Đại học Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh ngành An toàn thông tin

KIM LIÊN
KIM LIÊN

Năm 2019, Đại học Quốc tế Hồng Bàng - HIU tuyển sinh khóa đầu tiên chuyên ngành An toàn thông tin.

Đại học Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh ngành An toàn thông tin - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Mạnh Hà - Kỹ sư An toàn thông tin - Phó Hiệu Trưởng Đại học Quốc tế Hồng Bàng chia sẻ ngành "hot" của Công nghiệp 4.0

Năm 2019, Đại học Quốc tế Hồng Bàng mở chuyên ngành An toàn thông tin?

PGS.TS Trần Mạnh Hà: An toàn thông tin (ATTT) là một trong các lĩnh vực của Công nghệ thông tin tập trung vào vấn đề bảo mật thông tin trên máy người dùng, trên đường truyền và trên máy chủ nhằm đảm bảo việc cung cấp và sử dụng an toàn các dịch vụ trực tuyến.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao nguồn nhân lực kỹ sư bảo mật thông tin, năm 2019 Đại học Quốc tế Hồng Bàng đưa vào đào tạo ngành An toàn Thông tin, chương trình học sát thực tế, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cho phép sinh viên có thể thực tập nhiều và tiếp cận với các công nghệ hiện đại liên quan đến bảo mật. 

Sinh viên cũng được cung cấp kiến thức nền tảng về mật mã, giao thức bảo mật, an toàn máy tính và hệ thống mạng, các kỹ thuật bảo vệ hệ thống máy chủ, đường truyền, và thiết bị người dùng. 

Điểm mạnh của ngành An toàn thông tin Đại học Quốc tế Hồng Bàng là các sinh viên được học và thực hành với các chuyên gia giỏi về bảo mật và an toàn thông tin, được thực tập tại doanh nghiệp ngay từ những học kỳ đầu tiên, kết hợp những bài học lý thuyết trên lớp với bài thực hành tại doanh nghiệp.

Thầy nhận định như thế nào về nhu cầu nguồn nhân lực ngành An toàn thông tin?

PGS.TS Trần Mạnh Hà: Thực tế thì nhu cầu nguồn nhân lực ngành CNTT hiện nay rất cao, và An toàn thông tin lại càng cao hơn. 

Sự lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng các vấn đề về dữ liệu lớn, về Internet kết nối vạn vật, đặc biệt là các dịch vụ trực tuyến ngày càng phát triển mạnh đặt ra nhiều thách thức về bảo mật thông tin và an toàn hệ thống, dẫn đến nhu cầu nhân lực của ngành này cũng tăng cao.

Tuy vậy, số lượng trường đào tạo ngành An toàn thông tin tại Việt Nam chưa nhiều và không phải trường nào cũng có thể đào tạo được. Hiện chỉ có một số ít trường uy tín như: Học viện Kỹ thuật Mật mã, Học viện Bưu chính Viễn Thông, Đại học Công nghệ Thông tin thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học FPT, và Đại học Quốc tế Hồng Bàng đào tạo ngành này. 

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu các chuyên gia hàng đầu về đào tạo, việc Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng mở ngành An toàn thông tin sẽ góp thêm vào việc cung cấp nguồn nhân lực ATTT chất lượng cao cho ngành công nghiệp nói riêng và cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung.

PGS.TS Trần Mạnh Hà sinh năm 1976, tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Khoa học Máy tính, Đại học Birmingham (Anh Quốc) năm 2005. 

Thầy bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành Khoa học Máy tính tại Trường Đại học Jacobs (Đức) năm 2009. 

PGS.TS Trần Mạnh Hà có gần 10 năm giảng dạy và làm quản lý tại Trường Đại học Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM. 

Ngoài công tác giảng dạy và quản lý, PGS.TS Trần Mạnh Hà còn tham gia viết sách, là Phó Ban biên tập Tạp chí REV - JEC, tham gia Dự án châu Âu EMANICS…

Đại học Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh ngành An toàn thông tin - Ảnh 2.

Phòng thực hành CNTT HIU được trang bị hiện đại

Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng có liên kết với các trường đại học nước ngoài để đào tạo ngành An toàn thông tin không?

PGS.TS Trần Mạnh Hà: Theo định hướng phát triển của trường, một số ngành học sắp tới được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong đó có ngành An toàn thông tin. 

Tuy nhiên, hiện tại Trường áp dụng dạy tiếng Anh các môn cơ sở và môn chuyên ngành cho ngành An toàn thông tin, tạo tiền đề cho việc liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài trong thời gian tới.

Ngoài ra hiện nay, Khoa CNTT có đội ngũ giảng viên là các chuyên gia, Phó Giáo sư, Tiến sỹ được đào tạo ở nước ngoài tham gia giảng dạy. 

Sắp tới, Trường tiếp tục bổ sung đội ngũ cán bộ, giảng viên người nước ngoài và giảng viên học ở nước ngoài để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng dạy, tiến tới xây dựng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế cho ngành An toàn thông tin.

Sinh viên ngành An toàn thông tin có được cơ hội ra nước ngoài du học không?

PGS.TS Trần Mạnh Hà: Hoàn toàn có thể. Nếu các em đăng ký học chương trình Hội nhập quốc tế toàn phần sẽ được trải nghiệm một khóa học tại nước ngoài. 

Hơn nữa, với vốn tiếng Anh chuyên ngành các em hoàn toàn có thể tham gia các kỳ thực tập ở nước ngoài, thậm chí là ra nước ngoài học tập và làm việc sau khi tốt nghiệp. 

Vì ngành An toàn thông tin không chỉ là ngành "hot" ở Việt Nam mà ở các nước phát triển mạnh về CNTT như Hàn Quốc, Nhật Bản,…cũng đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao ngành này.

Và có những cơ hội việc làm nào cho sinh viên mới ra trường?

PGS.TS Trần Mạnh Hà: Để trở thành một kỹ sư An toàn thông tin giỏi là điều không dễ dàng và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, vì thế mức đãi ngộ cũng tương xứng với khả năng. 

Kỹ sư an toàn thông tin mới ra trường có mức thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng, với những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi mức lương khá cao, được đảm nhận những vị trí quan trọng như: Kỹ sư an toàn thông tin, Chuyên gia an toàn thông tin, Chuyên gia phân tích bảo mật, Chuyên gia thiết kế hệ thống bảo mật… làm việc tại các công ty liên quan đến tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, trung tâm tích hợp dữ liệu và các công ty giao dịch trực tuyến, hoặc các cơ quan của chính phủ.

Những năm gần đây, cơ hội nghề nghiệp đối với ngành CNTT và An toàn thông tin rất cao, hầu như 100% kỹ sư tốt nghiệp là có việc làm trong năm đầu tiên và thậm chí sinh viên năm 3 và năm 4 có cơ hội thực tập có lương và làm việc ở các công ty lớn. 

Vì hiện nay, nguồn nhân lực ATTT còn khan hiếm, nhiều công ty lớn sẵn sàng chi trả lương cao cho sinh viên năm 3, năm 4 khi đến thực tập tại công ty để "giữ" chân kỹ sư giỏi. 

Như vậy, khi học xong các sinh viên hoàn toàn có cơ hội việc làm, được làm đúng ngành học, và có thu nhập tương xứng với năng lực.

Năm 2019, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tuyển sinh theo 5 phương thức: Thi tuyển sinh do nhà trường tổ chức (30%); xét tuyển học bạ THPT (10%); xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia (50%); xét tuyển đối với học sinh có quốc tịch nước ngoài hoặc học sinh Việt Nam học chương trình THPT nước ngoài (5%) và xét kết quả kỳ thi SAT (Scholastic Assessment Test) (5%). 

Trong đó, riêng ngành Răng Hàm Mặt và Y Khoa không áp dụng phương thức xét kết quả học bạ THPT. 

Năm nay, Trường bổ sung thêm 3 ngành học mới: Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Luật, An toàn thông tin và 2 ngành dự kiến: Hộ sinh và Y khoa.

KIM LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên