Đi tìm những doanh nghiệp "Mũ đỏ"

NGỌC HÀ 24/03/2014 20:03 GMT+7

TTCT - “Thực tế chúng ta vẫn chưa có được những DN mạnh tham gia cộng đồng DN KHCN” - ông Phạm Hồng Quất, phó cục trưởng Cục Phát triển DN và thị trường KHCN (Bộ KH&CN), trao đổi với TTCT.

Ông Phạm Hồng Quất - Ảnh: Nguyễn Khánh

Theo ông Quất, xét về năng lực, Việt Nam có trên 2.000 DN có tiềm năng trở thành DN KHCN, nhưng hiện mới chỉ có 87 DN có giấy chứng nhận. Trong số này, đa số là DN vừa và nhỏ, mới thành lập hoặc mới hoạt động được giai đoạn ngắn, chưa được hưởng những ưu đãi. Thực tế, chúng ta vẫn chưa tận dụng, khai thác được những DN mạnh tham gia cộng đồng này.

* Điều này có được xem là bất thường không khi nhìn vào chính sách thì một đơn vị khi đã vào nhóm DN KHCN sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi?

- Chính sách hiện tại cho phép DN KHCN được miễn thuế thu nhập DN trong năm năm đầu tiên, chín năm tiếp theo nộp 5%, những năm còn lại nộp 10%, rồi được ưu đãi về tín dụng đầu tư, miễn lệ phí trước bạ, ưu tiên cho thuê đất...

Thực tế thì sao? Những DN lớn thấy các ưu đãi này chưa đủ hấp dẫn, thủ tục vẫn còn nhiều vấn đề. Ngay cả ưu đãi về thuế dù chính sách rất rõ ràng nhưng không phải DN KHCN nào cũng được hưởng vì mỗi chi cục thuế hiểu theo một cách. Chưa kể, muốn hưởng ưu đãi về thuế thu nhập, doanh thu từ sản phẩm của công nghệ ấy tạo ra phải bằng một tỉ lệ xác định so với tổng doanh thu (từ năm thứ nhất đến năm thứ ba tăng dần theo tỉ lệ 30-50-70%).

Làm được điều này rất khó. Một DN chuyên doanh về sơn, hóa chất phía Nam có sản phẩm tự nghiên cứu cải tiến nằm chung dây chuyền nhập sơn từ nước ngoài để phân phối, nhãn hiệu dùng chung, khách hàng dùng chung, một hóa đơn nhiều sản phẩm, không bóc tách được nên cơ quan thuế không cho hưởng ưu đãi. Thậm chí, một công ty về giống cây trồng tại Nghệ An đã trả lại giấy chứng nhận DN KHCN chỉ sau vài tháng được chứng nhận.

Khó khăn lớn khác của nhiều DN KHCN hiện nay là phát triển mặt bằng mở rộng sản xuất kinh doanh. Nghị định 80 của Chính phủ nói rất nhiều về việc ưu tiên giao đất, thuê đất và miễn, giảm tiền thuê đất và cơ sở hạ tầng. Song khi làm thông tư hướng dẫn thì chỉ có Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN ký mà thiếu Bộ Tài nguyên - môi trường nên không thể thi hành được.

* Nhiều DN cho rằng họ không chỉ khó được giảm thuế, không được ưu đãi về đất đai như hứa hẹn, mà còn là cơ hội quá đỗi mong manh để trúng thầu những công trình lớn. Nguyện vọng này có ổn không khi tiềm lực của họ chưa thật sự mạnh, thưa ông?

- DN càng lớn thì càng cần đi vào các công trình đấu thầu lớn, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn ODA như các DN về xây dựng, môi trường, công nghệ cao. Song Luật đấu thầu không cho phép DN KHCN được hưởng ưu đãi gì hơn bình thường. Trong khi đó ở các nước khác, đó là điều rất quan trọng, hơn cả những ưu tiên về thuế.

Phải có công trình, phải trúng thầu mới tạo được công ăn việc làm, mới tăng thu nhập, bấy giờ mới xét đến việc có ưu đãi về thuế hay không. Hiện tại cứ đấu thầu cạnh tranh sản phẩm về kinh nghiệm, năng lực tài chính, kinh nghiệm quốc tế, đội ngũ chuyên gia thì không DN nào “đấu” được với nước ngoài.

Riêng về giá thành thì làm sao đấu được với nhà thầu Trung Quốc? Nước nào cũng phải nâng đỡ DN trong nước mới cạnh tranh được DN nước ngoài là thế. Nhiều DN muốn đưa công nghệ mới của mình vào các nhà máy nhiệt điện, các công trình công cộng, thậm chí cả công trình cho người thu nhập thấp do nhà nước đầu tư, nhưng đều không được bởi họ phải ra một sân chơi cạnh tranh bình đẳng khi bản thân còn đang rất non.

DN nước ngoài có kinh nghiệm hàng trăm năm, lại liên kết với nhau, rồi có cả những kênh vận động hành lang mà mình không có. Các DN trong nước cũng chưa kết thành hệ thống để tạo ra sức mạnh tổng hợp, liên danh với nhau. Về mặt chính sách, cái chúng ta có thì DN không cần và cái họ cần thì ta chưa có để đáp ứng.

Bạn Nguyễn Thị Kiều Vân, sinh viên năm 4 khoa công nghệ sinh học trường ĐH Văn Lang, thực tập tại Công ty TNHH-TM Nguyên Nông (GINO) - Ảnh: Như Hùng

* Ngay cả trên hành trình để được cấp giấy chứng nhận, nhiều DN phàn nàn họ gặp không ít gian nan...

- Quy định hiện hành có những yêu cầu khắt khe như phải có bằng sáng chế mới đủ điều kiện lập DN KHCN làm chậm quá trình phát triển của cộng đồng DN KHCN, làm chùn chân các nhà khoa học muốn lập DN KHCN khi họ phải chờ đợi để cấp bằng. Để có được bằng độc quyền sáng chế, thời gian chờ đợi thường là 2-3 năm, với bằng độc quyền về kiểu cũng phải mất cả năm trời mới có. 

Nông dân Đinh Văn Giang ở Quảng Yên (Quảng Ninh) chế tạo “máy xay sinh tố bèo tây” với cơ chế vận hành tương đương máy xay sinh tố nhưng có công năng lớn, đến năm 2013 đã bán hàng nghìn chiếc cho nông dân khắp cả nước. Đó là một sáng kiến thương mại hóa được và người chủ của nó phải đủ quyền để lập DN KHCN. 

Chúng tôi đang giúp thúc đẩy việc này. Hiện tại vì chưa là DN KHCN nên anh Giang chưa được hưởng ưu đãi gì, ngay cả đất để mở rộng sản xuất cũng phải vận động từ người thân, lập xưởng ngay trên sân nhà.

Trong khi đó, nhà sáng chế Phạm Hoàng Thắng ở Cần Thơ - người nức tiếng với gần chục sáng chế - hoàn toàn có thể thành lập 4-5 DN KHCN, thậm chí thành lập một tập đoàn nhưng cũng chưa trở thành DN KHCN vì chưa biết thông tin đầy đủ về chương trình này.

Các nước Phần Lan, Nhật Bản... đều chăm chút xây dựng những điển hình như thế, gọi là DN “mũ đỏ”. Họ khích lệ lòng yêu nước thể hiện qua cách làm giàu từ phát triển KHCN, chứ không phải làm giàu bằng buôn bán vàng bạc, bất động sản...

 Việt Nam đã nghiên cứu về DN KHCN từ những năm 1990, đầu năm 2000 đã có chương trình nghiên cứu tổng thể, song đến năm 2007 Bộ KH&CN mới có thông tư đầu tiên về DN KHCN.

 * Sẽ có chuyển động gì về chính sách để phát triển được khối DN KHCN và khích lệ khối DN tư nhân nhiều hơn? 

- Trong chương trình hỗ trợ phát triển DN KHCN và chương trình phát triển thị trường KHCN của Chính phủ sẽ có nhiều cải tiến để thúc đẩy hoạt động DN KHCN phát triển. Hiện tại các phòng thí nghiệm trọng điểm dù được đầu tư rất lớn nhưng chủ yếu phục vụ các công trình của Nhà nước, hiệu quả khai thác thấp.

Do đó, dự kiến ngay trong năm 2014 sẽ thực hiện xã hội hóa các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia theo cách làm của nước ngoài. Nếu tư nhân có đề tài nghiên cứu tốt, Nhà nước sẽ hỗ trợ bằng phiếu hỗ trợ nghiên cứu. DN dùng phiếu này, khấu hao dần khi sử dụng các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, thậm chí thuê phòng thí nghiệm nước ngoài nếu thấy cần thiết.

Một điều quan trọng nữa là thủ tục đăng ký DN KHCN sẽ được cải tiến gọn nhẹ, phù hợp hơn. Trước đây, các DN phải giải trình quá trình ươm tạo, làm chủ công nghệ thì sắp tới chỉ còn giải trình quá trình hình thành và khẳng định được quyền sở hữu hợp pháp công nghệ.

Trở ngại về việc yêu cầu phải có bằng độc quyền sáng chế, hay độc quyền về kiểu dáng công nghiệp, độc quyền về giải pháp hữu ích cũng sẽ bị đẩy lùi bằng cơ chế mới thông thoáng hơn, chỉ cần hệ thống công nhận tương đương trước khi cấp bằng.

Ngoài ra, quyền sở hữu sáng chế của các viện, trường cũng sẽ giao cho chính viện, trường ấy, chứ Nhà nước không giữ nữa. Hi vọng đây là cách tạo động lực tự bên trong các trường, viện nghiên cứu để họ chủ động hoặc liên kết với DN đưa sản phẩm ra thị trường hoặc bán đứt công nghệ cho DN, lấy nguồn vốn đó để tiếp tục phát triển nghiên cứu.

Tất cả ưu đãi nói trên có trở thành hiện thực hay không thì cần đến sự ủng hộ của các ngành. Bởi có nghịch lý là càng nhiều DN được hưởng ưu đãi thì nguồn thu ngân sách càng giảm. Vấn đề là lựa chọn mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn? Nếu đầu tư cho việc thu thuế là ngắn hạn, còn nếu giảm các áp lực về thuế, khuyến khích sáng chế, công nghệ thì là đầu tư dài hạn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận