08/08/2013 00:05 GMT+7

Công nghệ theo xu hướng chia sẻ

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TTCT - Sự kiện ứng dụng Instagram thêm chức năng chia sẻ video siêu ngắn không chỉ là vấn đề cạnh tranh, mà còn cho thấy công nghệ đang phát triển nhắm vào chức năng chia sẻ thông tin.

3s2WyBkl.jpgPhóng to
Ứng dụng mới đang được truyền thông, báo chí và giới trẻ thích chia sẻ hào hứng - Ảnh: Việt Phương

Hầu như bất cứ bạn trẻ nào đang sở hữu điện thoại thông minh hay máy tính bảng ngày nay đều biết đến Instagram, ứng dụng chia sẻ ảnh đơn giản, gọn nhẹ cùng nhiều tính năng chỉnh sửa màu sắc bức ảnh nhanh chóng thông qua bộ lọc màu có sẵn. Hình ảnh được đưa lên Instagram có kích thước nhỏ, vuông vức, giúp người xem dễ dàng tải nhanh nội dung mình quan tâm.

Ngoài các bộ lọc màu được ưa thích, Instagram còn cho phép người dùng dễ dàng quảng bá bức ảnh của mình với các từ khóa được gắn dấu thăng (hashtag) đằng trước. Một bức ảnh đi kèm các từ khóa thường được nhiều người vào tương tác hơn là một bức ảnh trống trơn. Ví dụ, khi người dùng đặt từ khóa là #vietnam cho bức ảnh của mình, những người dùng khác dễ dàng tìm đến bức ảnh đó bằng cách tìm kiếm từ khóa #vietnam.

Instagram cùng các phần mềm chụp, chỉnh sửa và chia sẻ ảnh khác từng tạo ra thuật ngữ “iPhoneography”, dịch nôm na là nghệ thuật chụp ảnh bằng điện thoại iPhone của Apple. Instagram ra đời tháng 10-2010 và đến tháng 4-2012 đã có hơn 100 triệu người dùng thường xuyên. Đến nay, theo AFP, Instagram đã tạo ra một cộng đồng mạng xã hội với hơn 130 triệu người dùng. Năm ngoái, Facebook đã mua lại Instagram với giá 1 tỉ USD.

Ngắn và cô đọng

Trước kia, khi chưa có Facebook hay Twitter, khi muốn chia sẻ điều gì thường chúng ta phải viết vào blog. Công việc này khá mất công khi bạn phải soạn thảo một văn bản, chèn hình ảnh... Đến khi Facebook và Twitter ra đời, người ta chỉ cần gõ và bấm gửi đi là đã có thể chia sẻ một thông tin ngắn.

Mọi thứ rườm rà và không cần thiết như kiểu font chữ, màu sắc bị loại bỏ. Cái đích vẫn là thông tin và nhất là nhanh, cô đọng, đầy đủ thông tin, người xem không quá mất thời gian để nắm bắt nội dung thông tin được truyền tải.

Chính vì vậy, tài khoản của các tờ báo, các thương hiệu trên Facebook hay Twitter đều được người dùng quan tâm bởi đem đến thông tin ngắn gọn, tức thời, thậm chí có thể kèm hình ảnh để từ đó người dùng có thể chọn lọc những thông tin mình muốn đọc hoặc lướt qua những tin chính trong ngày mà không cần mở trang web. Các tài khoản mạng xã hội của các tờ báo và các thương hiệu ngày càng có đất để phát triển khi mạng xã hội ngày nay dường như gắn chặt với cuộc sống của con người hiện đại, nhất là giới trẻ.

Quay lại với Instagram, ứng dụng này phát triển nhanh có lẽ cũng do cách truyền tải và chia sẻ ảnh cực nhanh (bấm nút chụp ảnh và đăng tải ngay kèm theo một câu chú thích ngắn). Người dùng không rành về công nghệ cũng có thể tạo những bức ảnh hợp với cảm xúc thông qua các bộ lọc màu có sẵn. Ảnh đẹp theo cảm xúc, dễ chia sẻ, dễ có người tương tác.

Nhưng chắc rằng một tác phẩm sẽ sống động hơn nếu nó chuyển động được kèm theo âm thanh. Hình ảnh một cô gái với mái tóc bay phấp phới trong gió dù chỉ kéo dài 15 giây cũng sống động hơn một hình tĩnh. Hình tô phở nghi ngút khói trong bữa sáng sẽ hấp dẫn hơn hình chụp một tô phở “đứng yên”. Hình ảnh một bãi biển với sóng vỗ rì rào cùng hàng dừa đu đưa trong gió hẳn phải đẹp hơn một hình tĩnh.

Chức năng video trên Instagram đang giúp người dùng có cơ hội chia sẻ nhiều hơn những khoảnh khắc ngắn trong cuộc sống mà không cần phải quay một đoạn phim dài với độ phân giải cao rồi tải lên YouTube. Khoảnh khắc ngắn dưới 15 giây đó có thể là cảnh thổi nến sinh nhật, cảnh chim chóc hót trong nắng sớm, cảnh thú cưng nhà bạn làm động tác gì đó đáng yêu, cảnh người nổi tiếng mà bạn hâm mộ xuất hiện hay bất cứ khoảnh khắc thú vị nào mà người ta bắt gặp trong cuộc sống.

Có điều chức năng này buộc người ta phải động não và sáng tạo hơn trong việc cô đọng thông tin. Trước kia, người ta đã phải tìm cách để cô đọng thông tin trong 160 ký tự trên Twitter. Nay, người ta phải tìm cách vun vén hình ảnh sống động trong 15 giây trên video của Instagram mà không làm mất đi nội dung cần truyền tải.

Vine, ứng dụng tương tự video trên Instagram trước đó, thậm chí còn giới hạn thời lượng video ngắn hơn, ở mức 6 giây. Có lẽ vì thế mà Instagram có trên 130 triệu người dùng trong khi Vine có ít hơn 10 lần. Ngoài ra, theo CNN, người ta cũng tải khoảng 40 triệu ảnh mỗi ngày lên Instagram.

EORBQ0to.jpgPhóng to
Chia sẻ nhanh những khoảnh khắc, cảm xúc đang dần trở thành thói quen của nhiều bạn trẻ - Ảnh: Thuận Thắng

Cơ hội từ video siêu ngắn

Ở Thái Lan, nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng có tài khoản Instagram riêng. Tài khoản này hằng ngày cập nhật hình ảnh về các hoạt động của thủ tướng, từ việc gặp gỡ nguyên thủ các nước, đi thực tế ở địa phương, tham gia các hội nghị... cùng những chú thích bên dưới ảnh về nội dung liên quan.

Trong khi các nhà phân tích còn đang nghiên cứu và đồn đoán xem Vine hay video trên Instagram sẽ kiếm tiền như thế nào thì các tờ báo và thương hiệu đã kịp tận dụng sự đình đám của Instagram để lan truyền thông tin.

Từ lâu, các mạng xã hội như Facebook hay Twitter đã là công cụ miễn phí và hiệu quả cho các tờ báo hay thương hiệu trong việc lan truyền thông tin cũng như quảng bá sản phẩm. Các tờ báo có thể đăng tải hình ảnh cùng dòng chú thích ngắn gọn về bản tin. Kèm theo đó là đường liên kết dẫn đến bản tin gốc trên web chính.

Nếu người đọc quan tâm họ sẽ bấm vào liên kết để đọc. Còn nếu không, ít nhất họ cũng nắm được thông tin cô đọng về sự kiện. Các thương hiệu thì tận dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm với hình ảnh và thông tin khuyến mãi chẳng hạn.

Trong khi đó, tuy Instagram là một ứng dụng và một mạng xã hội thân thuộc đối với giới trẻ trong những năm gần đây nhưng lại khá mới đối với nhiều tờ báo và thương hiệu. Tuy nhiên, theo quan sát của TTCT, một số tờ báo và cá nhân đã tận dụng lợi thế đang “hot” và đông người sử dụng của Instagram để truyền tải thông điệp.

Ở Thái Lan, các hãng hàng không của nước này cũng tận dụng Instagram để truyền tải các chương trình khuyến mãi giá vé hoặc đơn thuần chỉ là những hình ảnh đẹp về hãng. Mỗi nội dung như vậy có cả trăm, thậm chí cả ngàn người vào tương tác. Các tập đoàn khách sạn, khu nghỉ dưỡng trên thế giới cũng tận dụng Instagram để truyền đi những hình ảnh đẹp về dịch vụ của họ.

Hiện các tờ báo trên thế giới chưa tham gia mạnh mẽ trên Instagram nhưng một số kênh truyền hình ở Thái Lan hay kênh Al Jazeera của Qatar cũng đã bắt đầu dùng ứng dụng này để truyền đi tin tức hay hoạt động của phóng viên thông qua hình ảnh.

AFP dẫn lời người đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom phát biểu trong lễ ra mắt dịch vụ video trên Instagram rằng hơn 130 triệu người dùng ứng dụng này từ nay đã có thể “ghi lại các khoảnh khắc trên thế giới ở thời gian thực”.

Hiện nay chức năng video trên Instagram chưa cho phép đăng tải những video thu sẵn trong thiết bị mà buộc người dùng phải quay trực tiếp từ hiện trường. Mọi đoạn phim siêu ngắn trên Instagram luôn là những nội dung được truyền tải trực tiếp, do đó chúng sẽ “thật” hơn những nội dung đã được biên tập kỹ lưỡng và có chọn lọc.

Và nếu như phóng viên từ khắp nơi tận dụng được tính “trực tiếp” này, họ có thể truyền đi những khoảnh khắc sống động từ nơi mình đang chứng kiến sự việc. Những nội dung như vậy có thể thu hút được nhiều độc giả hơn, nhất là những độc giả trẻ.

Có lẽ cũng cần kể lại chuyện phóng viên Noppatjak Attanon của tờ báo The Nation ở Thái Lan. Năm 2010, anh đã đoạt giải phóng viên xuất sắc nhất trên mạng xã hội khi dùng tài khoản Twitter của mình để tường thuật trực tiếp trên mạng này về diễn biến tình hình biểu tình và xung đột căng thẳng trên đường phố Bangkok giữa người biểu tình áo đỏ và quân đội.

Ngay cả trên trang điện tử của báo The Nation hiện nay cũng có một khung nhỏ cập nhật liên tục thông tin từ tài khoản của các phóng viên của báo.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên