07/10/2022 08:25 GMT+7

Di dời bến xe Miền Đông: Cần cú hích để giải 'ế'

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Chỉ vài ngày nữa, TP.HCM sẽ di dời thêm 75 tuyến xe khách về bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức). Làm sao hút khách và kết nối giao thông vào bến như thế nào?

Di dời bến xe Miền Đông: Cần cú hích để giải ế - Ảnh 1.

Nhân viên vận tải chuyển đồ lên xe tại bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo Tổng công ty Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco - chủ đầu tư bến xe mới), dự kiến từ ngày 11-10 sẽ có 100 tuyến xe khách liên tỉnh chính thức hoạt động ở bến xe mới phục vụ hành khách. Trước đó, bến xe có 22 tuyến chạy trên cự ly từ Quảng Trị ra Bắc (từ 1.100km trở lên).

Người dân, doanh nghiệp than khó

Các tuyến mới với gần 1.700 xe từ TP.HCM hướng ra miền Trung, Bắc (trừ hướng quốc lộ 14 đi Tây Nguyên). Hơn 60 tuyến còn lại ở bến cũ sẽ được dời qua khi bến mới hoạt động ổn định, kết nối đồng bộ giao thông xung quanh.

Nhiều hành khách ngại đến bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới bởi nơi đây cách trung tâm TP hơn 20km, kết nối giao thông chưa thông suốt. Đi xa tốn kém, chưa kể gặp kẹt xe sẽ mất nhiều thời gian.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp vận tải tỏ ra lo lắng với thực trạng giao thông hiện nay. Tình trạng "xe dù, bến cóc" hoành hành, xe trong bến sẽ gặp khó khăn.

Ông Đào Viết Ánh - tổng giám đốc Công ty CP xe khách Phương Trang - cho biết công ty có một số tuyến xe thuộc đợt di dời lần này và đã chuẩn bị sẵn sàng để về bến mới. Thế nhưng, ông Ánh cho rằng vấn nạn "xe dù, bến cóc" tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. 

Do đó, muốn phát triển bến xe mới thì TP cần quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều phương án kết nối giao thông như đưa xe buýt và xe trung chuyển vào bến mới, đồng thời tập trung có biện pháp mạnh xử lý triệt để "xe dù, bến cóc".

Gỡ khó để dời bến

Kết nối hệ thống xe buýt vào bến xe mới được xem là giải pháp trọng tâm. Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM, hiện đã có bốn tuyến xe buýt có trợ giá kết nối trực tiếp vào BXMĐ mới. 

Đó là tuyến 55 (Công viên phần mềm Quang Trung - BXMĐ mới), tuyến 56 (Bến xe buýt Chợ Lớn - Đại học GTVT), tuyến 76 (Long Phước - Suối Tiên - BXMĐ mới) và tuyến 93 (Bến Thành - BXMĐ mới). Ngoài ra đã kết nối tuyến 150 vào đón trả hành khách tại sảnh BXMĐ mới theo hướng từ TP.HCM đi ngã ba Tân Vạn.

Tới đây, trung tâm sẽ lắp đặt nhà chờ xe buýt trước BXMĐ mới (giữa hai cổng F1 và F2) để kết nối trung chuyển cho thêm bốn tuyến xe buýt có lộ trình đi qua cổng bến trên đường xa lộ Hà Nội. Cụ thể là các tuyến đi tỉnh liền kề không trợ giá số 60-1, 60-2, 60-3, 60-4.

Hệ thống tuyến xe buýt hiện hữu cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách đến và đi tại BXMĐ mới (chỉ tính riêng năm tuyến kết nối hiện nay đã có 800 lượt xe/ngày).

Khi di dời thêm 75 tuyến xe liên tỉnh về BXMĐ mới, trung tâm sẽ phối hợp chặt chẽ với bến xe và các doanh nghiệp vận tải để kịp thời tăng tần suất và thời gian hoạt động của các tuyến để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của hành khách.

Cần chuẩn bị chu đáo hơn nữa!

Dẫu sao "muộn còn hơn chưa", việc di dời 80 tuyến xe khách ra BXMĐ mới trước Tết Nguyên đán gần bốn tháng còn có tác dụng rà soát và hoàn thiện hơn việc chuyên chở, đón trả khách vào ra bến xe lớn nhất nước này. Cũng sẽ đủ thời gian để hành khách quen với địa điểm mới.

Đây cũng là đợt di dời lớn. Sẽ có khá đông người hướng ra TP Thủ Đức. Hành khách cần thêm nhiều thông tin mới hơn và chi tiết về các tuyến xe kết nối với bến mới. Hiện có nhiều tuyến xe buýt đi qua hoặc vào hẳn BXMĐ mới đón trả khách.

Cần chủ động tăng đầu xe, tần suất chạy và kéo dài thời gian phục vụ đến ít nhất 22h. Đồng thời nên nghiên cứu mở thêm một vài tuyến xe buýt mới đến từ nhiều hướng khác nhau, ưu tiên ở những địa bàn có đông công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Làm tốt nhiệm vụ trung chuyển hành khách giúp ngành vận tải khách công cộng có thêm nguồn thu, lại vừa tăng hiệu quả cho bến xe mới.

Nhiều tuyến buýt khác cũng nên "ghé" qua các nhà ga của tuyến metro số 1 (dự kiến năm sau đưa vào khai thác). Mối liên hệ phối hợp giữa xe buýt - tàu điện - xe khách - xe ôm công nghệ sẽ hoàn hảo hơn khi biết tận dụng tối đa thế mạnh của từng loại phương tiện.

Các nhà xe cần có xe nhỏ để trung chuyển khách, phục vụ miễn phí hoặc tính giá cước hợp lý vào vé xe giường nằm. Việc này nhiều hãng xe đã và đang duy trì lâu nay.

Trong số nhiều việc cần làm ngay, không thể thiếu sự vào cuộc quyết liệt dẹp "xe dù, bến cóc", kể cả "xe lừa". Việc đón trả khách không đúng nơi quy định thường diễn ra công khai mà chẳng hề lén lút nên không khó để dẹp.

Hành khách có thể mua vé trực tuyến, đường hoàng có mặt tại bến (hoặc điểm đón trung chuyển)... cũng là cách ủng hộ với các nhà xe làm ăn đàng hoàng.

HOÀI ÂN

Xử nghiêm việc đón trả khách sai quy định

Trao đổi với báo Tuổi Trẻ, ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết đã nắm được tâm tư của hành khách, nhà xe. Các đơn vị cũng đã làm việc với nhau và thống nhất triển khai rất nhiều biện pháp nhằm gỡ khó ở BXMĐ mới.

Cụ thể, các tuyến đường ở khu vực này được tính toán để nâng cấp, sửa chữa. TP tăng cường kết nối hệ thống xe buýt, nâng cao chất lượng phục vụ...

Sở đã chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông rà soát, xử lý đến nơi đến chốn những nhà xe chạy hợp đồng "trá hình", xe đón trả khách sai quy định. Sở đang tính toán để có thể cấm ô tô khách chạy vào trung tâm TP. Bên cạnh đó, các nhà xe phải có phương án nâng cao chất lượng để thu hút khách.

Từ ngày 11-10, dời 79 tuyến xe khách về bến xe Miền Đông mới Từ ngày 11-10, dời 79 tuyến xe khách về bến xe Miền Đông mới

TTO - Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông báo 79 tuyến xe khách cố định sẽ được dời từ bến xe Miền Đông cũ đến bến mới từ ngày 11-10.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên