23/01/2019 11:47 GMT+7

Cuộc chiến chống gián điệp - Kỳ 6: Kỹ thuật cài gián điệp của Trung Quốc

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Theo chương thứ 13 Binh pháp Tôn Tử, dấy binh thắng địch thành công hơn người nhờ biết trước, tức dùng gián điệp.

Cuộc chiến chống gián điệp  - Kỳ 6: Kỹ thuật cài gián điệp của Trung Quốc - Ảnh 1.

Đội trưởng bảo vệ Jerry Chun Shing Lee (phải) tại Hong Kong ngày 13-10-2017 - Ảnh: AFP

Dùng gián điệp có năm loại: nhân gián là lợi dụng người dân bình thường bên nước địch làm gián điệp; tử gián là gián điệp ta cố ý đưa tin giả cho gián điệp địch, địch mắc lừa bèn giết gián điệp của nó; nội gián là dùng quan lại địch làm gián điệp; sinh gián là phái gián điệp ta sang đất địch mà vẫn trở về; phản gián là mua chuộc gián điệp địch phái đến nước ta. 

Theo đó, Trung Quốc (TQ) đã sử dụng đòn nội gián đánh sập mạng lưới gián điệp CIA hoạt động hàng chục năm tại TQ. Đây là đòn thất bại nặng nề nhất đối với CIA tại TQ.

Thông thường, những người làm gián điệp phản bội tổ quốc không biết họ đã lâm vào tình cảnh đó và đến khi biết thì đã quá muộn.

(nguyên giám đốc CIA JOHN BRENNAN)

Vì sao mạng lưới CIA bị sập?

Lần đầu tiên vụ muối mặt này được phơi bày là bài báo đăng trên báo The New York Times (Mỹ) hôm 20-5-2017. Báo tiết lộ từ năm 2010-2013, TQ đã loại khỏi vòng chiến khoảng 30 điệp viên CIA "nằm vùng". 

Chín năm sau, vào trung tuần tháng 8-2018, trang web Foreign Policy (Mỹ) tiết lộ một ủy ban đặc biệt của CIA cộng tác với FBI đã kết luận thất bại trên xuất phát từ ba nguyên nhân hỗn hợp: có nội gián, các điệp viên CIA sơ hở và không bảo mật hệ thống thông tin liên lạc.

CIA đã lập hệ thống thông tin mã hóa tạm thời trên Internet qua máy chủ của CIA hoạt động độc lập với trung tâm. Khi liên lạc với nhân viên mới ở nước ngoài, các điệp viên CIA thường sử dụng hệ thống tạm thời này để bảo đảm an toàn nếu nhân viên mới là điệp viên hai mang. 

Song hệ thống tạm thời lại mắc lỗi kỹ thuật vì thật ra vẫn kết nối với nền tảng thông tin chính mà không có "tường lửa" ngăn chặn. Do đó, cơ quan tình báo TQ đã sử dụng nội gián xâm nhập hệ thống thông tin tạm thời của CIA.

Trong vụ này, tình báo TQ đã cài cựu nhân viên CIA Jerry Chun Shing Lee (53 tuổi) làm nội gián. Lee sinh tại Hong Kong, đã nhập quốc tịch Mỹ, nhập ngũ bốn năm, học xong cao học về quản trị nhân lực, sau đó gia nhập CIA năm 1994 phụ trách tuyển dụng và quản lý nhân viên nên có dịp đi nhiều nước. Năm 2007, Lee rời CIA sang Hong Kong làm cho các công ty tư nhân.

Ba năm sau, các điệp viên CIA "nằm vùng" tại TQ lần lượt bị lộ. FBI nghi ngờ Lee. Năm 2012, FBI dụ Lee về Mỹ với lý do ký hợp đồng làm việc trở lại với CIA. 

Lee cùng gia đình về Mỹ. Lúc đó, FBI khám xét và tìm thấy hai cuốn sổ ghi đầy thông tin tuyệt mật viết tay mà đúng ra Lee phải trả lại sau khi rời CIA. Sổ ghi đầy đủ lai lịch các điệp viên CIA, các số điện thoại liên lạc, nội dung các cuộc họp, các địa điểm liên lạc và nhà an toàn.

Lee bị thẩm vấn nhưng lại được trả tự do và rời Mỹ năm 2013, sau đó làm đội trưởng đội bảo vệ cho nhà đấu giá nghệ thuật Christie's tại Hong Kong. 

Năm năm sau, tối 15-1-2018, Lee đáp máy bay từ Hong Kong về đến sân bay J. F. Kennedy ở New York thì bị FBI bắt giữ. 

Tháng 5-2018, Lee bị truy tố các tội danh cung cấp tài liệu mật cho cơ quan tình báo TQ, chuyển tiền trái phép và gian dối với FBI. 

Theo cáo trạng, hai điệp viên TQ đã tiếp xúc với Lee tại Thâm Quyến hồi tháng 4-2010 và đề nghị trả tiền để Lee cung cấp tin mật quốc phòng. 

Họ hứa sẽ tặng 100.000 USD và chăm lo suốt đời nếu Lee hợp tác. Lee nhận chỉ thị của tình báo TQ tối thiểu đến năm 2011. 

Đầu tháng 1-2019, hồ sơ điều tra mới cho thấy Lee còn có một đồng bọn. Ngoài ra, CIA còn có bằng chứng Trung Quốc đã chia sẻ thông tin nội gián cho Nga.

Cuộc chiến chống gián điệp  - Kỳ 6: Kỹ thuật cài gián điệp của Trung Quốc - Ảnh 3.

Sinh viên Mỹ Glenn Duffie Shriver (trái) làm nội gián cho cơ quan tình báo Trung Quốc. Trong ảnh: Shriver với bà nội - Ảnh: AP

Năm giai đoạn cài nội gián

Trung Quốc gầy dựng mạng lưới nội gián ở nước ngoài theo năm bước: khoanh vùng, đánh giá, phát triển, tuyển dụng và khai thác. 

Ở giai đoạn 1, "người quan sát" khoanh vùng đối tượng tiềm năng, sau đó bàn giao đối tượng lại cho nhân viên tình báo đánh giá. 

Kỷ Siêu Quần - 27 tuổi, người Trung Quốc - đến Mỹ học kỹ thuật điện tại Viện Công nghệ Illinois năm 2013, sau đó đăng ký quân nhân dự bị. 

Tình báo Trung Quốc đã tuyển y làm "người quan sát" cho nhân viên tình báo Từ Ngạn Quân. Trong năm 2018, cả hai đều bị bắt vì làm gián điệp cho Trung Quốc.

Ở giai đoạn 2, nhân viên tình báo Trung Quốc chọn cách thức thích hợp (tiền bạc, lý tưởng, ép buộc…) để gài đối tượng cộng tác. 

Sang giai đoạn 3, nhân viên tình báo đưa ra vài yêu cầu nhỏ nhằm thiết lập quan hệ với đối tượng. Sinh viên Mỹ Glenn Duffie Shriver sang Trung Quốc học. 

Một cô gái thuê Shriver viết báo cáo về mối quan hệ thương mại Mỹ - Triều Tiên - Đài Loan rồi trả công 120 USD. 

Sau đó, cô này giới thiệu Shriver cho hai nhân viên tình báo cải trang. Họ khuyên Shriver về Mỹ vào làm cho CIA hoặc Bộ Ngoại giao. 

Sau hai lần thi tuyển hỏng, năm 2007 Shriver thi đậu vào CIA và đã nhận của Trung Quốc tổng cộng 70.000 USD. Cuối cùng, Shriver bị lộ.

Sang giai đoạn 4, nhân viên tình báo đặt thẳng vấn đề tuyển dụng làm gián điệp với đối tượng. Giai đoạn cuối khó khăn nhất là giai đoạn nội gián và người phụ trách phải duy trì liên lạc hằng ngày để thực hiện công việc nội gián.

Cuộc chiến chống gián điệp  - Kỳ 6: Kỹ thuật cài gián điệp của Trung Quốc - Ảnh 4.

Trung Quốc đã bắt giữ Michael Kovrig (trái) và Michael Spavor vì nghi ngờ đe dọa an ninh quốc gia - Ảnh: EPA

Với quan điểm toàn dân có nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia, Trung Quốc còn nghĩ ra nhiều cách. Tháng 4-2018, Bộ An ninh quốc gia mở một trang web tố cáo gián điệp. Người báo án điền vào tờ khai nêu rõ nguy cơ gián điệp và người bị tình nghi. 

Thông tin có giá trị sẽ được khen thưởng từ 10.000 đến nửa triệu nhân dân tệ (73.800 USD). Khoản thưởng không hề nhỏ vì lương bình quân hằng năm ở Bắc Kinh chỉ 85.000 nhân dân tệ (12.540 USD).

Luật tình báo quốc gia của Trung Quốc


Ngày 13-12-2018, Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận hai công dân Canada gồm cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor đã bị bắt ba hôm trước, do nghi ngờ tiến hành hoạt động đe dọa an ninh quốc gia.

Cuối tháng 6-2017, Trung Quốc đã thông qua Luật tình báo quốc gia trao quyền cho cơ quan chức năng giám sát và điều tra các mối đe dọa an ninh quốc gia.

Luật xác định bảo vệ an ninh quốc gia là công việc của toàn dân, do đó phải huy động xã hội chống gián điệp; phải giám sát các doanh nghiệp Trung Quốc trên quy mô quốc tế và tình báo phải giữ vai trò hậu thuẫn cho tăng trưởng kinh tế.

Kỳ tới: Làm gián điệp sẽ bị trừng trị

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên