04/12/2020 13:51 GMT+7

Đan Mạch chôn hàng triệu con chồn nâu để ngừa COVID-19

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

Đan Mạch đang đau đầu với xác của khoảng 17 triệu con chồn nâu mà chính quyền ra lệnh tiêu hủy để ngăn chặn nguy cơ lây lan chủng virus SARS-CoV-2.

Đan Mạch chôn hàng triệu con chồn nâu để ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Hàng nghìn con chồn được chôn trong cánh đồng bên ngoài thị trấn Holstebro của Đan Mạch. Ảnh: glbnews.com.

Chính phủ Đan Mạch đang đối mặt với một vấn đề nan giải: Phải làm gì với xác của khoảng 17 triệu con chồn nâu mà chính quyền ra lệnh tiêu hủy để ngăn chặn nguy cơ lây lan chủng virus SARS-CoV-2.

Trước đó, nông dân Đan Mạch được hướng dẫn cách tiêu hủy chồn nâu, loài thú được nuôi phổ biến ở nước này để lấy lông, sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra chúng có thể đóng vai trò là ổ truyền bệnh của một chủng virus có khả năng kháng các loại vaccine đang được nghiên cứu.

Ít nhất 12 người Đan Mạch đã bị nhiễm các biến thể của chủng virus SARS-CoV-2. Lệnh này đã gây thiệt hại nặng cho lĩnh vực đứng hàng thứ ba trong ngành nông nghiệp Đan Mạch, với doanh thu đạt 750 triệu USD/năm. Vấn đề hiện nay xử lý các hố chôn, không loại trừ sẽ lại phải chôn lại lần nữa.

Chồn nâu được chôn với số lượng quá lớn, đa phần trong các hố chôn tập thể với tổng khối lượng lên đến 10.000 tấn. Tại nhiều hố, quá trình phân hủy khiến xác chồn đang trồi khỏi mặt đất. Theo lý giải của giới chức nước này, quá trình phân hủy sẽ tạo ra khí gas, khiến xác trương lên và có thể bị đẩy khỏi mặt đất.

Hình ảnh và video về những cái xác trồi lên khỏi mặt đất đã khiến mạng xã hội Đan Mạch 'dậy sóng'. Truyền thông Đan Mạch đã gắn hiện tượng này với thuật ngữ 'zombie chồn nâu' (xác chết chồn nâu). Cư dân sống gần hai khu vực chôn nhiều chồn nâu gần thành phố Karup và Holstebro lo sợ nguồn nước họ sử dụng có thể bị ô nhiễm, bất chấp việc các quan chức ngành môi trường khẳng định nguồn nước dùng là an toàn.

Bộ Môi trường Đan Mạch cho biết hiện tượng xác chồn trồi lên này chỉ là 'vấn đề tạm thời liên quan đến quá trình phân hủy'. Bộ này cũng khẳng định các khu vực có hố chôn sẽ được theo dõi kỹ, trước khi quá trình dựng hàng rào bao quanh hoàn tất, để tránh rủi ro cho con người và động vật khác.



Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên