04/05/2019 16:35 GMT+7

Đại tướng Lê Đức Anh: Yêu thương để lại cho đời

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong lễ tang Đại tướng Lê Đức Anh, có một người đặc biệt, không là lãnh đạo cao cấp, cũng không phải người ruột thịt nhưng đã lặn lội từ TP.HCM ra Hà Nội để ‘tháp tùng’ Đại tướng một đoạn đường cuối về với đất mẹ phương Nam.

Đại tướng Lê Đức Anh: Yêu thương để lại cho đời - Ảnh 1.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao tặng huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho Đại tướng Lê Đức Anh ngày 29-7-2013 tại Hà Nội - Ảnh: TTXVN

Đó là ông Nguyễn Hồng Thái - người cận vệ đã có gần 40 năm ở bên cạnh Đại tướng Lê Đức Anh. Cuộc đời mình, ông đã dành phần đời nhiều nhất cho vị tướng mà ông rất mực tôn kính và yêu thương như chính anh trai ruột thịt của mình. Đến nay, không một ai trong gia đình của ông được ông dành nhiều thời gian ở bên như với "anh Sáu Nam".

Đi cùng bác một đoạn đường cuối

Tin Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh từ trần chục ngày trước đã khiến một ông già phương Nam rơi nước mắt và đã vội vàng khăn gói ra với "anh Sáu Nam".

80 tuổi, sức khỏe hạn chế, vợ đang ốm, nhưng ông Nguyễn Hồng Thái đã lặn lội một mình từ TP.HCM ra Hà Nội hai hôm trước lễ tang để được ở gần Đại tướng những ngày sau cuối, dự lễ truy điệu Đại tướng và "tháp tùng" "anh Sáu Nam" chuyến đi dài cuối cùng từ Hà Nội về lại Sài Gòn để "nghỉ ngơi" bên con cháu và đồng đội, bà con miền Nam.

Những con đường Hà Nội quen thuộc mấy ngày qua đón những bước chân chậm rãi, nặng bước u buồn của một người con phương Nam đã thân thuộc với nơi này mấy chục năm qua. Ông Nguyễn Hồng Thái vốn gốc Tiền Giang nhưng ông đã có gần 30 năm gắn bó với những con phố đẹp nhất của Hà Nội như Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng… 

Đặc biệt là ngôi nhà công vụ mà những "người nhà binh" hay gọi là Trạm 66, nơi ông sống cùng với vị Đại tướng mà ông luôn cận kề từng bước chân và coi như anh trai của mình.

Những cơn mưa sập sùi đầu hạ, những phố dài trải vàng mùa cây sấu, xà cừ thay lá càng khiến những bước chân lẻ loi của ông Thái thêm nặng tâm tư.

Đại tướng Lê Đức Anh: Yêu thương để lại cho đời - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hồng Thái xúc động kể về 'anh Sáu Nam' mà ông vô cùng yêu kính - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Trong căn phòng trên con phố Phan Đình Phùng đầy kỷ niệm, người cận vệ già cứ để mặc cho dòng ký ức về "bác" tuôn ra lộn xộn như chính tâm tư đang rối bời của ông, như chính nỗi chống chếnh trong lòng ông. Dù không bất ngờ trước sự ra đi của Đại tướng Lê Đức Anh nhưng nỗi mất mát vẫn cứ là quá lớn, bởi với ông Thái, Đại tướng là một tượng đài quá lớn trong lòng ông.

"Bác là người dành cả cuộc đời mình cho dân cho nước, một đời xông pha vào những nơi gian khổ, hiểm nguy nhất. Mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó bác đều hoàn thành xuất sắc, một đảng viên mẫu mực trong cuộc sống, một nhà lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Là một vị tướng tài ba nhưng bác lại sống rất giản dị, không màng lợi danh gì cho riêng mình", ông Thái xúc động nói về Đại tướng - nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Nhưng trong những câu chuyện không đầu không cuối, ông Thái không nói đến những chiến công oanh liệt của vị tướng tài ba, bởi trong lòng người cận vệ trung thành và tận tâm ấy, "bác" của ông trước hết là một con người đầy ân nghĩa và giản dị vô chừng.

Ông Nguyễn Hồng Thái kể vệ những cái Tết ở lại Campuchia nhường cho anh em về nhà của Đại tướng Lê Đức Anh, người ông coi như anh trai - Video: THIÊN ĐIỂU

Tìm mộ cha ngày hòa bình

Hiến dâng cuộc đời mình cho chiến trường bom đạn để đổi lấy hòa bình, tự do và hạnh phúc cho dân nước, cho chính mình, Đại tướng Lê Đức Anh là một trong số ít vị Tướng của quân đội nhân dân Việt Nam đi qua cả 4 cuộc chiến tranh. 

Thời gian Đại tướng dành cho gia đình, cho người thân quá ít ỏi. Khi cha và mẹ mất, Đại tướng còn đang cùng với các đồng chí của mình và hàng triệu người lính căng mình trong lửa đạn nơi chiến trường ác liệt nhất.

Vậy nên, sau ngày hòa bình, Đại tướng mới có dịp về lại quê hương để tìm tới mộ của cha. Qua mấy năm chiến trận, hòa bình trở lại nhưng quê hương như vừa trải qua một trận dâu bể tang thương. 

Ngày về gặp cha để được quỳ trước mộ cha mà khóc lặng lẽ, tướng Lê Đức Anh đã phải vật lộn để tìm kiếm suốt hai giờ đồng hồ cùng với người cận vệ của mình và một cán bộ địa phương.

Ông Thái còn nhớ gương mặt căng thẳng đầy âu lo của "bác" khi việc tìm kiếm rất khó khăn tưởng như vô vọng. Và khoảnh khắc vừa tìm thấy mộ cha, ông Thái thấy ánh mắt reo vui và xúc động kỳ lạ ít thấy của vị tướng từng trải qua không biết bao tháng ngày căng não phơi thân nơi trận mạc ác liệt. 

Có lẽ những giọt nước mắt đang chảy tràn trong lòng vị tướng ấy để cố dấu đi những nước mắt trên khóe mi.

Đại tướng Lê Đức Anh: Yêu thương để lại cho đời - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh và các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ nhất, tháng 11-1992, tại Hà Nội - Ảnh: Minh Điền/TTXVN

Tình riêng gác lại

Đại tướng có tất thảy 4 người con, trong đó riêng cô con gái út vào mấy chục năm trước có gia cảnh cũng khá khó khăn. Thấy vậy, Quân khu 7 vì muốn Đại tướng được yên tâm công tác, không phải lo lắng cho cô con gái út nên đã cấp cho con gái ông một mảnh đất dù con gái ông không ở trong bộ đội.

Khi hay tin, Đại tướng Lê Đức Anh đã rất giận dữ, lập tức phê bình Quân khu 7. "Nó không đi bộ đội, cấp đất cho nó làm gì? Đất này là để cấp cho người ta đi bộ đội khi người ta không có nhà cửa", Đại tướng nói với ông Thái và sai ông tức tốc đem trả lại quyết định phân đất cho Quân khu 7, để dành suất nhà đó cho anh em bộ đội khác.

Ông Thái cũng cho biết, khi nghỉ hưu, Đại tướng dứt khoát từ chối khi Văn phòng Chủ tịch nước muốn thanh toán hóa đơn tiền điện cho căn nhà trên đường Pasteur của ông ở Sài Gòn. Đại tướng luôn dùng chính tiền lương hưu của mình để chi trả tiền điện, nước chứ không tơ hào một đồng tiền của công nào cho mình.

Thậm chí tiền lương hàng tháng của mình, Đại tướng cũng không hề hay biết mình được bao nhiêu. Ông Thái là người lĩnh lương, chia ra các khoản chi tiêu hàng tháng, còn lại bao nhiêu ông gửi lại cho phu nhân của Đại tướng chứ Đại tướng không hề mảy may quan tâm tới.

Trong khi đó, với dân với nước thì Đại tướng Lê Đức Anh lại lao tâm khổ tứ cả một đời.

Ông Thái còn nhớ rõ như in hình ảnh Đại tướng bao đêm thao thức, trằn trọc nơi đất bạn Campuchia để tìm cách hồi sinh lại một đất nước hiện đang như một đống tro tàn. Ông Thái không hiểu những nhiệm vụ nặng nề mà "anh Sáu Nam" phải đương đầu, ông chỉ nhìn những đêm ròng vò đầu bứt tai mà thương xót cho "anh" vô cùng.

Những năm ở Campuchia, không biết bao ngày lịch trình của "bác" là sáng ở Hà Nội - trưa về TP.HCM và chiều sang Campuchia. Tết năm nào Đại tướng cũng ở lại trực để nhường cho các anh em cấp dưới được về sum họp với gia đình ngày Tết.

Vì Đại tướng không về nhà ăn Tết nên ông Thái cũng phải ở lại theo. Những lúc ấy, càng mong những cái Tết sum họp bên gia đình, ông Thái càng thương và càng yêu kính hơn cái lòng hi sinh của vị tướng mà ông vẫn thân mật gọi bằng anh từ ngày còn ở chiến trường Khu 9 và chỉ đổi sang gọi "bác" trước sự cười hiền của Đại tướng khi Đại tướng lên Chủ tịch nước.

Ông Thái còn nhớ, khi còn làm chủ tịch nước, một lần về với bà con Cà Mau sau cơn bão gây thiệt hại nặng nề, Chủ tịch nước đã từ chối đi theo tuyến đường được cán bộ địa phương vạch sẵn mà yêu cầu được về với bà con ở những vùng xa xôi, nơi ông từng làm hầm bí mật ở chiến trường Quân Khu 9 ở Cà Mau. Cuộc thăm viếng của Chủ tịch nước năm ấy đã khiến bà con rất xúc động và ấm lòng hơn trong mưa bão.

Đại tướng Lê Đức Anh: Yêu thương để lại cho đời - Ảnh 5.

Chủ tịch nước Lê Đức Anh với đồng bào dân tộc ở Buôn Đôn (Đắk Lắk), ngày 28-9-1996 - Ảnh: Cao Phong/TTXVN

Khúc cá của Đại tướng

Theo ông Thái, Đại tướng - nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh là một vị tướng nghiêm khắc nhưng lại rất thương anh em bộ đội, thấy anh em bị bệnh là "bác" đều thăm hỏi rất chu đáo, tận tâm.

Ông Thái còn nhớ, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, một lần đi công tác cùng "anh Sáu Nam", lúc ăn cơm, thấy phần cơm của ông Thái chỉ có cơm và gói muối, còn mình có được hai khúc cá "bằng ngón tay út", thì Đại tướng lúc đó là một Trung tướng nhưng đã lập tức gắp khúc cá to hơn cho người lính cận vệ của mình và ra lệnh dứt khoát: "Chú Thái ăn đi", rồi nhìn lính của mình ăn cá và cười thật tươi.

Đó không phải là lần duy nhất ông Thái được Đại tướng chia cá cho mình. Những năm ông Thái theo chân Đại tướng làm nhiệm vụ ở Campuchia, một lần Đại tướng về thăm nhà, có mua thêm mấy con cá mang về cho vợ nấu ăn. Nhưng về tới nhà thì phu nhân lại đi vắng nên Đại tướng tự tay vào bếp mổ cá.

Khi ông Thái xin phép về nhà thăm vợ con thì Đại tướng vội ấn vào tay ông hai con cá đã được Đại tướng làm sạch sẽ, bảo "chú mang về cho thím và các cháu". Trên đường về nhà thăm vợ con hôm ấy, ông Thái đã rất xúc động với hai con cá của Đại tướng trên tay.

Và những niềm xúc động về ân tình của vị tướng tài năng nhưng đầy tính yêu thương anh em và rất mực giản dị ấy vẫn còn đậm sâu trong ông Thái đến tận bây giờ. Với người cận vệ trung thành và tận tụy ấy, Đại tướng ra đi nhưng tình yêu của ông thì vẫn còn để lại tới cả mai sau…

Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy Vĩnh biệt Đại tướng Lê Đức Anh - Vĩnh biệt một cuộc đời lừng lẫy

TTO - Đúng vào những ngày tháng Tư đặc biệt của dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh đã chia tay gia đình, đất nước để về với một thế giới khác...


THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên