Đội tuyển điền kinh Việt Nam đã tạo mốc son chói lọi khi lần đầu tiên trong lịch sử giành được 22 HCV tại một kỳ SEA Games, để tiếp tục thống trị ngôi số 1 Đông Nam Á.

SEA Games 31 khép lại, trong những thành tích lấp lánh của đoàn thể thao Việt Nam thì điền kinh - môn thể thao "nữ hoàng" - chính là một trong số đó.

Nỗi buồn về việc "nữ hoàng tốc độ" Lê Tú Chinh bị chấn thương phải lên bàn mổ trước thềm SEA Games chưa nguôi ngoai, thì các đồng đội của cô đã kiên cường giúp điền kinh Việt Nam tỏa sáng.

Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 1.

Môn điền kinh của SEA Games 31 tổ chức 47 nội dung. Đội tuyển điền kinh Việt Nam tham dự đại hội với 65 VĐV và là đội tuyển có số thành viên đông nhất của đoàn thể thao Việt Nam. Điền kinh cũng là bộ môn mang về nhiều thành tích nhất cho đoàn thể thao Việt Nam với 22 HCV.

Trong số những HCV bất ngờ nhất của đội tuyển điền kinh Việt Nam phải kể đến  HCV nội dung marathon (42,195km) của nam VĐV Hoàng Nguyên Thanh.

Trong ngày thi đấu cuối cùng của điền kinh tại SEA Games 31 hôm 19-5, Hoàng Nguyên Thanh đã gây chấn động khi cán đích đầu tiên, giành HCV với thời gian 2 giờ 25 phút 07 giây 84.

Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 2.

Hoàng Nguyên Thanh gây địa chấn khi giành HCV marathon SEA Games 31

Hoàng Nguyên Thanh năm nay 27 tuổi, quê ở Bình Phước. HLV Bùi Lương - cựu kỷ lục gia marathon Việt Nam - chính là người huấn luyện, dìu dắt Thanh trong suốt nhiều năm liền ở địa phương này. Ở một tỉnh nghèo, thể thao thành tích cao không có gì thì việc để địa phương đầu tư cho marathon - môn thể thao khốc liệt, tốn kém không phải chuyện đơn giản.

Trước đó trong lịch sử, marathon nam Việt Nam chưa từng giành HCV SEA Games. Thành tích tốt nhất chính là HCB của VĐV Nguyễn Chí Đông tại SEA Games 2003 trên sân nhà. Thành tích 2 giờ 21 phút của Nguyễn Chí Đông cũng đang là kỷ lục marathon nam Việt Nam, tồn tại suốt 19 năm qua và chưa có VĐV nào phá nổi.

Dù vậy với marathon Đông Nam Á, thành tích của các VĐV nam Việt Nam được đánh giá là còn rất xa, khó có khả năng giành HCV. Trong khi đó, ở nội dung marathon nữ, VĐV Phạm Thị Bình từng mang về HCV cho điền kinh Việt Nam tại SEA Games 27.

Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 3.

Năm 2019 tại SEA Games 30 Philippines, marathon Việt Nam có 1 HCĐ ở nội dung nữ do công của VĐV Phạm Thị Hồng Lệ. Dù vậy ở nội dung nam không có bất cứ VĐV nào dự thi vì thành tích quá kém, không có khả năng tranh huy chương.

Mơ ước một ngày Việt Nam có VĐV giành HCV marathon nam SEA Games luôn cháy bỏng với cả đội tuyển điền kinh Việt Nam và những người yêu thích chạy đường dài trên khắp cả nước. Và giấc mơ đó cuối cùng đã trở thành hiện thực. Đáng nói, người thực hiện nó là một cái tên xa lạ...

Trên đường chạy sáng 19-5, Hoàng Nguyên Thanh đã tích cực bám đuổi các đối thủ Thái Lan, Indonesia. Cho đến vòng đấu cuối, ngay cả khi Thanh vượt qua các đối thủ để dẫn đầu cũng không ai dám tin anh có thể duy trì tốc độ và cán đích đầu tiên.

Vì vậy, việc Thanh chạy băng băng về vạch đích trong SVĐ Mỹ Đình đã khiến nhiều người sốc thực sự. Thành tích HCV của Hoàng Nguyên Thanh là 2 giờ 25 phút 07, VĐV Agus Prayogo (Indonesia) cán đích thứ hai với 2 giờ 25 phút 38. Đây thực sự là kỳ tích với Hoàng Nguyên Thanh và marathon Việt Nam.

Trả lời Tuổi Trẻ sau khi đăng quang, Nguyên Thanh nói: "Mục tiêu của tôi là phá kỷ lục marathon 2 giờ 21 phút của anh Nguyễn Chí Đông và đem marathon Việt Nam ra với thế giới. Để có động lực chơi môn thể thao khốc liệt này, VĐV phải có đam mê, phải chịu được khổ cực và nỗi khát khao vì màu cờ sắc áo Tổ quốc".


Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 4.

7 môn phối hợp là một trong số các nội dung khốc liệt nhất của môn điền kinh. Nói vậy bởi các VĐV sẽ phải tiến hành thi đấu 7 nội dung sau đó cộng điểm vào tính thành tích, bao gồm: chạy 100m rào, nhảy cao, đẩy tạ, chạy 200m, nhảy xa, ném lao và chạy 800m.

Trước SEA Games 31, không ai tin điền kinh Việt Nam có thể có HCV ở nội dung 7 môn phối hợp nữ. Thế nhưng cô gái dân tộc Mường - Nguyễn Linh Na đã làm nên điều kỳ diệu tại SEA Games 31 khi giành HCV đầy khắc nghiệt này.

Đây có thể coi là một trong những bất ngờ lớn nhất tại SEA Games bởi đã 17 năm qua, điền kinh Việt Nam chưa có HCV ở SEA Games tại nội dung khó khăn này. Linh Na giành 5.415 điểm, đoạt HCV SEA Games sau 17 năm chờ đợi, đồng thời phá luôn kỷ lục quốc gia ở nội dung này (5.350 điểm - VĐV Nguyễn Thị Thu Cúc xác lập).

Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 5.

VĐV Nguyễn Linh Na - người dân tộc Mường - gây bất ngờ khi giành HCV nội dung 7 môn phối hợp nữ

HLV Vũ Văn Huyện - kỷ lục gia SEA Games nội dung 10 môn phối hợp và là thầy của Linh Na - cho biết chính anh cũng bất ngờ với chiến tích của học trò. Anh bất ngờ bởi 2 năm trước Linh Na bị chấn thương phải mổ chân, và sau 4 tháng cô mới tập luyện trở lại được.

Đã vậy, suốt thời gian qua hai thầy trò không có đồng đội để tập luyện mà tự tập 1 thầy 1 trò tại Trường ĐH TDTT Bắc Ninh. Vì điều kiện tập luyện hạn chế này, anh Huyện dự báo Linh Na chỉ có thể đạt hơn 5.200 điểm. Vậy mà cuối cùng, cô học trò của anh đã làm được nhiều hơn những gì mọi người kỳ vọng vào cô.

Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 6.


Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 7.

Ngôi sao thực sự của điền kinh Việt Nam những năm qua và tại SEA Games 31 vẫn là "bé hạt tiêu" Nguyễn Thị Oanh. Trước đó, tại SEA Games 30, Oanh đã lập kỳ tích khi giành 3 HCV cá nhân ở các nội dung cực kỳ gian khó là chạy: 1.500m, 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m.

Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 8.

VĐV Nguyễn Thị Oanh (số đeo 868) giành 3 HCV và phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật

SEA Games 31 trên sân nhà, Oanh tiếp tục đăng ký tham dự 3 nội dung trên. Điều đáng nói lịch thi đấu của cô cũng dày đặc khi ngày đầu tiên thi hai nội dung và đến ngày thứ hai thi thêm một nội dung nữa.

Giành cả 3 HCV SEA Games 31 nhưng Oanh đã tạo nên sự khác biệt khi phá kỷ lục SEA Games nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật. Cô về đích đầu tiên với thời gian 9 phút 52 giây 44, phá kỷ lục SEA Games (kỷ lục cũ nội dung này cũng do chính Oanh xác lập tại SEA Games 30 với thời gian 10 phút 00 giây 02 tại Philippines). Kỷ lục này đã tiếp tục thể hiện đẳng cấp vượt trội của Oanh ở đội tuyển điền kinh Việt Nam và cả Đông Nam Á.

Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 9.

HLV Trần Văn Sỹ - người huấn luyện Nguyễn Thị Oanh - cho biết thành tích của Oanh là tuyệt vời. Điền kinh Việt Nam rất may mắn vì đã sở hữu được một VĐV tài năng, có ý chí, nghị lực phi thường như Nguyễn Thị Oanh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đức Phấn - trưởng đoàn thể thao Việt Nam - cho biết điền kinh là 1 trong 5 môn được đầu tư trọng điểm của thể thao Việt Nam, bên cạnh bắn súng, cử tạ, thể dục dụng cụ, bơi.

Thành tích của đội tuyển điền kinh Việt Nam đã khẳng định hướng đi đúng trong đầu tư tập trung, trọng điểm trong điều kiện nguồn lực có hạn. 22 HCV cũng là kỳ tích của đội tuyển điền kinh Việt Nam mà trước đây có lẽ ít người dám nghĩ tới.

Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 10.
Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 11.


Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 12.
Điền kinh Việt Nam và  kỳ tích 22 HCV SEA Games - Ảnh 13.

Tổ tiếp sức nữ 4x400m bảo vệ thành công HCV SEA Games 31


KHƯƠNG XUÂN
NAM TRẦN - HOÀNG TÙNG
AN BÌNH

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên