30/10/2019 17:00 GMT+7

Công tác phòng cháy chữa cháy tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam

T.D.V
T.D.V

EVN đã và đang ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời luôn xác định công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Công tác phòng cháy chữa cháy tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Ảnh 1.

Tủ trung tâm báo cháy tại trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ

Thực hiện chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, EVN đã xây dựng, ban hành quyết định số 290/QĐ-EVN ngày 06-11-2018 phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

Mục tiêu của đề án là xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, công nghệ thông tin và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 trong hoạt động sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng, trong đó nội dung về trạm biến áp không người trực (TBA KNT) được đẩy mạnh thực hiện, xây dựng TBA số, điều khiển nhà máy điện thông minh.

Hết tháng 8-2019, EVN đã xây dựng và cải tạo trên 600 TBA 110-220 kV, đáp ứng được yêu cầu vận hành tự động, điều khiển xa, không có người trực vận hành tại chỗ. Tại các TBA không người trực vận hành tại chỗ này có kết nối tín hiệu của hệ thống báo cháy tự động về trung tâm điều khiển xa (nơi có người trực vận hành 24/24h). EVN luôn xác định công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, do vậy luôn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC từ khâu thiết kế, thẩm duyệt, lắp đặt và nghiệm thu hệ thống PCCC.

Các TBA không người trực vận hành tại chỗ đã và đang được trang bị hệ thống PCCC ứng dụng công nghệ, phương tiện PCCC mới như:

- Hệ thống báo cháy tự động trung tâm loại địa chỉ có khả năng giao tiếp với máy tính nhằm tự động phát hiện kịp thời sự cố cháy xảy ra và báo động bằng âm thanh, hiển thị khu vực xảy ra cháy tại tủ điều khiển trung tâm, truyền tin báo cháy về trung tâm điều khiển xa (OCC-Operating Controll Center);

- Đầu báo cháy tự động nhạy cảm với các hiện tượng kèm theo sự cháy (sự tăng nhiệt độ, tỏa khói, phát sáng);

- Hộp nút ấn báo cháy;

- Tủ trung tâm báo cháy có thể nhận tín hiệu từ đầu báo cháy tự động và phát tín hiệu báo động cháy, chỉ thị nơi xảy ra cháy được kết nối với hệ thống chuông, còi tại phòng bảo vệ và truyền về trung tâm điều khiển xa, nơi có người trực 24/24h;

- Hệ thống chữa cháy tự động cho máy biến áp công suất 200 MVA trở lên;

- Hệ thống giám sát an ninh và kiểm soát PCCC có module giao tiếp truyền tin mở rộng.

Tại các đơn vị thuộc EVN cũng đang nghiên cứu áp dụng công nghệ mới về PCCC như:

- Trang bị các bộ giám sát mực nước cho bể nước chữa cháy để báo mực nước của bể nước chữa cháy về trung tâm điều khiển (thông qua hệ thống giám sát điều khiển và thu thập dữ liệu (SCADA Supervisory Control And Data Acquisition);

- Trang bị hệ thống camera thông minh để theo dõi các hoạt động trong TBA nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố liên quan đến PCCC, đảm bảo an ninh an toàn và chủ động phương án dập tắt đám cháy.

Công tác phòng cháy chữa cháy tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam - Ảnh 2.

Trung tâm điều khiển xa EVNHCM có thể nhận tín hiệu báo cháy tự động từ các TBA KNT

Trên đây là một số giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy và chữa cháy trạm biến áp không người trực vận hành tại chỗ của EVN đang triển khai nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong thời kỳ đẩy mạnh việc tăng cường năng lực tiếp cận ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên