Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng tới thủ đô Washington, bắt đầu làm đại sứ Việt Nam tại Mỹ vào ngày 16-2 năm nay. Ông là đại sứ thứ 7 của Việt Nam tại Mỹ tính từ lúc hai nước bình thường hóa quan hệ song phương năm 1995.

Tuổi Trẻ đã có cuộc trò chuyện với đại sứ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 1.

* Thủ tướng Phạm Minh Chính dự kiến sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ trong hai ngày 12 và 13-5, thăm và làm việc tại Mỹ và với Liên Hiệp Quốc. Xin đại sứ bình luận về quan hệ Mỹ - ASEAN cũng như các lợi ích của Việt Nam từ quan hệ Mỹ - ASEAN?

- ASEAN và Mỹ là đối tác chiến lược. Mối quan hệ Mỹ - ASEAN có tầm quan trọng đặc biệt với nhau và đối với cả khu vực. ASEAN có vị trí địa-chiến lược quan trọng, nằm ở trung tâm kết nối khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khu vực đông dân nhất và phát triển năng động nhất của thế giới.

ASEAN thiết lập và dẫn dắt các khuôn khổ hợp tác quan trọng ở khu vực có sự tham dự của Mỹ và các nước lớn, như Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn biển ASEAN mở rộng (EAMF). Tất cả những cơ chế này tạo ra "sân chơi" cho các nước lớn, trong đó có Mỹ.

Về thương mại, kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN - Mỹ đã đạt đến 352 tỉ USD. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới của Mỹ và Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của ASEAN.

Về đầu tư, Mỹ đầu tư vào ASEAN cho đến năm 2021 là 338 tỉ USD. Số đầu tư này lớn hơn cả đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc cộng lại. Điều này cho thấy ASEAN quan trọng như thế nào với Mỹ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 2.

Ngoài ra hai bên giao lưu rất nhiều. Theo số liệu mới nhất, năm 2019, khách du lịch từ ASEAN sang Mỹ là 1,3 triệu người, trong khi từ Mỹ đến ASEAN là 4,8 triệu người. Hiện ASEAN có 55.000 sinh viên theo học tại Mỹ và Mỹ có 7.000 sinh viên theo học tại các nước ASEAN… Việc giao lưu giữa hai bên rất gắn bó, đem lại lợi ích cụ thể cho cả hai phía.

Là một thành viên của ASEAN, Việt Nam cũng thu được nhiều lợi ích từ quan hệ Mỹ - ASEAN. Bên cạnh những lĩnh vực hợp tác như tôi đã nói ở trên, Mỹ và ASEAN còn hợp tác trên các lĩnh vực hội nhập quốc tế, hợp tác biển, ứng phó với các thách thức xuyên quốc gia, các vấn đề toàn cầu… Đây là những lĩnh vực mà chúng ta quan tâm và có nhu cầu hợp tác.

Mỹ cũng thông qua các cơ chế đa phương trong đó có cơ chế về đối tác Mekong - Mỹ để thực hiện nhiều dự án phát triển, chống biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển nguồn nhân lực.

Đây cũng là những dự án đem lại lợi ích cho Việt Nam. Vừa qua, trong đại dịch COVID-19, Mỹ viện trợ cho Việt Nam hàng chục triệu liều vắc xin vừa trên cơ sở song phương vừa thông qua cơ chế COVAX.

* Kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt hơn 113 tỉ USD trong năm 2021. Đại sứ có những ưu tiên gì để thúc đẩy thương mại đạt thêm cột mốc ấn tượng hơn nữa trong thời gian tới?

- Con số ấn tượng này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt - Mỹ kể từ khi bình thường hóa vào năm 1995 và xác lập quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2013. Thực tế là chúng ta đang xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn nhập khẩu.

Phía Mỹ rất muốn Việt Nam tăng cường nhập khẩu hàng của Mỹ và đây là điều chúng ta có thể làm được. Riêng việc các hãng hàng không Việt Nam nhập hàng trăm máy bay Boeing cũng sẽ giúp cho cán cân thương mại cân bằng hơn.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 3.

Chúng ta cũng sẵn sàng nhập thêm nhiều mặt hàng từ phía Mỹ, trong đó có nguyên liệu, để có thể chế biến và sản xuất tại Việt Nam rồi sau đó xuất lại sang Mỹ và các nước khác. Tiềm năng này rất lớn.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện rất quyết tâm. Ngày xưa họ thấy khó đáp ứng nhưng ngày nay, với tiềm lực lớn mạnh hơn, họ sẵn sàng tăng cường vốn, đầu tư hơn nữa về mặt kỹ thuật, công nghệ để bảo đảm sản phẩm đáp ứng các điều kiện về mẫu mã cũng như tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để thúc đẩy kim ngạch thương mại tăng cao hơn nữa, theo tôi, có 3 điều cần ưu tiên. Một là khuyến khích thương mại, đầu tư giữa hai nước thông qua việc hỗ trợ nguồn lực, vốn, kỹ thuật, khuôn khổ pháp lý.

Hai là tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp hai nước với chính phủ hai bên hoặc với chính quyền địa phương để xác định được những vướng mắc và trở ngại, từ đó đề ra các giải pháp phù hợp.

Ba là tổ chức các diễn đàn để cho doanh nghiệp và các địa phương của hai nước gặp gỡ lẫn nhau, trao đổi thông tin, kết nối để tìm hiểu các thế mạnh của nhau. Đây là những mục tiêu mà sứ quán sẽ nỗ lực thực hiện.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 4.

* Ngày 29-3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden có "khoe" trên Twitter về việc VinFast đầu tư nhà máy sản xuất xe điện và pin ở bang North Carolina trị giá 4 tỉ USD, tạo ra hơn 7.000 việc làm cho người dân Mỹ. Ông có cảm xúc gì khi dự sự kiện này?

- Có thể nói rằng đây là dấu mốc đáng nhớ. Cách đây vài năm chúng ta khó tưởng tượng sẽ có ngày một doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn vào Mỹ và tạo đến hàng ngàn công ăn việc làm như vậy cho người Mỹ.

Điều này cho thấy rằng vị thế và tiềm năng của doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh và Việt Nam đã có các doanh nghiệp có thể vươn tới các thị trường xa xôi và tận dụng các thế mạnh của những thị trường này, như thị trường Mỹ.

Sự kiện này không chỉ được Tổng thống Biden giới thiệu trên Twitter và chia sẻ trên trang web Nhà Trắng mà còn được hai bộ trưởng của Mỹ cùng chủ trì họp báo quảng bá.

Điều đó cho thấy sự kiện này có tác động rất mạnh đến nội bộ của Mỹ, bởi nó đi đúng vào chính sách của chính quyền Tổng thống Biden là muốn tạo công ăn việc làm cho người Mỹ cũng như thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào Mỹ và tập trung vào lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường.

Cho nên dự án của VinFast được dư luận Mỹ đánh giá rất cao, kể cả chính giới lẫn doanh nghiệp và người dân Mỹ, nhất là người dân North Carolina.

Nó là biểu tượng cho một Việt Nam hội nhập mạnh và vươn ra thế giới. Và do đó việc đại diện cho Việt Nam ở những sự kiện ý nghĩa như vậy khiến tôi cảm thấy rất tự hào.

Việc VinFast đầu tư vào Mỹ nếu thành công sẽ tạo ra sự cổ vũ đối với các doanh nghiệp Việt Nam cũng như giúp tăng cường sự hiểu biết giữa doanh nghiệp và người dân Mỹ về Việt Nam.

* Trong hai tháng đầu nhiệm kỳ, ông đã tranh thủ gặp nhiều nghị sĩ Mỹ. Đâu là những điểm nhấn của các cuộc gặp này?

- Một điều tôi khá bất ngờ là các nghị sĩ Mỹ rất quan tâm về tình hình Việt Nam cũng như sự phát triển của Việt Nam đến đâu.

Các nghị sĩ ấn tượng với sự phát triển mạnh mẽ và hội nhập nhanh của Việt Nam, cũng như việc chúng ta đưa ra những cam kết rất lớn về cả kinh tế, môi trường như cam kết phát thải zero vào năm 2050 tại COP26.

Nhiều doanh nghiệp muốn tìm hiểu về Việt Nam, chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam, họ cũng tiếp cận các nghị sĩ và các nghị sĩ cũng chuyển thông điệp này cho tôi.

Bà Tammy Duckworth, thượng nghị sĩ bang Illinois, kể câu chuyện có một doanh nghiệp sản xuất xe kéo đồ chơi của trẻ con hiện rất thịnh hành ở Mỹ, giờ họ sản xuất xe kéo này chủ yếu ở Trung Quốc và họ đang vận động các nghị sĩ để chuyển sang Việt Nam. Tuy nhiên, họ chưa thể chuyển được vì các ngành công nghiệp phụ trợ của ta còn hạn chế.

Nhìn chung các lĩnh vực hợp tác mà các nghị sĩ nêu rất đa dạng, từ kinh tế kỹ thuật số, năng lượng sạch cho đến dược phẩm, nông nghiệp...

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 5.

Từ trái qua: Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennief Granholm, CEO VinFast toàn cầu Lê Thị Thu Thủy và Nghị sĩ Mỹ David Price tại họp báo ở Washington DC về dự án xây nhà máy của VinFast tại North Carolina vào tháng 3-2022


Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 6.

* Mỹ vừa cập nhật Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó rất coi trọng vai trò của Việt Nam. Chúng ta có thể tận dụng khía cạnh nào trong chiến lược này để phát triển kinh tế, hội nhập và bảo đảm an ninh, trong khi vẫn giữ vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ?

- Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có nhiều nội hàm. Việt Nam ủng hộ những nội hàm mang tính bao trùm - tức không loại trừ ai, giúp củng cố hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, giúp các nước trong khu vực hợp tác bình đẳng cùng có lợi, cùng giải quyết hoặc ứng phó với vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số...

Đây là những lĩnh vực mà ta cần tranh thủ tối đa để thúc đẩy hợp tác quốc tế trên tinh thần độc lập tự chủ, củng cố môi trường quốc tế hòa bình, hữu nghị giúp tăng cường vị thế quốc tế của Việt Nam, thu hút được nguồn ngoại lực để xây dựng, phát triển đất nước. Nội hàm nào như vậy trong chiến lược thì chúng ta sẽ tận dụng tối đa.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 7.

* Các ưu tiên của ông trong nhiệm kỳ tại Mỹ là gì?

- Bên cạnh thúc đẩy hợp tác kinh tế, tôi cũng mong củng cố hơn nữa quan hệ chính trị - ngoại giao. Theo đó, Mỹ tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị Việt Nam, ủng hộ Việt Nam phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các thể chế đa phương.

Ưu tiên tiếp theo là thúc đẩy nhanh hơn nữa hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, qua đó tăng cường độ tin cậy lẫn nhau giữa hai bên. Tôi cũng sẽ nỗ lực thúc đẩy giao lưu nhân dân, văn hóa, giáo dục, du lịch, tăng cường gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ, làm sao để người gốc Việt tại Mỹ đoàn kết hơn, đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc.

Ưu tiên quan trọng cuối cùng là hoàn thành việc chuyển trụ sở sứ quán mới.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 8.

* Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh có những bước tiến nào, thưa ông?

- Hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh vừa là trách nhiệm vừa là lương tri. Đó cũng là thước đo về sự chân thành trong quan hệ giữa hai nước từng là cựu thù của nhau. Cho nên qua những hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh, hai bên sẽ tiếp tục củng cố lòng tin và từ đó thúc đẩy các hoạt động hợp tác khác.

Nhìn lại quá trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của phía Mỹ thời gian qua trong việc hợp tác với Việt Nam như tẩy độc dioxin, rà phá bom mìn còn sót lại, hỗ trợ người khuyết tật, hỗ trợ người tàn tật do di chứng chiến tranh, những người bị ảnh hưởng chất độc da cam.

Chúng ta đã tích cực hợp tác với phía Mỹ ngay từ những ngày đầu bình thường hóa quan hệ để đi tìm kiếm và xác định người Mỹ mất tích (MIA). Năm ngoái, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sang thăm Việt Nam, hai bên có ký thỏa thuận Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam kể cả về nguồn tài chính cũng như kỹ thuật để tìm kiếm, xác minh bộ đội Việt Nam mất tích, hy sinh trong chiến tranh. Đây là sự hợp tác rất tốt và là một bước tiến mới trong hợp tác về nhân đạo và hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước.

Tuy nhiên, công việc còn rất nhiều và ngày càng khó khăn vì thời gian càng trôi đi thì việc tìm kiếm các hài cốt bộ đội Việt Nam càng khó khăn hơn. Tôi cũng ưu tiên tiếp xúc với chính giới và Quốc hội Mỹ để tăng cường nguồn lực nhằm đẩy nhanh công việc này.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 9.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng tham dự một phiên họp Đối thoại chính sách đối tác Mekong - Mỹ do Trung tâm Stimson tổ chức vào giữa tháng 3-2022


Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 10.

* Việt Nam vừa đảm nhiệm rất thành công 2 năm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Theo đánh giá của ông, câu chuyện hòa bình của Việt Nam có tác động thế nào đến vị thế cũng như sự tin cậy của các nước trên trường quốc tế?

- Nhìn vào 2 năm làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã đóng góp rất tốt vào công việc gìn giữ hòa bình trên thế giới và được các nước ghi nhận.

Điều này không phải ngẫu nhiên chúng ta có mà là đúc kết của cả một chặng đường rất dài, trong đó có kinh nghiệm của Việt Nam trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và phải rất khéo léo cũng như rất chân thành để bảo vệ nền hòa bình của chúng ta.

Từ đó chúng ta mới có chính sách đối ngoại rộng mở và hòa bình. Những sáng kiến chúng ta đóng góp tại quốc tế, tại Hội đồng Bảo an là kết tinh của những nỗ lực như vậy.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 11.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng làm việc với Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC)

Có thể nói mảnh đất Việt Nam của chúng ta là nơi đã diễn ra nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt và đẫm máu trong thế kỷ 20. Từ đó thế giới biết đến Việt Nam là một dân tộc bất khuất, hàng triệu người Việt Nam đã phải hy sinh vì hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.

Trong quá khứ, câu chuyện hòa bình của Việt Nam đã gây xúc động thế giới. Hiện nay với chính sách đối ngoại rộng mở vì hòa bình, là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng ta khẳng định khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp tục nỗ lực đóng góp cho kiến tạo và gìn giữ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Xét cả về khía cạnh lịch sử lẫn hiện tại, nỗ lực và tiếng nói của Việt Nam vì hòa bình là chân thực, được kiểm chứng và được các nước tin cậy, tôn trọng. Do đó khi chúng ta phát biểu về hòa bình thì được các nước chăm chú lắng nghe.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 12.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng gặp Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ chuyên trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink

* Nhân kỷ niệm 47 năm hòa bình, ông có thể chia sẻ gì về giá trị hòa bình và những bài học rút ra?

- Chúng ta đã phải trải qua nhiều tổn thất to lớn để có được hòa bình và vị thế hội nhập quốc tế như hiện nay. Đã trả giá đắt thì chúng ta không thể lãng phí nó.

Chúng ta nhìn vào sự kiện đã qua một cách thẳng thắn để rút ra những gì bổ ích cho tương lai, để không lặp lại những gì trong quá khứ, những cái quá đau thương với dân tộc Việt Nam.

Những dịp kỷ niệm 30-4 cũng là lúc chúng ta nhìn lại để thấy rằng ông cha chúng ta đã phải hy sinh rất nhiều để có hòa bình, nên chúng ta phải trân trọng những kết quả, thành tựu đó.

Đây cũng là lúc nghĩ thật nhiều cho việc hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc. Cái đó mới là cái bền vững, lâu dài và cần thực hiện càng nhanh càng tốt.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng: Tranh thủ tối đa ngoại lực để phát triển đất nước - Ảnh 13.

Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng tiếp một số doanh nhân người Việt


QUỲNH TRUNG - LAN HƯƠNG thực hiện
Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ
NGỌC THÀNH
11-5-2022
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0