Dân tin mới làm

HỒNG VÂN 29/09/2020 01:09 GMT+7

TTCT - Cùng hướng đến việc xây dựng thành phố thông minh nhưng một thành phố nhỏ của Nhật lại giải được bài toán mà Mỹ và Trung Quốc luôn phải vò đầu bứt tai: thu hút niềm tin và sự tham gia của người dân.

Xe buýt chạy điện đến đón tại nhà theo nhu cầu của người dân thí điểm ở thành phố thông minh. Ảnh: Researchgate

Việc người dân không tin tưởng và phản đối việc thu thập thông tin cá nhân của họ là một trở ngại cho việc mở rộng các thành phố thông minh. Lời giải đến từ thành phố Aizuwakamatsu (tỉnh Fukushima), một thành phố thông minh hàng đầu đang được xây dựng của Nhật Bản, theo tạp chí Nikkei Asian Review, là để người dân tự quyết định mình muốn cung cấp thông tin cá nhân như thế nào.

Thông minh từ chiếc tivi

Nghiên cứu của tiến sĩ Andrew Karvonen, Viện hoàng gia KTH về công nghệ Thụy Điển và Gregory Trencher, Đại học Tohoku (Nhật), đăng trên tạp chí Research Gate năm 2018 cho rằng sự độc đáo trong mục tiêu xây dựng thành phố thông minh của Aizuwakamatsu nằm ở chỗ “sự thông minh” được dùng như một công cụ mới để giải quyết hàng loạt vấn đề không mấy tươi sáng trong bức tranh kinh tế, xã hội ở đây như tình trạng đình trệ kinh tế, suy giảm dân số, giảm chất lượng dịch vụ công, chi phí chăm sóc sức khỏe leo thang và dân số già.

Aizuwakamatsu, cách Tokyo khoảng 250km với dân số khoảng 120.000 người, là một khu vực nổi tiếng với rượu sake và truyền thống võ sĩ đạo. Thành phố này có 30% dân số là người trên 65 tuổi, cao hơn mức trung bình của Nhật Bản là 27%. Tỉ lệ sinh giảm và quy mô dân số ở đây giảm đi do người trẻ tuổi đều đến Tokyo lập nghiệp. Những thách thức này đã thúc đẩy các sáng kiến về phân tích dữ liệu và công nghệ thông tin để phục vụ các nhu cầu cụ thể của nhóm dân số đang già đi, trong đó có những thử nghiệm như cảm biến sức khỏe cá nhân, cải thiện các lĩnh vực chính sách công và dịch vụ đô thị để đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của dân số già.

Chẳng hạn, thành phố thiết kế lại các tuyến xe buýt công cộng để phục vụ tốt hơn cho các cộng đồng có nhiều người cao tuổi bằng cách phân tích dữ liệu không gian và dân số. Số hóa đến được tận những khu vực cô lập, núi non hiểm trở nhất của thành phố. Làng Minato-machi, một làng trên núi, được lợi ích rất nhiều từ hệ thống hỗ trợ nông thôn. Bằng tiền ngân sách, modem mạng được lắp đặt miễn phí tại các gia đình ở đây để thay các tivi thường bằng tivi thông minh có kết nối Internet. Họ chọn tivi vì nhận thấy người già không dùng điện thoại hay máy tính bảng mà tivi là thứ họ mở lên mỗi ngày.

Màn hình chào của tivi là kênh Minato Channel có ba lựa chọn về dịch vụ xe buýt theo yêu cầu, tình hình địa phương (thời tiết, động đất…) và chức năng giám sát sức khỏe. Khi chọn gọi xe buýt, các cụ sẽ được một loại xe điện nhỏ đến đón tận nhà, đưa đến trạm xe buýt gần nhất để đi siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bệnh viện hay trung tâm cộng đồng. Người dùng có thể chọn các khung giờ cũng như kiểm tra vị trí chính xác của xe buýt để tránh phải đợi xe trong ngày trời lạnh hoặc tuyết rơi. Khoảng một nửa dân số, phần đông lại là những người trên 65 tuổi, sống cách tuyến xe buýt đi vào trung tâm Aizuwakamatsu khoảng 3-4km. Việc phải đi bộ đường dài nhiều khiến họ ngại, từ đó giảm tần suất ra ngoài giao lưu hay làm công việc vặt. Dịch vụ xe buýt đã giải quyết vấn đề trầm kha này.

Chiếc tivi thông minh cũng giúp giám sát tình trạng sức khỏe hằng ngày của cư dân. Khi khởi động tivi, người dân tùy ý chọn có trả lời câu hỏi về sức khỏe không. Với câu hỏi: “Hôm nay bác thấy thế nào?”, nếu trả lời “Tôi không khỏe”, một thông báo tự động sẽ được gửi đến mạng lưới tình nguyện viên và một người trong mạng lưới sẽ gọi điện kiểm tra hoặc đến thăm trường hợp này. Tính năng rất có ích khi tình trạng người cao tuổi sống một mình và không có mối quan hệ xã hội ngày càng phổ biến trong xã hội Nhật và là một ví dụ rõ ràng về cách mà công nghệ, thông tin và truyền thông được tích hợp để nâng cao các nỗ lực mang lại phúc lợi tốt cho người cao tuổi.

Để người dân chọn tham gia

Những sáng kiến như kể trên sẽ chẳng thể phát huy hiệu quả nếu không có dữ liệu đầu vào từ chính người dân. Dữ liệu, yếu tố quan trọng hàng đầu với thành phố thông minh, giống như máu với cơ thể chúng ta. Nhiều công ty ở Aizuwakamatsu đang nỗ lực để các lĩnh vực từ giao thông, giáo dục, năng lượng, đến nông nghiệp và sản xuất đều thông minh hơn.

Theo Nikkei, Aizuwakamatsu đang là thành phố dẫn đầu đầy bất ngờ trong xu hướng phát triển đô thị, một phần có thể là nhờ mô hình phát triển độc đáo của nó, nơi người dân tự chọn họ có muốn cung cấp thông tin cá nhân để đổi lấy các dịch vụ thông minh hay không và ở mức độ nào. “Chỉ khi xác định cách tiếp cận là để người dân “chọn tham gia” và mỗi dịch vụ được cấp quyền thu thập dữ liệu cá nhân một cách rõ ràng, nhà phát triển thành phố thông minh mới có thể có được sự tin tưởng. Không có sự tin tưởng của người dân, đô thị thông minh sẽ thất bại” - Shojiro Nakamura, giám sát dự án, thuộc Công ty tư vấn Accenture, nhận định.

Aizuwakamatsu cũng nỗ lực để người dân tin tưởng nhiều hơn bằng cách nêu rõ lợi ích của việc chọn tham gia và tự nguyện cung cấp dữ liệu. Để tăng tính minh bạch và đảm bảo thông tin cá nhân sẽ không bị lạm dụng, việc quản lý dữ liệu do cộng đồng giám sát và những sáng kiến chưa hợp lòng dân sẽ không được triển khai. Chẳng hạn, trong năm 2020, ý tưởng lắp cảm biến trong bãi đậu xe của một điểm du lịch nổi tiếng nhằm giúp nơi này hấp dẫn hơn đã không được triển khai do công nghệ này có thể khiến người dân lo lắng.

Khoảng 20 công ty, hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thực phẩm và thương mại, đã đặt trụ sở trong cùng một tòa nhà để cùng nhau phát triển các dịch vụ dựa trên dữ liệu công dân ở Aizuwakamatsu. Hiện có khoảng 20% người dân đã đăng ký một số loại dịch vụ thông minh và con số này dự kiến sẽ tăng lên 30% vào cuối năm tài khóa 2020.

Khi lượng đăng ký đạt 50%, thành phố sẽ cho phép người dân chọn tham gia tất cả các dịch vụ trong một gói, thay vì chọn từng dịch vụ riêng lẻ. Khi có 70% người dân tham gia, hệ thống sẽ chia sẻ dữ liệu cá nhân mặc định. Tuy nhiên, người dân vẫn có quyền chọn không tham gia nếu muốn.

Bài học kinh nghiệm

Sự thận trọng của Aizuwakamatsu được rút ra từ bài học của việc xử lý thông tin cá nhân cẩu thả, đang là vấn đề cho các thành phố thông minh ở phương Tây, điển hình là Canada (xem box) và Trung Quốc.

Ở Trung Quốc, các công ty Alibaba Group Holding, Tencent Holdings, Baidu và nhiều công ty lớn khác đang tham gia quy hoạch hơn 100 thành phố thông minh do chính phủ lãnh đạo. Chính phủ đã đề ra các tiêu chuẩn quốc tế cho thành phố thông minh lên Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế, nhưng nhiều người Trung Quốc tỏ ra thận trọng với việc quản lý dữ liệu tập trung của chính phủ.

Ngược lại, Nhật Bản chọn hướng tới cách tiếp cận minh bạch hơn trong việc xử lý dữ liệu cá nhân. Tháng 5-2020, Chính phủ Nhật sửa luật để mở rộng các thành phố thông minh theo cơ chế “truy cập mở” (open access). Đặc điểm của cơ chế này là phát triển một hệ điều hành đô thị (urban OS) để quản lý tập trung dữ liệu liên quan đến các thành phố. Các thành phố ít phát triển sẽ dễ chuyển đổi sang thành phố thông minh hơn khi không phải xây dựng cơ sở hạ tầng của riêng mình từ đầu mà sử dụng hệ điều hành này. Khi nhiều thành phố được kết nối, lượng dữ liệu lớn hơn được thu thập, các dịch vụ sẽ tốt hơn và tập trung vào đối tượng hơn. Aizuwakamatsu đã xây dựng một hệ điều hành đô thị và chia sẻ nó với thành phố Kashihara (tỉnh Nara).

Theo phân tích của Hãng nghiên cứu IDC, chi tiêu toàn cầu cho công nghệ thành phố thông minh sẽ tăng lên 122,7 tỉ USD năm 2020, và tăng gần gấp đôi vào năm 2023. Chiến lược mở của Nhật nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa các tiêu chuẩn quốc tế vào quy hoạch đô thị. Nếu mô hình này trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, các dịch vụ thành phố thông minh của Nhật sẽ dễ dàng được phần còn lại của thế giới học tập. ■

Thành phố thông minh chết yểu

Sidewalk Labs, tập đoàn chị em với gã khổng lồ công nghệ Google, đã chính thức từ bỏ kế hoạch xây dựng một thành phố thông minh ở Toronto (Canada) vào tháng 5-2020 vì “sự thiếu chắc chắn chưa từng có tiền lệ của nền kinh tế” do COVID-19 gây ra. Tuy nhiên, ngoài lý do chính thức trên, khổ nạn thật sự của dự án (khởi sự cách đây 2,5 năm) liên quan đến những vấn đề tranh cãi khiến nó không nhận được sự ủng hộ của người dân.

Theo trang thestar.com, ngay từ đầu dự án đã không quan tâm đến các vấn đề liên quan đến quyền cơ bản của mọi người đối với quyền riêng tư vì mọi thứ đều được gắn với các cảm biến thu thập dữ liệu, từ dữ liệu chăm sóc sức khỏe đến dữ liệu về giao thông, giám sát môi trường, hệ thống giao thông an toàn… Người dân không biết các dữ liệu này sẽ đi đâu và họ không muốn làm “chuột bạch” cho một dự án chưa thể minh bạch về dữ liệu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận