30/03/2020 14:58 GMT+7

Đi xe buýt mùa dịch

DIỆU QUÍ
DIỆU QUÍ

TTO - Sáng thứ bảy, tôi đến bến xe Miền Đông chờ xe buýt đi chợ Hạnh Thông Tây. Bến xe lớn nhất nhì TP.HCM ngày thường tấp nập bao nhiêu thì giờ vắng vẻ bấy nhiêu dù là ngày cuối tuần.

Đi xe buýt mùa dịch - Ảnh 1.

Chuyến xe buýt số 24 lúc 11h15 ngày 28-3 chỉ lác đác vài khách

Không còn cảnh xe buýt thi nhau bấm kèn inh ỏi hay hành khách chen chúc vào những giờ cao điểm...

Mùa này sợ dịch lắm nhưng mình vẫn thích đi xe buýt. Ngoài khẩu trang, mình mang theo nước rửa tay để sát khuẩn mọi lúc mọi nơi và tuân thủ các khuyến cáo.

Nguyễn Thị Diễm Hằng

San sẻ khó khăn

Lúc tôi đến, khu vực đậu xe buýt có khoảng 10 chiếc, chủ yếu là tuyến 14, 24, 43. Nhà chờ lác đác 5-6 khách nằm, ngồi đủ kiểu đợi xe. 30 phút chờ đợi, xe buýt số 24 đến rước tôi cùng 2 người khác, xe vắng khách lạ thường.

Ngồi trước tôi một hàng, chị Lê Thị Oanh (32 tuổi) cho biết thi thoảng mới chọn xe buýt. "Tôi hay bị say xe nên ít đi xe buýt, ngày thường đi làm bằng xe máy. Nhưng giờ nắng nôi quá nên tôi chọn xe buýt. Mà lâu rồi mới có cảm giác ngồi trên xe nhìn đường sá thành phố vắng vẻ, chứ ngày thường chen nhau cũng đủ mệt" - chị nói.

Chị Oanh quê Ninh Thuận, hai vợ chồng vào TP.HCM làm công nhân gấp xếp quần áo may sẵn tại quận Gò Vấp. Tháng trước con bệnh, chị khăn gói về quê. "Sau hai tuần tôi trở vô thì họ (công ty - PV) không cho làm nữa, nói phải cắt giảm nhân công" - chị chùng giọng tâm sự.

Mất việc đột ngột, chị Oanh được người quen giới thiệu đi nhặt hạt điều ở Bình Phước. Mỗi tuần ba buổi, chị đi xe buýt từ Chợ Cầu (quận Gò Vấp) đến bến xe Miền Đông, sau đó cùng mấy chị em "đồng nghiệp" đi tiếp xe khách đến chỗ thu hoạch điều, chiều lại về. 

"Kiếm sống "chữa cháy" mùa dịch thôi, chứ tôi không quen làm cái này, đợi hết dịch rồi đi tìm chỗ khác xin làm, phụ chồng gửi tiền về nuôi con" - chị kể.

Xe chạy 15 phút mới được 4-5 người nữa lên xe. Dịch bệnh hoành hành khiến TP.HCM náo nhiệt đâu mất, thay vào đó là những con đường thênh thang, vắng hẳn dưới nắng nóng. 

Lâu rồi tôi mới có cơ hội ngồi rộng rãi, thoải mái trên xe buýt, chậm rãi ngắm thành phố tĩnh lặng đến thế. Trên xe, mọi người đều ý thức mang khẩu trang, nói chuyện với nhau cũng e dè, giữ khoảng cách hơn.

Ngay cửa lên xuống, tôi thấy tấm bảng đề dòng chữ: "Tất cả hành khách lên xe lưu ý: Khi lên xe yêu cầu mang khẩu trang vô, ai không có khẩu trang xin mời xuống xe. Hành khách nếu có ý kiến thì gọi lên số 1022. Xin cảm ơn!".

Theo tài xế Vũ Quốc Hà, anh dán tấm bảng vậy để phòng lây lan dịch bệnh cho mình và người trên xe. Khách đi tuyến 24 hiện đã giảm nhiều, nhưng anh "phòng bệnh hơn chữa bệnh".

"Lúc chưa có dịch, tuyến này mỗi ngày có 40 chuyến hai chiều đi về, mỗi chuyến cách nhau 15 phút. Giờ thì cắt giảm một nửa rồi, xe chạy ba ngày, xe này xuống thì xe khác lên thay" - anh Hà nói.

Cầm tài 8 lượt trên lộ trình với thu nhập hơn 400.000 đồng/ngày, anh Hà nói: "Lương mình chạy nhiêu lấy nhiêu, ngày nào nghỉ khỏi lấy lương và mất tiền thưởng. Nhưng dịch bệnh phải chịu thôi". Anh Hà vừa nói vừa xoa nước rửa tay trong lúc dừng đèn đỏ.

Chia sẻ với tôi, tài xế tâm sự còn làm thêm nghề cơ khí để nuôi gia đình nhỏ của mình. Những ngày không cầm vôlăng, anh đến xưởng người quen để phụ giúp. Người TP.HCM sống giàu tình nghĩa. Khi nghe có tài xế nơi khác vào đây mưu sinh, nếu họ muốn lái anh sẵn sàng nhường.

"Bữa nào không ai chạy thì tôi chạy, còn dân tỉnh lên muốn chạy kiếm sống thì tôi đưa lái, rồi mình qua làm cơ khí. Ai cũng khó khăn, anh em san sẻ với nhau để lay lắt qua nạn dịch này" - tài xế Hà trải lòng.

Sợ dịch nhưng vẫn thích xe buýt

Chốc chốc lại xoa nước rửa tay khô, chị phụ xe Nguyễn Thị Hồng Kiều (28 tuổi) cho biết từ lúc có dịch bệnh, chị cứ "một ngày chạy, hai ngày nghỉ" để hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh và dành thời gian bên con nhiều hơn. Chị cho biết trước kia mỗi tuyến 75 phút có khoảng 25 khách thì nay chỉ còn khoảng 10 khách.

Những chuyến xe buýt bị cắt giảm khiến các trạm dừng cũng vắng hẳn. Trạm Hàm Nghi (quận 1) ngày thường rất đông người ngồi đợi dưới hiên nhưng thứ bảy tôi đến đợi xe lúc 15h, cả hai chiều chỉ thấy lác đác khách.

Cùng đợi đi tuyến 44 với tôi là Nguyễn Thị Diễm Hằng (20 tuổi), sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM). Tranh thủ nghỉ học ở trường, cô dạy kèm môn hóa cho bốn học sinh lớp 12. Hằng thích đi xe buýt, bởi "thoải mái, tiết kiệm và an toàn".

Những ngày đi học, Hằng chỉ đi một chuyến từ nhà đến trường. Nhưng hôm nào dạy, cô gia sư trẻ phải sang hai chuyến từ nhà đến trạm Hàm Nghi rồi mới đến chỗ dạy học ở quận 4. 

Hằng kể ngày thường chờ 15-20 phút có xe, nay cô đợi gần một tiếng. Nhưng cô vẫn chấp nhận vì thích cảm giác ngồi trên xe ngắm phố phường, miên man nghĩ về mọi thứ...

Phía bên kia đường, tôi để ý một phụ nữ nước ngoài cứ loay hoay ngóng xe buýt đã hơn 30 phút. Đến hỏi thăm thì biết cô gái quốc tịch Nga này đang đợi xe tuyến số 86. "Tôi đã chờ gần một tiếng mà không thấy xe đâu, trong khi ngày thường chỉ đợi 15 phút", Nancy (tên tiếng Anh của cô) nói.

Được biết, tuyến 86 (công viên 23-9 - cầu Long Kiểng) nằm trong số những tuyến ngưng hoạt động theo chỉ đạo của thành phố. Nancy muốn đến đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), tôi khuyên cô nên đặt ứng dụng xe ôm công nghệ cho nhanh.

Mới đến TP.HCM khoảng 6 tháng, Nancy nói trước đó ở Matxcơva (thủ đô Nga) cô hay sử dụng phương tiện công cộng, huống hồ giờ lại không thân thuộc đường sá TP.HCM nên mỗi lần ra đường cô thường chọn xe buýt.

Một người ngồi gần gọi xe và hướng dẫn cách đặt chuyến trên ứng dụng giúp cô. "Ba lăm ngàn", người đàn ông vừa nói vừa giơ ngón tay ra hiệu khi cô thắc mắc giá tiền. Nancy không hiểu, tôi dịch lại và nhận được câu cảm ơn bằng tiếng Việt kèm nụ cười tươi bằng ánh mắt to đẹp trên lớp khẩu trang. Tôi và những hành khách đợi xe cũng nở nụ cười bằng ánh mắt chào tạm biệt cô.

TP.HCM - thành phố tôi yêu đang hồi khó khăn nhưng nụ cười không bao giờ vắng...

Không để lây lan dịch bệnh trên xe buýt

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã tạm ngưng chạy 60/132 tuyến xe buýt từ 0h ngày 28-3 đến ngày 5-4.

Trong đó có 27 tuyến xe buýt liên tỉnh (TP.HCM đi Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu), 9 tuyến xe buýt không trợ giá nội tỉnh và 24 tuyến xe buýt có trợ giá. Các tuyến ngưng chạy đều có lượng khách đi lại thấp, đặc biệt là những tuyến kết nối trường học...

Hành khách được nhân viên phục vụ hướng dẫn ngồi xen kẽ, mỗi hàng ghế chỉ bố trí 1 người, không gần nhau.

Mỗi xe không chở quá 50% sức chứa, bố trí cồn rửa tay ngay cửa lên xuống để khách rửa tay. Tài xế, nhân viên phải hướng dẫn hành khách đeo khẩu trang, có thể từ chối phục vụ người không chấp hành. Đồng thời phải tiến hành khử trùng, vệ sinh xe buýt thường xuyên.

THU DUNG

Từ 28-3, 60 tuyến xe buýt nào ở TP.HCM ngưng hoạt động? Từ 28-3, 60 tuyến xe buýt nào ở TP.HCM ngưng hoạt động?

TTO - Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phúc tạp, TP.HCM đã tạm ngưng hoạt động 60/132 tuyến xe buýt để hạn chế lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, sáng 28-3, nhiều người dân vẫn lúng túng vì chưa nắm được cụ thể những tuyến xe nào ngưng chạy?

DIỆU QUÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên