01/01/2020 08:26 GMT+7

Đi cùng, bứt phá, vươn lên bằng công nghệ

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Chỉ có vượt qua suy nghĩ cũ, tạo thêm động lực mới, đặc biệt là tận dụng tốt nhất mọi cơ hội của thời đại số, phát triển kinh tế dịch vụ, xanh - sạch mới có thể hiện thực hóa mong muốn đất nước thịnh vượng, nhà nhà sung túc.

Đi cùng, bứt phá, vươn lên bằng công nghệ - Ảnh 1.

Các kỹ sư trẻ của FPT thử nghiệm xe điện tự hành tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Việt Nam có thể tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) để đi tắt, đón đầu, đi cùng, thậm chí bứt phá để vươn lên, không bị bỏ rơi lại phía sau là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Bình - trưởng Ban Kinh tế trung ương - với Tuổi Trẻ.

Ông Bình nói: CMCN 4.0 đang tác động hết sức mạnh mẽ đối với mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội thế giới, trong đó có Việt Nam. 

Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 trước đây, do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện chiến tranh, trình độ phát triển còn thấp nên Việt Nam không thể bắt nhịp ngay từ đầu. Từ đó làm cho trong xã hội nảy sinh nhiều tư tưởng, suy nghĩ khác nhau về CMCN 4.0.

Có tư tưởng suy nghĩ bàng quan, thụ động, thậm chí tự ti cho rằng đó là việc của ai đó, rằng Việt Nam làm tốt 0.4 đi, cớ gì vội vàng làm 4.0. Cũng có những tư tưởng, suy nghĩ chủ quan nóng vội, duy ý chí, cái gì cũng nói đến 4.0, coi rằng 4.0 xử lý tất cả mọi việc mà không tính đến những mặt trái, những hệ lụy, những tác động tiêu cực của nó.

Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 23-NQ/TW ngày 22-3-2018 về định hướng xây dựng "Chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", và mới đây, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành nghị quyết số 52-NQ/TW về "một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia CMCN 4.0" thể hiện khát vọng của cả đất nước, chủ động tích cực tham gia CMCN 4.0.

“CMCN 4.0 là cơ hội to lớn để chúng ta đi tắt, đón đầu và đây là công cụ quan trọng để Việt Nam có thể bắt kịp, sánh cùng, đi cùng, thậm chí ở một số lĩnh vực mà chúng ta có lợi thế thì phải cố gắng tạo sự bứt phá để vươn lên. Nhưng cũng phải chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế tác động tiêu cực, để đất nước phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Bình

* Với nghị quyết này, chúng ta bắt nhịp CMCN 4.0 để có thể đi cùng, thậm chí bứt phá để vươn lên, phải bắt đầu từ đâu, thưa ông?

- Thứ nhất, phải xác định chủ động, tích cực tham gia CMCN 4.0, xem đó là nhiệm vụ chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để có quyết tâm trong đổi mới tư duy, đổi mới hành động.

Thứ 2, CMCN 4.0 mang đến cả cơ hội và thách thức, trong đó cơ hội là chủ đạo. Tuy nhiên phải chủ động tích cực, phòng ngừa ứng phó với tất cả những tác động tiêu cực, đảm bảo vững chắc an ninh quốc phòng, an toàn công bằng xã hội và phát triển bền vững của đất nước.

Thứ 3, phải có đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng một thể chế cho phù hợp. Có cách tiếp cận mở, sáng tạo, mạnh dạn áp dụng cơ chế thí điểm với những vấn đề mới, thực tiễn đặt ra, tạo mọi điều kiện cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Không bàng quan, thờ ơ, thụ động, nhưng cũng không được chủ quan, nóng vội, duy ý chí.

Thứ 4, huy động mọi nguồn lực của thành phần kinh tế cả trong nước và ngoài nước để đáp ứng đủ nguồn lực nhằm tham gia CMCN 4.0.

Tôi xin nhấn mạnh quan điểm đầu tiên trong 4 quan điểm lớn nêu trên giúp chúng ta giải tỏa những tư tưởng đang tồn tại trong xã hội để tạo sự tự tin vững vàng của đất nước để chủ động tham gia CMCN 4.0.

* CMCN 4.0 ở Việt Nam thực chất là cuộc cách mạng về thể chế, như phải xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm", ông nghĩ thế nào?

- Phần lớn chuyên gia đánh giá rằng CMCN 4.0 là cuộc cách mạng về thể chế, bởi sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, tạo ra lực lượng sản xuất phát triển rất nhanh, thậm chí "bùng nổ" khiến cho khuôn khổ thể chế lâu nay không còn phù hợp nữa. Do vậy, phải thay đổi mạnh mẽ về thể chế - là bản chất của CMCN 4.0.

Từ đó đòi hỏi phải có cách tiếp cận mở, sáng tạo và mạnh dạn cho làm thí điểm - đây là điểm rất mới. 

Bao lâu nay chúng ta vẫn tư duy cái gì chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì cấm. Vậy khó có được sự đổi mới, sáng tạo và chúng ta phải đứng lại trong khi CMCN 4.0 tràn qua, và chúng ta sẽ lại là người bị bỏ rơi ở phía sau. 

Tiếp cận mở và sáng tạo có ý nghĩa hết sức to lớn, đòi hỏi các cấp hoạch định chính sách phải có thay đổi mạnh mẽ, có đầy đủ kiến thức có thể nhận biết, nhận dạng quá trình phát triển của CMCN 4.0. 

Đặc biệt có bản lĩnh để dám thích ứng với nó, đồng thời lường đón được các tác động tiêu cực của CMCN 4.0 có thể mang tới và có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Đi cùng, bứt phá, vươn lên bằng công nghệ - Ảnh 3.

Không gian khởi nghiệp tại Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

* Nhưng cũng có quan điểm cho rằng đất nước chúng ta chưa đủ nguồn lực để tham gia CMCN 4.0?

- Chúng ta phải huy động các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Tôi xin nhấn mạnh hai ưu thế của Việt Nam khi tiếp cận CMCN 4.0:

Về nguồn lực, có hai yếu tố quan trọng, đó là vốn và nguồn lực con người. Về vốn, nhiều nước phát triển đã đầu tư nguồn vốn rất lớn cho ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. 

Cái được là tạo ra nền tảng hết sức quan trọng, nhưng cũng là trở ngại khi tiếp cận CMCN 4.0 vì họ không dễ gì bỏ đi những gì mà mình đã có. 

Với Việt Nam, điểm yếu là chưa có được điểm xuất phát tốt, nhưng nếu chúng ta tập trung nguồn lực, bỏ qua các đầu tư cho phát triển trước để tiếp cận ngay CMCN 4.0, sẽ giảm thiểu nguồn lực mà chúng ta phải bỏ ra.

Nguồn lực của CMCN 4.0 chủ yếu do cơ chế chính sách mang lại. Chúng ta có cơ chế chính sách tốt, chúng ta sẽ có đổi mới sáng tạo hiệu quả; khi có đổi mới sáng tạo hiệu quả, sẽ có sản phẩm tốt; có sản phẩm tốt sẽ kêu gọi được các nguồn lực đầu tư không những trong nước mà của toàn thế giới.

Với cách lập luận và hiểu rõ bản chất như vậy, chúng ta không chủ quan nhưng không tự ti là chúng ta không thiếu nguồn lực để đáp ứng nhu cầu của CMCN 4.0. Cơ hội đang nằm trong tay chúng ta, có vậy mới đi tắt, đón đầu, đi cùng, thậm chí bứt phá để vươn lên.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà:

Hài hòa tăng trưởng và sử dụng tài nguyên

Nhiệm vụ của ngành là phải cân đối nhu cầu phát triển cao trong bối cảnh đảm bảo được tính hiệu quả, bền vững trong sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Cần phải đổi mới thông qua các công cụ quản lý, đó là công cụ về quy hoạch phải có tính chính xác hơn, có tầm nhìn hơn.

Đặc biệt quy hoạch phải chủ động định hướng từ trên xuống, theo hướng tích hợp, lồng ghép hài hòa giữa phát triển ngành, vùng với địa phương.

Như trong quy hoạch đất đai, phải định hình nhu cầu phát triển kinh tế của các ngành, trong quy hoạch đất đai phải đưa ra được không gian, định hướng để các ngành có thể tiếp cận hướng phát triển mà không khai thác quá mức nguồn lực tài nguyên...

X.Long

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh (bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu):

Không phụ thuộc vào dầu khí

Năm 2019, thành quả quan trọng nhất của tỉnh là phát triển kinh tế không phụ thuộc vào dầu khí. Trong năm mới, tỉnh tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ biết hành động, biết tháo gỡ khó khăn để từ đó nhằm xây dựng nền hành chính phục vụ nền kinh tế.

Chúng tôi nhận thức mình đang sở hữu vùng đất đắc địa với môi trường xã hội, môi trường đầu tư và môi trường sinh thái tốt. Mục tiêu của chúng tôi không phải lấp đầy các khu công nghiệp mà là thu hút có chọn lọc, đảm bảo những tiêu chí bền vững.

Ông Dương Thành Trung (chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu):

Bạc Liêu phải là tỉnh khá

Tỉnh ủy - UBND tỉnh xác định năm 2020 Bạc Liêu phải thực sự "tăng tốc" tối đa để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu "đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh khá của khu vực và trung bình khá của cả nước".

Chúng tôi luôn xác định trước tiên phải cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính và đối xử bình đẳng, minh bạch đối với tất cả mọi doanh nghiệp, nhà đầu tư, xem đây là trách nhiệm tất yếu phải thực hiện nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Đồng thời với đó là thực hiện các ưu đãi với mức cao nhất trong khuôn khổ quy định, nhất là về đất đai, thuế, lao động.

Ông Hồ Kỳ Minh (phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng):

Ban hành nhiều chính sách phát triển

Năm 2020 TP Đà Nẵng tiếp tục chủ đề "Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư", xác định vai trò trọng tâm của công tác thu hút, xúc tiến đầu tư nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội TP. TP cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng kêu gọi đầu tư.

Song song đó, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các thủ tục đầu tư. Năm nay sẽ ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đối với các dự án PPP, các dự án xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Mai Hùng Dũng (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Dương):

Định hình lại chiến lược gọi vốn

Sau hơn 20 năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), giai đoạn này cũng là lúc tỉnh Bình Dương định hình lại, có chiến lược phát triển thông minh, bài bản hơn.

Đó là thu hút đầu tư có chọn lọc, không dàn trải như trước, ưu tiên dự án có hàm lượng khoa học công nghệ, năng suất cao hơn, không khuyến khích các lĩnh vực nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng nhiều lao động...

Đồng thời phát triển cộng đồng DN trong nước gắn kết với DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tới năm 2020 toàn tỉnh sẽ có khoảng 50.000 DN (hiện đạt 42.000 DN).

Ông Nguyễn Anh Thi (giám đốc Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia TP.HCM):

Trong hơn 10 năm qua, ngành CNTT VN dần dần chuyển từ gia công sang tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng cao hơn như sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Một trong những vấn đề hàng đầu mà ngành gặp phải chính là con người.

Cần nhìn nhận rằng CNTT là một ngành công nghiệp tri thức, mà tri thức lại gắn liền với con người. Giải quyết được điểm nghẽn này sẽ mở đường cho những cú "hích" về sau.

Ông Đỗ Văn Long (giám đốc Công ty Vietnam Blockchain Corporation):

Phải nói rằng hiện tại nhiều chính sách ở VN đã rất mở cho hoạt động đổi mới sáng tạo, tuy nhiên vẫn cần nhiều hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, đặc biệt với các giải pháp công nghệ mới mà chưa có cơ chế, chính sách quản lý, cũng cần linh hoạt có những thí điểm, thử nghiệm, hoặc ít nhất có sự hậu thuẫn để doanh nghiệp có thêm niềm tin sáng tạo.

T.Nhân

Đà Nẵng hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin Đà Nẵng hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin

TTO - HĐND TP Đà Nẵng vừa ban hành nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn TP Đà Nẵng. Đây là một quyết định có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghệ thông tin của Đà Nẵng.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên