19/03/2020 08:00 GMT+7

'Đi chợ' mùa dịch

HẢI KIM
HẢI KIM

Trong mùa dịch, những mặt hàng như sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm đóng gói và sản phẩm chăm sóc cá nhân, nhà cửa được ghi nhận vẫn duy trì tăng trưởng trong khi các ngành hàng đồ uống giảm sâu.

Đi chợ mùa dịch - Ảnh 1.

Đội quân giao hàng thời công nghệ... chạy hết tốc lực trong mùa dịch - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Sự thay đổi không chỉ diễn ra ở giỏ hàng của người tiêu dùng mà còn ở việc lựa chọn các kênh mua sắm. Người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm tại những kênh truyền thống để hạn chế tiếp xúc và chỉ đi mua sắm tại các kênh có thể mua được số lượng lớn để trữ hàng, hoặc kênh online.

Dịch vụ "đi chợ giùm" tăng trưởng mạnh

Để phục vụ cho nhu cầu mua sắm của khách hàng trong tình hình dịch bệnh COVID-19, hạn chế tụ tập đông người ở một địa điểm, một số nhà bán lẻ, ứng dụng công nghệ đã đẩy mạnh dịch vụ mua hàng từ xa, đem chợ về nhà.

Đi chợ mùa dịch - Ảnh 2.

Đi chợ Online tăng trưởng mạnh - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đại diện Saigon Co.op cho biết từ khi xảy ra dịch bệnh, khách lựa chọn kênh mua hàng không tiếp xúc trực tiếp như mua hàng qua điện thoại, dịch vụ giao hàng tận nhà hay đặt hàng trên web tăng mạnh. Trước nhu cầu này, từ ngày 16-3, hệ thống này triển khai thêm dịch vụ nhân viên siêu thị gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu, hóa phẩm.

Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị bằng các hình thức gọi điện trực tiếp hoặc chụp hình gửi qua zalo, viber, tin nhắn theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới nhà.

Mới đây, ứng dụng Be cũng đã tung ra dịch vụ ‘Be đi chợ" giải quyết nhu cầu mua hàng của người dân trong thời điểm dịch bệnh. Theo đó, thông qua ứng dụng này, khách hàng có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu từ bó rau, vỉ trứng... với hóa đơn không quá 500.000 đồng có thể yêu cầu tài xế được kết nối "đi chợ giùm". Khách chọn điểm mua hàng như siêu thị, cửa hàng tiện lợi cùng món hàng muốn mua và tài xế sẽ thực hiện công việc còn lại.

Đại diện Be cho biết dịch vụ đi chợ giùm khuyến khích khách hàng chọn những điểm bán có xuất hóa đơn, tiện cho việc đối chiếu. Giá dịch vụ đi chợ giùm ban đầu 50.000 đồng/lần, tuy nhiên, đại diện ứng dụng Be cho biết đang khuyến khích người dùng và giảm giá xuống 30.000 đồng/lần.

Từ trước đến nay, chúng ta đều quen với khái niệm “Chợ” là nơi người bán và người mua gặp gỡ giao dịch hàng hóa. Nhưng trong mùa dịch, người mua không còn muốn đến chợ vì sợ lây nhiễm, ngại dịch bệnh. Lúc này, “chợ” đã được định nghĩa khác, không còn xảy ra những điểm truyền thống, hiện hữu nữa mà “chợ” đã được đưa lên mạng. Người mua hàng quyết định hành vi mua sắm của mình tại nhà, cơ quan, văn phòng. Vì thế, hoạt động mua bán lúc này cũng thay đổi. Các doanh nghiệp cần nắm bắt những thay đổi này để có thể tiếp xúc đúng đối tượng khách hàng.

Ông Đỗ Hòa - chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp


Theo ghi nhận, hiện nay các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thực phẩm đều triển khai chương trình bán hàng qua điện thoại hoặc đặt hàng qua ứng dụng, trang web, giảm tần suất đến siêu thị. Doanh số qua kênh bán hàng không tiếp xúc này được ghi nhận tăng mạnh, có nhà bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng 10 lần so với ngày thường. Dịch vụ "đem chợ về nhà" giải quyết được tâm lý lo ngại của người đi mua sắm ở các điểm đông người, với nhà bán lẻ, đảm bảo được doanh số bán hàng.

Mua sắm online tăng 3 con số

Theo Kantar Worldpanel dịch COVID-19 đã làm thay đổi trong hành vi mua sắm và chuyển động bán lẻ tại Việt Nam. Trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) nói riêng, dịch COVID-19 đã và đang làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất FMCG và các nhà bán lẻ, tuy nhiên không phải ngành hàng nào hay nhà bán lẻ nào cũng đều chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Mua sắm trực tuyến chiếm ưu thế và bùng nổ ấn tượng hiện nay, khi nhiều người mua sắm trực tuyến hơn so với bình thường, đóng góp vào mức tăng trưởng 3 chữ số chỉ trong một tháng kể từ khi có thông báo chính thức về dịch bệnh ở Việt Nam. Xu hướng này dự kiến còn kéo dài, đặc biệt là sau khi chính quyền địa phương đã vận động nên tránh tiếp xúc đám đông, thay vào đó là mua sắm hàng trực tuyến (online) để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh.

Ngoài ra, với sự gia tăng nhu cầu về khẩu trang và nước rửa tay khô của người Việt trong những ngày cao điểm gần đây, không quá ngạc nhiên khi các cửa hiệu drugstore (mô hình chuyên kinh doanh các mặt hàng sức khỏe và sắc đẹp như Medicare, Guardian) và nhà thuốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ. Có thể hiểu việc chi tiêu nhiều cho các sản phẩm vệ sinh tại các kênh này cũng là do nhu cầu an toàn, bảo vệ sức khỏe là trên hết.

Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, cho biết khi triển khai chương trình "Ở nhà không khó, có Shopee lo", sàn thương mại điện tử đã nhắm đến những nhu cầu cơ bản nhất của người tiêu dùng, giúp họ dễ dàng tiếp cận và mua sắm hàng hóa thiết yếu.

Với chiến dịch này, ngoài tăng cường đưa các sản phẩm thiết yếu cho mọi nhu cầu của từng thành viên trong gia đình, sàn cũng đưa ra nhiều ưu đãi giảm giá, miễn phí vận chuyển, tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm của người dùng, đáp ứng nhu cầu mua sắm đa dạng và tăng cao trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Trần Tuấn Anh, người mua hàng cũng được hỗ trợ để có thao tác nhanh chóng, tiện lợi khi truy cập và mua sắm tại nhà một cách thoải mái, tiết kiệm chi phí thông qua các công cụ khác nhau.

Theo các chuyên gia marketing, sự thay đổi này được ghi nhận tăng cả về lượng người mua sắm lẫn mức chi tiêu trong mỗi lần mua buộc các nhà kinh doanh thương mại điện tử cũng phải tính toán lại.

"Ngoài cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao nhận các doanh nghiệp chuyển sang kinh doanh online cũng cần điều chỉnh hàng hóa phù hợp với nhu cầu của người mua hàng trong thời dịch. Họ cũng cần đầu tư vào biện pháp an toàn vệ sinh, dịch tễ tạo sự an tâm cho khách mua hàng. Ngay cả nhân viên kho vận, giao hàng cũng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19", ông Đỗ Hòa lưu ý.

Siêu thị đông vui trở lại

Kênh bán lẻ hiện đại sau một thời gian đìu hiu vì người dân ngại đến mua sắm thì gần đây sức mua tăng vọt trở lại. Khi số ca nhiễm bệnh tăng lên, người dân đi mua sắm nhiều hơn để hạn chế việc đi mua sắm nhiều lần dẫn đến nhu cầu trữ hàng, thúc đẩy sự tăng trưởng đáng chú ý ở các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini... Đây là những điểm bán cung cấp sản phẩm vệ sinh, đa dạng chủng loại hàng hóa, cập nhật nhanh các chương trình hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh như giao hàng tận nhà, bình ổn giá, "giải cứu" nông sản...


HẢI KIM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: online Chợ