24/03/2020 14:20 GMT+7

Để ngồi yên mùa dịch COVID-19 không rơi vào vô vị

NGUYỄN AN NAM
NGUYỄN AN NAM

TTO - Rạp phim đóng cửa, nhà sách đìu hiu, nhà hát không còn sáng đèn, bảo tàng và những phòng tranh vắng vẻ... trong những thành phố giới nghiêm, nơi con người được kêu gọi cách ly, giữ khoảng cách với nhau để tránh lây nhiễm dịch bệnh.

Để ngồi yên mùa dịch COVID-19 không rơi vào vô vị - Ảnh 1.

Công chúng có thể làm cuộc du hành qua vài trăm bảo tàng và phòng tranh nổi tiếng trên thế giới tại artsandculture.google.com. Trong ảnh: The Galleria d'Arte Moderna - Bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Milan, Ý - Ảnh chụp từ website

Những gì chúng ta nhìn thấy đã ít nhiều đem lại cái nhìn bi quan về những xáo trộn trật tự xã hội.

Nhưng nếu có cái nhìn điềm tĩnh hơn, thì những cánh cửa đóng kín và sự đìu hiu của khung cảnh sinh hoạt văn hóa cộng đồng bề mặt lại đang thôi thúc con người tìm kiếm những cách thế khác nhau để kháng cự nguy cơ bạc màu, xói mòn trong đời sống tinh thần.

1. Tại châu Âu, những buổi hòa nhạc cổ điển vẫn diễn ra trong các nhà hát lớn trước những hàng ghế vắng khán giả. Nhưng đổi lại, qua Twitter, YouTube..., âm nhạc vẫn có thể đến với người yêu nhạc hàn lâm trên khắp thế giới.

Hẳn nhiều người sẽ nói rằng, nghệ thuật hàn lâm cần đến những thính phòng lớn, đảm bảo và tiêu chuẩn tiếp nhận. Nhưng trong điều kiện hiện tại, khi không gian cầu kỳ lý tưởng là một đòi hỏi xa xỉ, thì việc làm sao để duy trì những sinh hoạt nghệ thuật kết nối con người trong cái đẹp, làm cho nghệ thuật vẫn tồn tại sống động là điều quan trọng nhất.

Cũng vậy, chúng ta không nhất thiết phải đến với các bảo tàng lớn trên thế giới trong thời dịch bệnh khi nhiều quốc gia đã ban bố lệnh cấm nhập cảnh.

Mà ngay trước màn hình chiếc máy tính hay điện thoại thông minh, chúng ta hoàn toàn có thể làm cuộc du hành qua vài trăm bảo tàng và phòng tranh nổi tiếng trên thế giới bằng artsandculture (artsandculture.google.com). Công nghệ cho phép chúng ta có dịp thưởng lãm những danh tác và khám phá kiến trúc độc đáo của các bảo tàng, phòng tranh tráng lệ ngay từ chính trong căn nhà của mình.

Những ngày qua, nhiều người chia sẻ danh sách 500 bảo tàng tham gia Art And Culture của Google như một món quà giúp đi qua những ngày "ngồi yên" không rơi vào nhàm chán và vô vị.

2. Sẽ thiếu sót nếu không kể đến những kho phim, nhạc trực tuyến đầy phong phú. Trong một khảo sát mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Q&Me, tần suất sử dụng truyền hình trực tuyến trong tháng 2-2020 tăng vì đa phần người được khảo sát cho rằng đó là cách giải trí tiện lợi khi phải hạn chế việc đi lại trong mùa dịch bệnh.

Kho phim điện ảnh khổng lồ trên Netflix hay kho nhạc bao la trên Spotify, Deezer... với những gói chi phí khá dễ chịu phù hợp với chọn lựa của dân ghiền phim, ghiền nhạc khi các rạp phim và nhà hát đã đóng cửa.

Những tác phẩm điện ảnh, âm nhạc từ kinh điển đến hiện đại không chỉ cho phép người dùng tha hồ chọn lựa, mà còn thú vị hơn, bằng sự tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence), các ứng dụng giải trí trực tuyến có thể giữ chân khách hàng, giúp họ khai thác kho tàng tác phẩm một cách triệt để, hệ thống bằng chức năng gợi ý theo gu thưởng thức.

Với dân mê đọc sách thì sách hay có thể được chuyển đến tận tay người đọc với một mức giá tốt do các nhà xuất bản đua nhau tung ra các chương trình khuyến mãi kích cầu.

Điều này cũng giúp các nhà xuất bản sớm có nguồn vốn xoay vòng để tổ chức sản xuất những đầu sách mới. Bù lại, những "mọt sách" thì chỉ việc nhấp chuột chọn sách mình cần và sắp xếp thời gian, sự tĩnh tại để ngấu nghiến.

3. Như vậy, khi các thiết chế văn hóa hướng tới cộng đồng xã hội tạm gián đoạn, thì công nghệ đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp con người mở ra những khả năng kết nối, không để xảy ra bạc màu trong đời sống tinh thần và xa hơn, tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng văn hóa.

Đây cũng chính là điểm khác biệt quan trọng giữa nhân loại trong đại dịch thời hiện đại với nhân loại trong những trận đại dịch ở thời quá khứ.

Sẽ có khủng hoảng về kinh tế. Và cuộc sống mỗi người rồi sẽ khó khăn hơn bội phần, đó là điều không tránh khỏi.

Nhưng có những thứ, bằng nhu cầu thôi thúc và những nỗ lực từ bên trong, với những tiến bộ của nền văn minh, chúng ta tin rằng con người hôm nay sẽ không bị sự tàn bạo của đại dịch làm cho nghèo nàn đi.

Hậu COVID-19: Rạp phim đầu tiên ở Trung Quốc mở cửa nhưng không khán giả đi xem Hậu COVID-19: Rạp phim đầu tiên ở Trung Quốc mở cửa nhưng không khán giả đi xem

TTO - Một rạp chiếu phim ở Tân Cương mở cửa trở lại và dù áp dụng chính sách khuyến khích người xem nhưng vẫn không khán giả nào đến xem.

NGUYỄN AN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên