cạnh các hiện tượng như tin tức sai lệch vẫn tràn lan trên không gian ảo và nhiều cuộc điều trần của Big Tech trước Quốc hội Mỹ đã diễn ra mà chẳng đạt kết quả gì đáng kể.

Báo cáo “Tìm kiếm năm qua” của Google mang lại bức tranh gần gũi hơn về hoạt động của con người trên Internet so với những thứ xa vời như NFT hay metaverse. Trong năm COVID thứ 2, người ta tìm kiếm với những cụm từ khóa như “làm sao để chữa lành”, “làm sao để trở lại”, “làm sao để tưởng nhớ một người”, “làm sao để chăm sóc sức khỏe tin thần”, “làm sao để là chính mình”, “làm sao để có hy vọng”… những câu hỏi phản ánh kỳ vọng được sớm trở lại với cuộc sống xưa, mạnh mẽ hơn và lạc quan hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận