20/01/2019 13:31 GMT+7

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 3: Mỹ - Trung đấu nhau trên thị trường vi mạch

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Theo Bộ Tư pháp Mỹ, từ năm 2006-2018, nhóm APT 10 đã tiến hành tối thiểu 2 chiến dịch tin tặc quy mô lớn để tấn công mạng nhiều doanh nghiệp tại 12 quốc gia. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước, Mỹ còn tố thêm nhiều vụ khác.

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 3: Mỹ - Trung đấu nhau trên thị trường vi mạch - Ảnh 1.

Bộ Tư pháp Mỹ công bố quyết định truy tố Chu Hoa và Trương Kiến Quốc - Ảnh: Getty Images

Tại cuộc họp báo ngày 20-12-2018, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố quyết định truy tố hai công dân Trung Quốc là Chu Hoa và Trương Kiến Quốc.

Hai người này là thành viên nhóm tin tặc nổi tiếng APT 10 (còn gọi là Red Appollo hay Stone Panda), bị nghi ngờ tấn công mạng tại nhiều nước nhằm đánh cắp công nghệ và thông tin thương mại phục vụ cho Bộ An ninh Trung Quốc.

Nhiều đặc vụ Trung Quốc bị truy tố

Bộ Tư pháp Mỹ tiết lộ trong 12 năm từ năm 2006-2018, nhóm APT 10 đã tiến hành tối thiểu hai chiến dịch tin tặc quy mô lớn để tấn công mạng đối với nhiều doanh nghiệp tại 12 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Phần Lan, Canada, Nhật, Ấn Độ, Brazil và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.

Chiến dịch đầu tiên mang tên "Chiến dịch đánh cắp công nghệ" bắt đầu từ năm 2006 nhắm đến 45 công ty công nghệ và cơ quan chính phủ Mỹ. Phương thức tiến hành khá cổ điển, đó là gửi email nhử để cài cửa hậu (kỹ thuật lừa spear phishing).

Các doanh nghiệp bị gài bẫy hoạt động trong nhiều lĩnh vực như hàng không, không gian, công nghệ tin học, điện tử, năng lượng, quốc phòng. Trong số đó có nhiều tên tuổi trong NASA hoặc Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley.

Chiến dịch thứ hai mang tên "Chiến dịch đánh cắp MSP" bắt đầu từ năm 2014 nhằm tấn công các nhà cung cấp dịch vụ quản lý với chiêu thức như đề nghị cung ứng dịch vụ cứu dữ liệu hay bảo vệ mạng, sau đó sử dụng phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin.

Từ máy tính bị nhiễm, bọn tin tặc tiếp tục xâm nhập máy tính của các doanh nghiệp khác.

Không chỉ vụ Chu Hoa và Trương Kiến Quốc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa hai nước, Mỹ còn tố thêm nhiều vụ khác.

Ngày 25-9-2018, quân nhân dự bị Kỷ Siêu Quần (27 tuổi, người Trung Quốc) đã bị FBI bắt giữ tại Chicago vì âm mưu chuyển thông tin thu thập từ tám nhà khoa học và kỹ sư làm việc cho các công ty hàng không dân sự và quân sự.

Đến ngày 10-10-2018, Từ Ngạn Quân (38 tuổi) bị bắt ở Bỉ vào đầu tháng 4-2018 đã bị dẫn độ về Mỹ. Đây là lần đầu tiên Mỹ tiến hành dẫn độ một nhân viên tình báo Trung Quốc.

Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng Từ Ngạn Quân là sĩ quan tình báo làm việc cho Bộ An ninh Trung Quốc đã bị Mỹ truy tố vì âm mưu gián điệp kinh tế.

Người này bị nghi ngờ từ năm 2013 âm mưu đánh cắp thông tin bí mật của nhiều công ty hàng không Mỹ như GE Aviation (cung cấp động cơ máy bay) dưới hình thức mời các chuyên viên công ty sang Trung Quốc dự hội thảo mà không tốn một xu.

Từ Ngạn Quân sẽ bị xét xử tại Cincinnati (bang Ohio), nơi đặt văn phòng của GE Aviation.

Cuối tháng 10-2018, Mỹ tiếp tục truy tố 10 công dân Trung Quốc gồm bốn đặc vụ và sáu tin tặc bị tình nghi hoạt động gián điệp kinh tế.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, trong thời gian tối thiểu năm tháng, những người này đã tìm cách đánh cắp dữ liệu, quyền sở hữu trí tuệ và thông tin thương mại bí mật của các công ty hàng không Mỹ và Pháp, đặc biệt là công nghệ động cơ.

Ngành công nghiệp bán dẫn rất quan trọng đối với các hệ thống phòng thủ và sức mạnh quân sự của Mỹ

Báo cáo của các cố vấn tổng thống Obama

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 3: Mỹ - Trung đấu nhau trên thị trường vi mạch - Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất linh kiện máy tính xách tay của Trung Quốc rất cần vi mạch. Trong ảnh: nhà máy ở Lục An (tỉnh An Huy) - Ảnh: Getty Images

Trung Quốc cần, Mỹ cố ngăn chặn

Giám đốc nghiên cứu Viện Quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp (IRIS) Jean-Vincent Brisset nhận định trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, nhiều quốc gia sử dụng tình báo kinh tế để bù đắp tình trạng lạc hậu công nghệ với chi phí rẻ nhất và Trung Quốc không phải ngoại lệ.

Các nước phương Tây nhận ra gián điệp Trung Quốc rất tích cực tìm cách đánh cắp thông tin như cài thực tập sinh vào các công ty mục tiêu hay chiêu dụ công dân Mỹ gốc Trung Quốc đại lục và lãnh thổ Đài Loan.

Lĩnh vực đáng quan tâm là hàng không vì dù Trung Quốc được chuyển giao công nghệ một số loại máy bay như Sukhoi Su-33 do Ukraine cung cấp nhưng lại chưa đủ sức sản xuất máy bay hiện đại như các nước phương Tây.

Máy bay dân dụng Comac C919 của Trung Quốc (dự kiến đưa vào sử dụng năm 2020) được trang bị phần lớn là thiết bị của Mỹ và châu Âu. Một lĩnh vực then chốt khác mà Trung Quốc lệ thuộc nhiều vào nước ngoài là vi mạch điện tử.

Vi mạch là nền tảng của kỹ thuật số và an ninh quốc gia trong khi Trung Quốc phụ thuộc nguồn cung cấp vi mạch chất lượng cao từ bên ngoài và lệ thuộc tình hình nhập khẩu thiết bị bán dẫn còn hơn cả dầu mỏ.

Từ thời chính quyền của tổng thống Barack Obama, Mỹ đã lo ngại làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào các công ty thiết bị bán dẫn ở Mỹ. Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (trực thuộc Bộ Tài chính) xem xét từng trường hợp đầu tư từ Trung Quốc để xem có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hay không.

Ví dụ năm 2015, Tổng thống Obama không cho Hãng Intel bán một số loại vi mạch tiên tiến cho Trung Quốc. Năm sau, ông ngăn cản Quỹ đầu tư Fujian của Trung Quốc thâu tóm hãng sản xuất vi mạch Aixtron của Đức.

Aixtron sản xuất thiết bị bán dẫn hiện đại dùng cho đèn LED, laser và pin năng lượng mặt trời. Các thiết bị này có thể dùng trong quân sự và Trung Quốc có thể mua mà Mỹ không thể hạn chế.

Hai tuần trước khi ông Obama chấm dứt nhiệm kỳ, các cố vấn đã công bố báo cáo "Bảo đảm đi đầu dài hạn trong ngành công nghiệp bán dẫn".

Báo cáo đề nghị xem một bộ phận công nghệ bán dẫn là bí mật quốc gia, đồng thời có biện pháp ngăn chặn nạn gián điệp công nghệ.

Đến thời Tổng thống Donald Trump, cuộc chiến chống gián điệp công nghệ và bảo vệ lĩnh vực vi mạch điện tử càng được củng cố chặt hơn.

Các biện pháp ngăn chặn Tập đoàn công nghệ Huawei và Công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc lấn chiếm thị phần ở Mỹ là ví dụ minh họa rõ nét nhất.

Hơn 19 tỉ USD cho vi mạch

Để thay đổi tình trạng lạc hậu, năm 2014 Bắc Kinh đã thông báo thành lập Quỹ đầu tư công nghiệp vi mạch quốc gia trị giá 19,3 tỉ USD. Vi mạch giữ vai trò quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy chương trình "Made in China 2025".

Trung tuần tháng 1-2019, báo Wall Street Journal đưa tin cơ quan công tố liên bang Mỹ đã bắt đầu điều tra hình sự về vụ Huawei đánh cắp bí mật thương mại và công nghệ của Công ty viễn thông di động T-Mobile (chi nhánh của Tập đoàn Đức Deutsche Telekom).

Năm 2014, T-Mobile đã gửi đơn kiện Huawei đánh cắp công nghệ liên quan đến robot Tappy có chức năng kiểm tra chất lượng điện thoại thông minh.

________________________

Kỳ tới: Gián điệp hai mang

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên