19/03/2013 04:09 GMT+7

Công nghệ có lỗi?

H.THI - BÌNH THANH
H.THI - BÌNH THANH

TT - Sau bài viết “Tình cảm thật chào thua... công nghệ!” (Tuổi Trẻ 17-3-2013), nhiều bạn đọc đã chia sẻ về câu chuyện “người trong cuộc” của mình...

Tình cảm thật chào thua... công nghệ

OGwv7VRC.jpgPhóng to
Đi uống nước cùng nhau vào giờ nghỉ trưa để buổi chiều đi học tiếp, nhưng nhóm bạn nữ này cứ mạnh ai nấy chăm chú sử dụng điện thoại, laptop lướt web - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Yêu “ảo” khiến cảm xúc phôi phai?

Gần đây, do quá bận bịu với công việc nên những buổi hẹn hò ăn uống, shopping, xem phim... của tôi và người yêu ngày càng thưa thớt. Ở chung thành phố, nhà cách nhau chỉ 5km, thế mà có khi gần hai tuần chúng tôi mới thấy mặt nhau. Thay vì ngày nào cũng gặp như trước kia, giờ chúng tôi vẫn “gặp nhau” nhưng là “gặp” trên mạng hay qua những cú điện thoại.

Những chiều đón đưa, hẹn hò trở nên... không cần thiết bởi cả hai vẫn cập nhật thông tin của nhau đều đặn qua Yahoo, Facebook, điện thoại... Tôi ỷ y vào điều đó và kết cục bây giờ là tình yêu của chúng tôi “có vấn đề”: yêu nhau nhưng... không có nhu cầu gặp nhau, không còn cảm giác mong ngóng, nhớ thương nhau đến cồn cào. Chúng tôi thỏa sức cho cảm xúc thăng hoa khi nói chuyện trên mạng, nhưng khi đối diện anh ấy tôi lại chẳng còn chút cảm giác gì...

(huonglt...@gmail.com)

Tình tan vì... điện thoại!

Đọc bài “Tình cảm thật chào thua... công nghệ!”, tôi chua chát nhớ về cuộc cãi vã cuối cùng của tôi và người yêu.

Cũng như một nhân vật trong bài báo, tôi có thói quen cầm điện thoại kiểm tra tin nhắn dù đang đi với anh hoặc hội bạn thân. Thời gian đầu mới quen anh không tỏ vẻ khó chịu gì, chỉ thi thoảng nhẹ nhàng dỗi yêu rằng tôi quý cái điện thoại hơn anh. Gần đây khi công việc có chút trở ngại, anh trở nên gắt gỏng hơn chuyện tôi thường xuyên chúi mũi vào chiếc điện thoại mỗi khi ở bên anh. Lần đó gọi tôi vài tiếng không nghe, anh giằng chiếc điện thoại khỏi tay tôi, tôi phản ứng và hai đứa cãi nhau trước mặt đám bạn thân của anh trong một buổi tiệc... Khuya, anh chở tôi về, tôi lại lôi điện thoại ra bấm... Anh dừng xe, sẵn chút men bia trong người, anh giật chiếc điện thoại ném xuống nền vỉa hè, màn hình vỡ, pin và nắp văng tung tóe. Tôi bật khóc, anh ném luôn chiếc điện thoại của anh...

Đã nhiều tháng nay tôi và anh vẫn chưa liên lạc lại. Giờ đây tôi chỉ tự trách mình vì một thói quen mà đẩy mối quan hệ tình cảm vào chỗ bế tắc...

(ngocdtt@...)

Công nghệ là “người thân” duy nhất của tôi!

Ba, anh trai, chị gái đều la tôi đi học về đến nhà là tay bấm điện thoại không ngớt. Sắp tới ba sẽ dùng biện pháp mạnh: chuyển gói thuê bao điện thoại thành trả sau, ba trả tiền để kiểm soát việc tôi dùng điện thoại. Tôi biết ba nghiêm khắc vì muốn tôi tập trung học hành, năm nay đã là năm cuối cấp (tôi đang học lớp 9). Nhưng thật tình nếu không nhắn tin điện thoại, tôi không biết phải nói chuyện với ai...

Mẹ mất sớm, ba đi làm suốt ngày, tối lại nhận việc về làm thêm nên hầu như không có thời gian nói chuyện với tôi. Anh trai cũng suốt ngày chúi đầu vào các thiết bị công nghệ số nên sự chia sẻ giữa tôi và anh rất ít. Trong nhà tôi chỉ gần gũi với chị, nhưng từ ngày có bạn trai chị cũng mất hút... Một mình trong phòng, tôi không biết làm gì ngoài nhắn tin nói nhảm với bạn bè, thỉnh thoảng mượn được iPad của anh thì đăng nhập Yahoo chat, lướt Facebook. Trên đó tôi gặp nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ: có bạn ngày nào cũng thức online đến 2-3g sáng vì ba mẹ... đi bar, không ai quản lý, nhắc nhở ngủ nghê; có bạn ba mẹ đi công tác suốt, lúc ở nhà thì hiếm khi ngẩng mặt khỏi màn hình laptop...

Có lẽ cảm giác cô đơn và cần người chia sẻ là lý do khiến tôi và bạn bè trở nên “nghiện” công nghệ. Điện thoại, máy vi tính, iPad... dần trở thành những “người thân” của chúng tôi khi cả gia đình đều không thể chia sẻ cùng chúng tôi cuộc sống của tuổi mới lớn.

(kumapanda@...)

“Người” trông trẻ mang tên... iPad!

Một năm dạy đàn organ, piano cho thiếu nhi, tôi nhận thấy các gia đình khá giả có xu hướng “thuê” “người trông trẻ” mang tên... iPad. Như trường hợp một cháu học lớp 4 tôi đang dạy tại khu chung cư ở Q.3, lần nào tôi đến cũng thấy cháu đang ngồi chơi game một mình bằng iPad. Ba mẹ thường xuyên tan sở trễ nên nhờ một bác hàng xóm đón cháu về, nấu cơm bưng qua cho ăn, trông cháu tắm rửa rồi... phát cho cháu cái iPad để cháu chơi đợi đến giờ học đàn. Học đàn xong, cháu lại chơi... iPad đợi đến giờ học thêm toán. Bác hàng xóm chỉ việc trông chừng hộ nhà cửa, còn cháu đã có iPad “lo”...

Theo tôi, giới trẻ ngày nay có “nghiện” công nghệ hơn là giao lưu với người thật ngoài đời một phần cũng do người lớn đã tập tành con em phụ thuộc vào công nghệ. Tôi nghĩ trẻ em, người trẻ luôn có nhu cầu thể hiện bản thân và chia sẻ cảm xúc ngoài đời thực. Chỉ khi không có chỗ “dung thân”, cảm thấy lạc lõng giữa những con người thật, các bạn mới tìm đến sự sẻ chia từ người bạn “ảo”.

(nguyetyen...@yahoo.com.vn)

H.THI - BÌNH THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên