28/09/2020 09:27 GMT+7

Di sản tư pháp tranh cãi của ông Trump

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Với việc chính thức đề cử bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán tòa tối cao trong buổi lễ tại Nhà Trắng ngày 27-9, Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho sẽ để lại di sản ảnh hưởng nước Mỹ hàng chục năm tới trong lĩnh vực tư pháp.

Di sản tư pháp tranh cãi của ông Trump - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump và bà Amy Coney Barrett tại lễ công bố đề cử ngày 27-9 - Ảnh: AFP

Lãnh đạo Dân chủ tại Thượng viện, ông Chuck Schumer, thừa nhận một cách chua chát rằng thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg hẳn đang trăn trở trên thiên đường khi người mà Đảng Cộng hòa chọn "đang có ý định lật ngược lại tất cả những gì bà ấy đã làm".

Thẩm phán Barrett sẽ đảm bảo sự tồn tại của Tu chính án thứ hai của nước Mỹ, quyền tự do tôn giáo, sự an toàn công cộng của chúng ta và nhiều hơn nữa.

Tổng thống Trump phát biểu trong lễ công bố đề cử bà Barrett tại Nhà Trắng ngày 27-9.

Cán cân 6-3

Là một người có tư tưởng bảo thủ và theo Công giáo La Mã, thẩm phán Barrett (48 tuổi) phản đối quyền phá thai, ủng hộ quyền sở hữu súng đạn và có quan điểm cứng rắn với cộng đồng LGBT. Barrett là một người đối lập hoàn toàn với Ginsburg - nữ thẩm phán có tư tưởng tự do theo Do Thái giáo vừa qua đời hôm 18-9.

Như nhiều tờ báo Mỹ đã phân tích, việc bà Barrett gia nhập Tòa án tối cao Mỹ sẽ nâng số thẩm phán bảo thủ tại cơ quan này lên sáu người, gấp đôi số thẩm phán có tư tưởng tự do.

Cán cân 6-3 có thể ảnh hưởng tới một loạt vấn đề đang gây tranh cãi trong xã hội Mỹ, từ quyền phá thai đến Tu chính án thứ hai (quyền sở hữu súng đạn), chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare và thậm chí là kết quả cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.

Các đảng viên Dân chủ rất tức giận, cho rằng kể cả khi ông Trump có thể thua cuộc bầu cử, ông vẫn để lại di sản tư pháp kéo dài hàng thập kỷ. Sự phẫn nộ còn bởi vì họ tin rằng việc đề cử bà Barrett thay thế bà Ginsburg là một sự mỉa mai, sỉ nhục. Nữ thẩm phán quá cố là một trong những biểu tượng nữ quyền của nước Mỹ và có quan điểm gần với Đảng Dân chủ.

Giống như hai thẩm phán khác được ông Trump bổ nhiệm (Neil Gorsuch vào năm 2017 và Brett Kavanaugh vào năm 2018), bà Barrett đủ trẻ có thể phục vụ trong nhiều năm nữa cho công việc có nhiệm kỳ trọn đời. Ở tuổi 48, bà Barrett là người trẻ nhất được đề cử vào tòa tối cao kể từ năm 1991, theo Hãng tin Reuters.

Carl Tobias, một giáo sư luật tại Trường Luật thuộc Đại học Richmond (Mỹ), nhận định: "Chánh án John Roberts sẽ không còn là trung tâm của sự chú ý khi cần các ý kiến bảo thủ như nhiệm kỳ trước. Tôi không thấy có nhiều hi vọng cho phe dân chủ cấp tiến trong ngắn hạn".

Đảng Dân chủ nỗ lực cản trở

Theo quy định, vị trí thẩm phán tòa tối cao sẽ do tổng thống đề cử và Thượng viện phê chuẩn. Với việc Đảng Cộng hòa đang kiểm soát 53 trong tổng số 100 ghế, các cuộc điều trần phê chuẩn bà Barrett bắt đầu từ ngày 12-10 tới chỉ mang tính thủ tục.

Mặc dù vậy, Đảng Dân chủ được dự đoán sẽ cố gắng gây khó dễ bằng mọi cách có thể và tránh sa vào công kích cá nhân nữ thẩm phán Barrett, theo New York Times.

"Thượng viện không nên hành động cho tới khi cuộc bầu cử vào ngày 3-11 tới kết thúc" - ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden tiếp tục kêu gọi ngày 27-9. Thượng nghị sĩ Dick Durbin, một nhân vật cấp cao của phe Dân chủ, nói thẳng rằng trong khi bà Barrett có thể phục vụ tại tòa tới 30 năm, Đảng Cộng hòa lại muốn phê chuẩn bà trong vòng chưa đầy 30 ngày.

Thật vậy, Đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ không để vuột mất cơ hội phê chuẩn bà Barrett bởi tình hình tại Thượng viện có thể sẽ thay đổi sau ngày 3-11. Gần như song song với bầu cử tổng thống, người dân Mỹ cũng sẽ bỏ phiếu bầu lại 35 ghế tại Thượng viện và toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện. Trong đó, Đảng Cộng hòa phải bảo vệ tới 23 ghế tại Thượng viện, còn Đảng Dân chủ chỉ phải giữ chắc 12 ghế và giành thêm 3 hoặc 4 ghế khác để chiếm thế đa số.

Lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện, ông Mitch McConnell, đã cam kết sẽ đẩy nhanh tiến trình phê chuẩn bà Barrett. Theo Reuters, các đảng viên Dân chủ vẫn còn tức giận về việc ông McConnell đã chặn đứng việc phê chuẩn thẩm phán Merrick Garland do tổng thống Barack Obama đề cử vào năm 2016 với lý do đây là năm bầu cử tổng thống. Do đó, trước các tuyên bố ủng hộ bà Barrett của ông McConnell, phe Dân chủ đã chỉ trích ông là "người hai mặt" hay "trước sau bất nhất".

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã kêu gọi người Mỹ "chiến đấu đến cùng để đảm bảo rằng ứng viên thẩm phán này không được phê chuẩn".

Về lý thuyết, Đảng Dân chủ có thể cố gắng trì hoãn các cuộc điều trần và làm các động tác kỹ thuật khác để kéo dài tiến trình phê chuẩn. Ủy ban tư pháp Thượng viện, cửa ải lớn nhất và đầu tiên bà Barrett phải vượt qua, hiện có 12 thượng nghị sĩ Cộng hòa và 10 thượng nghị sĩ Dân chủ bao gồm bà Kamala Harris - ứng viên phó tổng thống của Đảng Dân chủ.

Áp dụng luật như đã viết

Từng có thời gian làm phụ tá cho cố thẩm phán Antonin Scalia (qua đời năm 2016), bà Barrett không che giấu sự ngưỡng mộ dành cho người bà mô tả là "sư phụ" vì những ảnh hưởng to lớn của ông đối với sự nghiệp của mình.

"Triết lý tư pháp của ông ấy cũng là của tôi: thẩm phán phải áp dụng luật như đã viết. Các thẩm phán không phải là người hoạch định chính sách và họ phải kiên quyết gạt bỏ các quan điểm cá nhân với bất kỳ chính sách nào nếu có" - bà Barrett nêu quan điểm tại Nhà Trắng ngày 27-9.

Bị tố chỉ đóng vài trăm đô tiền thuế, ông Trump nói Bị tố chỉ đóng vài trăm đô tiền thuế, ông Trump nói 'bài báo vô giá trị'

TTO - Bài viết trên báo New York Times ngày 27-9 trích dữ liệu khai thuế cho biết Tổng thống Mỹ đã đóng rất ít thuế thu nhập trong những năm gần đây do báo cáo các doanh nghiệp bị lỗ nặng, ông phải bù lỗ bằng hàng trăm triệu USD.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên