Cú ngã quỵ của kỳ lân WeWork: Đoạn kết đắng cho câu chuyện tỉ đô

TRƯỜNG SƠN 15/10/2019 04:10 GMT+7

TTCT - Cú ngã quỵ của “kỳ lân” WeWork - nền tảng cho thuê không gian làm việc chung - trong tháng 9 vừa qua được cho là một cái chết đã được báo trước, bởi nó có đủ các yếu tố chết người của một “startup” tỉ đô được đánh giá quá cao bởi sự phóng tay bơm tiền của các nhà đầu tư mạo hiểm.

 

WeWork đã được coi là một “bong bóng kỳ lân” chờ vỡ, trước khi điều đó thực sự xảy ra vào những tuần cuối tháng 9. WeWork, công ty chuyên thuê mặt bằng, sửa sang rồi cho thuê lại để thu phí chênh lệch, đã phải hủy kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi các báo cáo thẩm định mới nhất cho thấy giá trị công ty chỉ vào khoảng 10 tỉ USD, trong khi nó từng được định giá 47 tỉ USD.

“Cú đấm” cuối cùng giáng vào WeWork trong ngày 24-9, khi Adam Neumann - người đã bán câu chuyện đầy tham vọng của mình để đổi lấy dòng tiền đầu tư khổng lồ, trong đó có 10 tỉ USD từ nhà đầu tư Masayoshi Son (CEO SoftBank) - từ chức giám đốc điều hành.

Adam Neumann đã phải rời cương vị lãnh đạo WeWork. Ảnh: theverge.com
Adam Neumann đã phải rời cương vị lãnh đạo WeWork. Ảnh: theverge.com

Neumann đã xây dựng nên WeWork, giúp công ty chóng trở thành kỳ lân (“unicorn”, từ chỉ các startup được định giá trên 1 tỉ USD khi chưa niêm yết), để rồi bị phanh phui hàng loạt bê bối liên quan đến cách hành xử trong quản trị doanh nghiệp.

WeWork hiện có 528 địa điểm cho thuê tại 111 thành phố khắp thế giới, song sự tăng trưởng đó chỉ có thể làm vừa lòng các nhà đầu tư khi công ty chưa niêm yết. Khi nộp hồ sơ IPO, các công ty phải minh bạch hóa tài chính và hoạt động, từ đó bộc lộ những vấn đề của nó.

Vấn đề lớn nhất của WeWork là dù tăng trưởng nhanh chóng, công ty này không hề sinh lời. Trong nửa đầu năm nay, WeWork đã “đốt” khoảng 900 triệu USD tiền đầu tư và mô hình hoạt động của nền tảng này cho thấy khó có triển vọng có thể có doanh thu khả quan, theo Wired.

Thời bán những viễn tượng

Vì sao một công ty được định giá 47 tỉ USD trong mắt những nhà đầu tư mạo hiểm - những người sẵn sàng chi tiền vì tin vào tương lai tươi sáng mà các nền tảng công nghệ mang lại - lại rớt giá thê thảm khi chuẩn bị chuyển thành công ty đại chúng?

Đó là câu chuyện chung của các startup trong thời “bong bóng kỳ lân” - khi các startup được định giá cao hơn nhiều lần so với giá trị thật.

WeWork, dù hoạt động giống một công ty bất động sản hơn là một hãng công nghệ, may mắn sinh ra trong thời các nhà đầu tư tích cực vung tiền cho các nền tảng công nghệ, được kỳ vọng sẽ “định nghĩa lại” mọi ngành nghề.

Nếu một người ở Mỹ thức dậy trên tấm nệm do startup bán chăn đệm online Casper cung cấp, rồi gọi xe qua Lyft để đến công ty đang thuê văn phòng của WeWork làm việc, sau đó gọi bữa trưa qua app giao đồ ăn DoorDash và cuối ngày lại gọi Lyft về nhà rồi gọi đồ ăn tối qua Uber Eats, người đó đã có trọn một ngày chỉ sử dụng dịch vụ của các công ty có số lỗ tổng cộng 13 tỉ USD trong năm nay, theo The Atlantic. “Đa số các công ty này chưa bao giờ công bố có lợi nhuận, và có thể sẽ không bao giờ đạt được điều đó” - tác giả Derek Thompson viết.

Những công ty này đều huy động được số vốn khổng lồ nhờ bán những viễn tượng về các nền tảng công nghệ “định nghĩa lại” mọi thứ, từ giao thông vận tải, giao nhận đến bán lẻ, cho thuê văn phòng và các nhà đầu tư bơm tiền vì tin vào các câu chuyện tỉ đô đó.

Với tiền vốn từ các nhà đầu tư, các startup không cần quan tâm đến lợi nhuận, mà chỉ tập trung vào tăng trưởng bằng cách liên tục giảm giá vì hai lý do. Một, các nền tảng cần cạnh tranh về giá để thu hút người dùng, tin rằng sau khi xây dựng được thói quen và có lượng khách hàng ổn định có thể dễ dàng tăng giá cũng không muộn. Hai, không nền tảng nào dám tăng giá vì sợ đối thủ, vốn được nhà đầu tư “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” hơn, sẽ tranh thủ giảm giá thêm để chiếm khách hàng.

Mọi thứ sẽ vẫn ổn nếu những nhà sáng lập các nền tảng này tiếp tục được hậu thuẫn bởi các nhà đầu tư sẵn sàng “đốt tiền”. Neumann với tham vọng “định nghĩa lại không gian làm việc” của mình đã tìm được người tâm đầu ý hợp - Masayoshi Son, người làm chủ quỹ đầu tư đến 100 tỉ USD, sẵn sàng đặt cược vào những công ty công nghệ đình đám nhất.

Thế nhưng các nhà đầu tư mạo hiểm bỏ tiền ra cũng chỉ chờ ngày hái quả: công ty họ đã miệt mài bơm tiền tiến hành IPO, tiếp tục “bán” lại câu chuyện về tương lai tươi đẹp cho công chúng, mang lại lợi nhuận từ cổ phiếu cho cả nhà đầu tư ban đầu và các người sáng lập startup. Vấn đề là khi làm thủ tục IPO, các hoạt động tài chính của họ không còn được nhìn bằng con mắt lãng mạn, “tin vào tương lai”, mà rạch ròi đen trắng.

Cũng là câu chuyện về tương lai rực rỡ, nhưng người nghe đã khác. Trong khi các nhà đầu tư mạo hiểm không ngại đốt tiền, miễn là định giá của những “con kỳ lân” mà họ đặt cược vào tiếp tục tăng, thì các nhà đầu tư đại chúng quan tâm đến lợi nhuận hơn.

Câu chuyện trở nên buồn cười khi WeWork tiếp tục “bán” các giấc mơ ngàn tỉ đôla của họ, nhưng có kèm theo báo cáo về những khoản lỗ hàng tỉ đôla” - Thompson viết trên The Atlantic.

Cái chết được báo trước

Điều tương tự đã xảy ra với Uber và Lyft - hai công ty “bán” câu chuyện về tương lai của việc đi lại hay Airbnb, với giấc mơ định nghĩa lại ngành khách sạn. Những ý tưởng táo bạo và mới mẻ này đã mang lại giá trị định giá khổng lồ: Uber 68 tỉ USD, Lyft 24 tỉ và Airbnb 31 tỉ.

Nếu những nhà đầu tư như Son của SoftBank là người bảo vệ ước mơ thì các nhà đầu tư đại chúng lại là giám thị nghiêm khắc, những người tin vào số liệu thực tế hơn là những... giấc mơ. Uber bắt đầu niêm yết từ tháng 5 và giá cổ phiếu tính đến cuối tháng 9 thấp hơn giá IPO 30%, trong khi giá cổ phiếu Lyft cũng giảm hơn 40% kể từ tháng 3. Airbnb chưa dám niêm yết trong năm nay, mà dự kiến chờ đến năm 2020.

Theo Recode, việc các khoản tiền được “ném” vào startup kỳ lân cũng giống như làm thí nghiệm: nếu ta bơm đủ tiền cho một công ty công nghệ non trẻ, không có lợi nhuận và ép các nhà sáng lập phải tiếp tục “mơ lớn nghĩ lớn”, liệu công ty đó có trở thành một Alibaba thứ hai?

Công ty Trung Quốc được đưa ra làm ví dụ vì SoftBank đã đầu tư vào đây 20 triệu USD, sau đó bán cổ phần và thu về 11 tỉ USD. Thí nghiệm này có lúc thành công, cũng có lúc thất bại, riêng WeWork thuộc về trường hợp thứ hai.

Vẫn có nhiều công ty ở Thung lũng Silicon IPO thành công, còn riêng trường hợp WeWork cho thấy việc định giá một công ty cao hơn giá trị thật 20 tỉ USD, trong khi nó lỗ mỗi năm 1 tỉ USD, chẳng thể nào thành công ở thị trường đại chúng” - Matt Kennedy, chuyên gia IPO thuộc quỹ đầu tư Renaissance Capital, nói với Recode.

Trong bài viết trên Quartz ngày 28-9, hai tác giả Alison Griswold và Jason Karaian nhận định thị trường đại chúng không dễ bị thuyết phục bởi các câu chuyện thần tiên của startup công nghệ. Hai cây bút này gọi WeWork là “cái kết hợp logic của bong bóng kỳ lân”, khi một công ty bị đánh giá cao hơn thực tế “chết” vào lúc bắt đầu phải chinh phục giới đầu tư đại chúng, “những người cần nghe một câu chuyện khác từ các nhà sáng lập” thay vì nghe lại thứ mà họ đã kể cho giới đầu tư mạo hiểm lắm tiền nhiều của và thích đánh bạc với may rủi.

Thompson của The Atlantic ví các startup kỳ lân như những kẻ làm trò ảo thuật ở triển lãm khoa học. “Những con kỳ lân không hề tiêu đời, nhưng chúng cần phải thay đổi câu chuyện và mô hình kinh doanh của mình - Thompson viết - Có thể những điều kỳ diệu đã tạo ra các công ty này, nhưng chỉ có toán học (các số liệu) mới có thể cứu được chúng”.■

Các nhà đầu tư mạo hiểm thường nói họ không phải chỉ bỏ tiền vào các ý tưởng, mà còn đầu tư vào con người. Gương mặt được chọn để “gửi vàng” Adam Neumann của WeWork lại được mô tả là “có hành vi chẳng giống một CEO”. Neumann sở hữu nhiều bất động sản và đem chúng cho chính WeWork thuê lại, tức vừa đóng vai chủ nhà vừa đóng vai khách thuê.

Người đàn ông 40 tuổi này cũng dùng cổ phần ở WeWork để bảo lãnh các khoản vay cá nhân. Kỳ lạ hơn, Neumann khăng khăng đòi đổi tên WeWork thành We Company, để rồi thu tiền bản quyền sử dụng từ We mà mình đã đăng ký sở hữu trước đó cho chính WeWork với giá 5,9 triệu USD.

Quá trình lên vinh quang và xuống vực sâu của Neumann gợi nhớ con đường thăng trầm của Travis Kalanick, nhà đồng sáng lập Uber. Kalanick đã bị đẩy khỏi ban quản trị công ty hồi năm 2017 giữa các bê bối quấy rối tình dục, trong khi Uber bị điều tra về văn hóa doanh nghiệp.

Khi sai phạm của họ trong quản lý doanh nghiệp được công khai, các nhà đầu tư và công chúng lập tức quay lưng với cả Kalanick và Neumann. Trớ trêu thay, trước khi nổ ra các bê bối, cũng chính các nhà đầu tư đó đã nhiệt thành ủng hộ hai doanh nhân vì tầm nhìn và sự táo bạo của họ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận