27/11/2022 18:53 GMT+7

Đại biểu Quốc hội: Khuyến khích vốn đưa vào bất động sản nhưng không phải cho đầu cơ

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nguồn vốn được huy động đầu tư phát triển thị trường bất động sản cần được khuyến khích nhưng không phải là vào lĩnh vực đầu tư mang tính đầu cơ.

Đại biểu Quốc hội: Khuyến khích vốn đưa vào bất động sản nhưng không phải cho đầu cơ - Ảnh 1.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ảnh: PHẠM THẮNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội - GS.TS Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng đối với thị trường bất động sản sau giai đoạn tăng trưởng "nóng" là tình trạng khó khăn về tài chính có thể tạo ra nguy cơ suy giảm giao dịch, giá cả.

Ông cho rằng những diễn biến của thị trường bất động sản hiện nay khác hoàn toàn so với giai đoạn 2005 - 2008. Bởi giai đoạn trước đây tăng trưởng "nóng" ở khắp các phân khúc và thị trường bùng nổ các hoạt động xây dựng dẫn tới dư thừa bất động sản.

Còn ở giai đoạn hiện nay dù có nhiều dự án đưa vào triển khai nhưng sự tăng trưởng và bùng nổ của thị trường bất động sản chỉ ở một số phân khúc. Do đó không xảy ra tình trạng tồn kho, gây nên khủng hoảng “thừa” như trước đây.

GS Cường chỉ rõ với thị trường bất động sản, từ trước đến nay đều phải đi huy động vốn từ nhiều nguồn, bao gồm huy động vốn từ khách hàng, ngân hàng và đối tác.

Thời kỳ vừa qua thị trường trái phiếu doanh nghiệp bùng nổ, nguyên nhân là nguồn tín dụng của các ngân hàng cho bất động sản bị siết chặt, lãi suất huy động của ngân hàng thấp.

Từ đó các doanh nghiệp bất động sản tung ra sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với mức lãi suất hấp dẫn, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn.

"Trái phiếu là kênh huy động vốn tốt cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên khi gặp bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thị trường khó khăn, suy thoái, những sản phẩm bất động sản không tiêu thụ được song đến kỳ đáo hạn trái phiếu trả lãi cho nhà đầu tư.

Điều này dẫn đến khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản. Nếu tất cả người mua trái phiếu vì lo ngại rủi ro, không đáp ứng như kỳ vọng, đồng loạt rút vốn đúng kỳ hạn và trước thời hạn có thể dẫn tới tình trạng “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp, rất nguy hại", ông Cường phân tích.

Vì vậy theo ông Cường, phải cân nhắc rất kỹ và cần có những biện pháp xử lý cẩn trọng.

Trong đó với doanh nghiệp bất động sản, nếu đang nắm giữ lượng trái phiếu đến kỳ đáo hạn, trả nợ cho khách hàng phải tái cấu trúc nguồn vốn và phải tự thân để tìm ra các nguồn vốn khác nhằm đảm bảo được thanh khoản.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh xử trí. Vì ồ ạt đi rút tiền có thể gây nên hệ lụy rất lớn khi tạo ra "hiệu ứng lan tỏa", làm cho nền kinh tế bị lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Với cơ quan quản lý, ông Cường nói cần theo dõi sát sao trường hợp doanh nghiệp huy động nguồn tiền trái phiếu mà không sử dụng đúng mục đích, không có khả năng tạo lập ra nguồn giá trị để hoàn trả, thậm chí mang động cơ lừa đảo thì phải mạnh tay để ngăn chặn.

Cạnh đó cần có những rà soát và cảnh báo để ngăn chặn những doanh nghiệp đi lệch lạc.

Ông Cường nhấn mạnh thị trường bất động sản rất quan trọng với nền kinh tế. Vì vậy nguồn vốn được huy động đầu tư phát triển thị trường cần được khuyến khích nhưng không phải là vào lĩnh vực đầu tư mang tính đầu cơ.

Ông dẫn ví dụ trường hợp doanh nghiệp không đủ năng lực để phát triển công trình bất động sản nhưng vay tiền để mua đất, tích tụ đất rồi để đó, tiềm ẩn nguy cơ đầu cơ, không mang lại hiệu quả cho xã hội thì cần phải ngăn chặn.

"Chỉ nên tập trung khuyến khích dòng vốn vào công trình bất động sản đã hình thành như phân khúc nhà ở, có tính thanh khoản cao, là sản phẩm tiêu thụ được chứ không phải là sản phẩm tồn kho", ông Cường nêu.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (ủy viên Ủy ban Kinh tế) cho rằng để phát triển thị trường bất động sản trước hết cần giải quyết nhu cầu nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội cho những người có thu nhập thấp.

Trong đó cần xác định lại những ưu đãi trong kinh doanh bất động sản cũng như tháo gỡ các điểm nghẽn và có các chính sách ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp ở phân khúc này...

Trước đó nghị quyết chất vấn tại kỳ họp thứ 4 của Quốc hội nêu cần có chính sách thu hút, tạo nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường bất động sản.

Việc huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hoạt động công khai, minh bạch, bền vững, an toàn.

Cùng với bình ổn thị trường, không để xảy ra bong bóng bất động sản, Quốc hội giao các cơ quan ngăn chặn đầu cơ, đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường hoặc trục lợi bất hợp pháp.

Các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhất là vi phạm khi giao dịch, huy động vốn kinh doanh sẽ bị xử lý nghiêm.

Hơn 700 dự án bất động sản ‘treo’ chờ tổ công tác Thủ tướng Hơn 700 dự án bất động sản ‘treo’ chờ tổ công tác Thủ tướng 'giải cứu'

TTO - Tại Hà Nội hiện có khoảng 400 dự án bất động sản "treo", chờ thủ tục pháp lý nhiều năm chưa triển khai, trong khi TP.HCM có khoảng 302 dự án "treo".

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên