04/10/2018 14:03 GMT+7

Cú hích nội địa hóa ngành ôtô

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Việc xây dựng thương hiệu ôtô Việt, tạo hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ để gia tăng tỉ lệ nội địa hóa được xem là hướng đi đúng để xây dựng ngành công nghiệp ôtô VN.

Cú hích nội địa hóa ngành ôtô - Ảnh 1.

Các học viên tại trung tâm đào tạo của VinFast, chuẩn bị cho việc vận hành nhà máy - Ảnh: TIẾN THẮNG

Việc hai mẫu sản phẩm ôtô mang thương hiệu VinFast tham gia triển lãm tại Paris Motor Show 2018 đã tạo hiệu ứng tích cực và lạc quan cho ngành ôtô, khi doanh nghiệp (DN) trong nước đã làm được ôtô một cách "thần tốc" theo đánh giá của thế giới.

Sự kiện cũng đặt ra câu chuyện về giải pháp nào thúc đẩy từ sản phẩm thương hiệu Việt tới một ngành công nghiệp ôtô mạnh.

Xây dựng hệ sinh thái phụ trợ

Theo Bộ Công thương, đến nay cả nước có 358 DN liên quan đến ngành ôtô (gồm khoảng 50 DN lắp ráp, 45 DN sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 DN sản xuất linh phụ kiện), quá thấp so với con số 2.500 DN sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô tại Thái Lan.

Bình quân mỗi DN lắp ráp ôtô có chưa đến 2 nhà sản xuất linh kiện phụ trợ, hơn 90% linh kiện và phụ tùng ôtô lắp ráp hiện vẫn do công ty mẹ hoặc nước ngoài cung cấp, trong khi để làm một chiếc ôtô phải cần 30.000 - 40.000 linh kiện.

"Các công ty FDI về lắp ráp ôtô chủ yếu tự sản xuất các sản phẩm hỗ trợ hoặc nhập khẩu của chính hãng, hạn chế tối đa đặt mua phụ tùng linh kiện của DN nội địa, nên có rất ít DN nội địa về công nghiệp hỗ trợ có quan hệ liên kết với DN FDI và ngược lại" - Bộ Công thương đánh giá.

Theo đại diện của VinFast, một trong những thách thức để sản xuất các sản phẩm ôtô mang thương hiệu Việt là gia tăng tỉ lệ nội địa hóa trên cơ sở nâng cao khả năng cung ứng sản phẩm thiết bị, linh kiện.

Bởi vậy, ngay sau khi hoàn thiện việc thiết kế, tháng 6-2018 VinFast ký kết biên bản ghi nhớ thành lập nhà máy liên doanh dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe với Công ty Aapico Hitech (Thái Lan).

Đây là liên doanh đầu tiên trong tổ hợp công nghiệp phụ trợ của VinFast, mở đầu sự xuất hiện hàng loạt nhà máy phụ trợ khác trong hệ sinh thái.

Đến nay, các đối tác đã có công bố hợp tác với VinFast là những tên tuổi hàng đầu thế giới trong lĩnh vực chế tạo xe hơi như BMW, AVL, Magna Steyr, Bosch, Pininfarina, Schuler, Durr, ZF, Lear, AAPICO...

"Với việc thành lập nhà máy liên doanh và đầu tư trọng điểm cho thiết bị, VinFast sẽ nội địa hóa gần như toàn bộ việc dập và hàn các chi tiết thân vỏ xe, đặt nền tảng cho việc tăng tỉ lệ nội địa hóa, từng bước nâng cao hàm lượng Việt trong sản phẩm" - đại diện VinFast cho biết.

Một lãnh đạo Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) cho rằng VinFast mới bắt đầu bước vào ngành ôtô, nên việc xây dựng hệ sinh thái các DN phụ trợ xung quanh nhà máy là hướng đi đúng nhằm cắt giảm chi phí, thúc đẩy nhanh quá trình nội địa hóa.

Trông đợi sản phẩm có chất lượng

Nhìn lại ngành công nghiệp ôtô VN, việc phát triển nền công nghiệp hỗ trợ gặp không ít thách thức dù thị trường ôtô VN đã có sự tham gia của hầu hết các hãng sản xuất ôtô lớn trên thế giới.

Do đó, việc VinFast xây dựng hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ đặt cạnh nhà máy ở Hải Phòng, theo ông Lê Dương Quang - nguyên thứ trưởng Bộ Công thương, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ VN, kỳ vọng sẽ tạo ra sự kết nối, lan tỏa với các DN trong nước.

"Chúng tôi rất mong muốn có sự hợp tác chặt chẽ giữa VinFast và hiệp hội chúng tôi, thể hiện tính dẫn dắt của mình đối với các DN phụ trợ VN để cùng nhau phát triển" - ông Quang nói.

Tuy nhiên, ông Vũ Tấn Công, chuyên gia cấp cao về ôtô, cho rằng muốn nội địa hóa được, VinFast phải có thị trường, tức phải có sản lượng đủ lớn.

Nhiều năm nay, các DN FDI đều cho biết đã nỗ lực nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, nhưng do dung lượng thị trường nhỏ nên không ai đầu tư.

"Để nội địa hóa có hiệu quả, sản lượng tiêu thụ tối thiểu với mỗi dòng xe phải đạt 1.500 - 2.000 xe/tháng. VinFast có thể xây dựng được hệ sinh thái cho công nghiệp phụ trợ, nhưng yếu tố rất quan trọng là cần phải có được dung lượng thị trường đủ lớn, với sản phẩm đáp ứng chất lượng và yêu cầu khách hàng" - ông Công nói.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngành ôtô, với công suất giai đoạn đầu của nhà máy VinFast là 25.000 xe/năm (mục tiêu là 500.000 xe/năm trong giai đoạn kế tiếp), trong khi DN này không chỉ nhắm đến thị trường nội địa mà cả xuất khẩu nên câu chuyện thị trường không phải là bài toán không thể giải quyết.

Theo ông James B. Deluca - tổng giám đốc Công ty VinFast, với vấn đề kỹ thuật và sự đầu tư dành cho sản phẩm ôtô thương hiệu Việt trong tương lai gần, DN này chọn cách hợp tác với những công ty hàng đầu thế giới về kỹ thuật, thiết kế, nhân sự để xây dựng một nền tảng vững chắc.

"Chúng tôi xây dựng quy trình sản xuất đảm bảo sản phẩm không chỉ đạt được yêu cầu của khách hàng, mà còn vượt trên kỳ vọng của các khách hàng VN cũng như bất kể thị trường nào mà chúng tôi hướng tới" - ông James B. Deluca nói.

Phải kết nối được mạng lưới nhà cung cấp

Một lãnh đạo Viện Nghiên cứu và chiến lược chính sách cho rằng với việc chú trọng về công nghệ, VinFast sẽ giúp rút ngắn thời gian.

Tuy nhiên, bài toán lâu dài vẫn là kết nối và xây dựng mạng lưới nhà cung cấp linh phụ kiện có khả năng sản xuất và đáp ứng được tiêu chuẩn châu Âu, đưa ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, chinh phục được khách hàng.

"VinFast đã có hệ thống nhà máy và xây dựng, phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ, nên vấn đề đặt ra tới đây là làm sao thu hút đầu tư của các nhà sản xuất linh phụ kiện châu Âu vào hệ sinh thái này.

Nếu như thành công trong việc thu hút các nhà cung ứng phụ tùng của châu Âu vào chuỗi sinh thái này, VinFast sẽ tạo được hiệu ứng và niềm tin cho khách hàng về chất lượng sản phẩm" - vị chuyên gia này nói.

lãnh-đạo-vinfast-nhận-giải-thưởng-2-3(read-only)

Ông Dan Vardie (bìa trái), chủ tịch AutoBest, trao giải “Ngôi sao mới” cho VinFast - Ảnh: VG

"Ngôi sao mới" trong ngành ôtô thế giới

Thông tin từ VinFast (thành viên Tập đoàn Vingroup) cho biết trong khuôn khổ triển lãm Paris Motor Show 2018, đơn vị này vừa được tổ chức về ôtô hàng đầu châu Âu AutoBest vinh danh là "ngôi sao mới" của ngành ôtô thế giới.

Theo ông Dan Vardie - chủ tịch AutoBest, những gì VinFast đang làm quả thực là phi thường. Doanh nghiệp này đã phát triển được 2 mẫu xe và xây dựng một tổ hợp nhà máy hiện đại và quy mô tại VN sau chỉ vọn vẹn một năm.

Đặc biệt, 2 mẫu xe LUX A2.0 sedan và LUX SA2.0 SUV của VinFast, ra mắt công chúng toàn cầu tại Paris vào ngày 2-10, đã đánh dấu VN có ngành công nghiệp sản xuất ôtô trên bản đồ thế giới.

Theo doanh nghiệp này, sau khi phát triển tại thị trường trong nước, vào năm 2020 VinFast sẽ lên kế hoạch cho việc xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.

C.TRUNG

VinFast sẽ ra mắt xe tại Paris Motor Show VinFast sẽ ra mắt xe tại Paris Motor Show

TTO - Hãng xe hơi VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho biết sẽ đưa 2 chiếc xe mẫu Sedan và SUV tham dự triển lãm xe hơi Paris (Paris Motor Show) diễn ra từ ngày 2 đến 14-10.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên