30/04/2019 12:49 GMT+7

Điệp viên thời nay không còn như James Bond 007?

MINH KHÔI
MINH KHÔI

TTO - Sự phát triển vũ bão của công nghệ không chỉ chi phối đến đời sống mỗi người, thay đổi các ngành nghề kinh doanh mà còn ảnh hưởng to lớn đến các hoạt động điệp báo, một nghề thường được gọi là 'phụng sự đất nước trong bóng tối'.

Điệp viên thời nay không còn như James Bond 007? - Ảnh 1.

Các cơ quan tình báo buộc phải thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội trong kỷ nguyên công nghệ - Ảnh: Foreign Policy

Trong bài viết đăng ngày 27-4, tạp chí Foreign Policy đã hé lộ quá trình chuyển mình của điệp viên để hòa mình vào kỷ nguyên công nghệ như hiện nay, đòi hỏi điệp viên nói riêng và nghề tình báo nói chung cần phải thay đổi tận gốc rễ để thích ứng.

Thương mại hóa điệp viên

Cán cân quyền lực của thế giới đang mất cân bằng, xã hội khép kín đang chiếm ưu thế so với xã hội mở. Các nước phương Tây giờ đây không chỉ khó do thám Trung Quốc, Iran hay Nga hơn trước và ngược lại còn đối diện nguy cơ lớn bị các nước này do thám.

Năng lực kỹ thuật của các quốc gia cũng đang thay đổi không ngừng. Chìa khóa thành công trong cuộc chiến điệp viên giữa các nước siêu cường hiện nay sẽ dựa vào chuyên môn kỹ thuật thay vì sức người đơn thuần.

Ranh giới giữa công tác tình báo khu vực công và tư nhân ngày càng mờ nhạt. Các đơn vị tình báo tư nhân đã trở thành một phần thiết yếu của thế giới gián điệp. Ngày nay, các sĩ quan tình báo thường xuyên chuyển sang làm cho khu vực tư nhân khi họ rời khỏi chính phủ.

Kinh nghiệm làm việc tại Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) hay Cục Tình báo mật Anh (MI6) nay trở thành điểm cộng cho hồ sơ xin việc của các cựu sĩ quan giải nghệ. Sự thay đổi đó đã cho phép một số cựu điệp viên trở nên cực kỳ giàu có, nhưng cũng hé lộ nhiều bí ẩn của nghề điệp báo.

Theo một bài điều tra của New York Times vào tháng 3, NSO Group là một công ty Israel chuyên môi giới buôn bán các tin tặc cho Saudi Arabia. NSO Group chỉ là một phần nhỏ trong thế giới của các điệp viên giải nghệ, nơi các cơ quan tình báo có xu hướng thương mại hóa điệp viên và cũng là nơi người ta có thể thuê các công ty tư nhân thăm dò tất cả bí mật của đối thủ cạnh tranh.

Như vậy, đa số hoạt động của các cơ quan gián điệp hiện nay ít hay nhiều đều bị phơi bày trước ánh sáng. Thành thử cơ quan tình báo ở các nước có luật pháp chặt chẽ phần nhiều bị thu hẹp sự tự do trong hoạt động, không giống như những bộ phim Hollywood. Điều đó đặt họ vào thế phải đối mặt với chỉ trích cùng sự giám sát từ công luận và hoạt động tư pháp.

Ngày càng dễ bị... lộ

Công việc gián điệp đòi hỏi sự ẩn danh tuyệt đối. Nếu thất bại, người điệp viên có thể phải đánh đổi rất nhiều thứ. Nhưng công nghệ, không biết vô tình hay hữu ý, lại đảo lộn tất cả.

Chỉ vài năm trước, vỏ bọc của một công dân Canada xưng là sinh viên kiến trúc mới tốt nghiệp đến Matxcơva có thể sẽ khó bị phát hiện. Giới chức Nga có thể lục tung hồ sơ gia phả, nhân thân hay theo dõi người đó. Nếu không có gì khả nghi, đối tượng tình nghi là điệp viên sẽ bị theo dõi đến khi để lộ sơ hở.

Nay mọi thứ đã khác, vỏ bọc nói trên có thể bị lột trần chỉ trong vòng vài phút bằng công nghệ nhận diện gương mặt, được phát triển bởi các công ty Israel và khai thác mạnh mẽ bởi Chính phủ Trung Quốc. Với công nghệ này, chính phủ có thể lưu trữ hằng hà sa số dữ liệu gương mặt được cư dân mạng tình nguyện hoặc vô tình cung cấp mỗi ngày.

Hoạt động phản gián bắt đầu như sau: nhân dạng của đối tượng tình nghi sẽ được tìm kiếm trên khắp Internet. Nếu phát hiện hình của đối tượng, kiểm tra xem bối cảnh có liên quan đến câu chuyện mà đối tượng đã khai hay không. 

Sau đó là tiết mục kiểm tra camera ghi hình tại nhà và nơi công cộng. Nếu không tìm ra bằng chứng khớp với lời khai, đối tượng tình nghi bắt đầu gặp rắc rối. Và sẽ phiền phức hơn nếu tìm thấy bằng chứng (ảnh, video) cho thấy đối tượng tiếp xúc với quan chức Mỹ.

Mấu chốt của mọi vấn đề nói trên gói gọn trong chiếc điện thoại di động, vốn không chỉ dễ dàng làm lộ thông tin một khi bị xâm nhập mà còn có thể bị biến thành thiết bị theo dõi. Chỉ cần một thủ thuật nhỏ, microphone điện thoại sẽ âm thầm được bật lên và thu lại mọi thứ mà khổ chủ không hề hay biết.

Ngoài ra, hoạt động tài chính và xếp hạng tín dụng cũng là tiêu chí xem xét trong hoạt động phản gián. Đối tượng dùng thẻ tín dụng gì, lịch sử chi tiêu ra sao, lý do chi tiêu như thế nào...

Qua mặt công nghệ ra sao?

Các cơ quan tình báo có nhiều cách để qua mặt công nghệ. Có thể kể đến giả mạo thông tin. Họ dùng nhiều thủ thuật để cung cấp cho điệp viên tên giả, tài liệu giả, địa chỉ giả, kèm theo đó là địa chỉ Facebook hay Linkedin giả, có thể cung cấp vừa đủ thông tin và không để bị lộ.

Cách thứ hai là tạo ra "vỏ bọc hoàn hảo", cách tuyển mộ gián điệp mới có lý lịch thường dân trong sạch. Cách thứ ba là gửi nhân viên tình báo làm nhiệm vụ chỉ một lần, giảm thiểu khả năng lộ danh tính.

Thứ tư, chỉ thực hiện công tác gián điệp ở môi trường trung lập, ví dụ như do thám người Nga, người Trung Quốc từ London, Paris thay vì ở Matxcơva hay Bắc Kinh. Tuy nhiên, không có cách nào cân đối giữa tính hiệu quả và tính an toàn, vì "có gan vào hang cọp mới bắt được cọp".

Mỹ cảnh báo hạn chế chia sẻ tin tức tình báo nếu Đức dùng Huawei Mỹ cảnh báo hạn chế chia sẻ tin tức tình báo nếu Đức dùng Huawei

TTO - Trong bức thư nói về “các nhà cung cấp không tin cậy”, chính quyền Mỹ cảnh báo sẽ hạn chế quy mô chia sẻ thông tin tình báo với Đức nếu nước này quyết định sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei.

MINH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên