Điều thuần khiết trong thế giới số đảo điên

HOA KIM 02/02/2022 18:10 GMT+7

TTCT - Gần 8 năm sau game cộng dồn số 2048, thế giới Internet lại phát cuồng vì một trò chơi tối giản khác, đi ngược mọi chiêu trò giành giật của nền kinh tế chú ý nhưng lại khiến người ta say mê. Đó là trò chơi cho ta mọi thứ ta cần trong thế giới vẫn đảo điên và đầy sự chia xa vì dịch bệnh này, mà lại chẳng đòi hỏi gì từ ta.

 
 Ảnh: triggeredreviews.com

“Điều tinh khiết nhất lúc này” là cách mà tờ The Guardian gọi Wordle, trò chơi tạo ra ban đầu chỉ để dành cho một người nhưng cuối cùng lại được cả thế giới đón nhận. Tác giả của nó là Josh Wardle, một kỹ sư IT sống tại thành phố New York (Mỹ), với mong muốn thiết kế một món quà dành tặng người bạn đời say mê các câu đố chữ Palak Shah. Ngày 1-11-2021, 1 tháng sau khi ra mắt, game có vỏn vẹn 90 người chơi. Đến giữa tháng 1-2022, hơn 2 triệu người đã tham gia giải đố hằng ngày, theo báo The Guardian.

Từ một chuyện tình

Cách chơi Wordle rất đơn giản: mục tiêu là đoán trúng một từ tiếng Anh gồm 5 chữ cái trong 6 lượt. Sau mỗi lượt đoán không chính xác, trò chơi sẽ đưa thêm manh mối bằng cách cho biết chữ cái nào trong từ người chơi vừa đoán không xuất hiện trong đáp án (đánh dấu bằng màu xám), có trong đáp án nhưng sai vị trí (màu vàng), hoặc đúng vị trí (màu xanh lá cây).

Phiên bản đầu tiên của trò chơi thật ra đã được Wardle thử nghiệm từ năm 2013, nhưng dự án bị bỏ dở sau khi nhận phản hồi không mấy tích cực từ bạn bè. Mãi đến năm 2020 trong thời gian cùng Shah ở nhà vì đại dịch COVID-19, anh Wardle mới “thật sự bị thu hút” bởi các trò Spelling Bee (tìm ra càng nhiều từ có nghĩa càng tốt từ những chữ cái cho sẵn) và giải đố ô chữ hằng ngày trên báo The New York Times. “Tôi muốn nghĩ ra một trò chơi mà cô ấy sẽ thật sự thích” - Wardle giải thích về động lực khôi phục dự án còn dang dở từ nhiều năm trước.

Giờ đây, Shah có thói quen mới mỗi sáng thức dậy: khởi động trí não bằng trò Spelling Bee trước khi bắt tay vào giải câu đố Wordle của ngày hôm đó. Dù Wordle đã trở thành hiện tượng, được nhiều người biết đến và xây dựng được cộng đồng người hâm mộ trung thành, cảm giác trò chơi được sáng tạo ra dành riêng cho mình là một cử chỉ lãng mạn khiến Shah đổ đứ đừ.

Không nhiều nơi trên Internet ngày nay còn giữ triết lý thiết kế tĩnh lặng như giao diện Wordle: không quảng cáo, không có các cửa sổ pop-up, không “tâm thư” xin người chơi đóng góp tiền để duy trì dự án - chỉ có giao diện game chữ trắng trên nền đen. “Wordle không cố làm điều gì mờ ám với dữ liệu của bạn hoặc phỉnh phờ thị giác người chơi. Nó chỉ là một trò chơi thú vị” - Wardle trả lời trong một cuộc phỏng vấn đầu tháng 1-2022.

 
 Giao diện đơn giản của Worlde

Theo nhà sáng tạo Wordle, điểm mấu chốt duy trì sự hấp dẫn của trò chơi là giới hạn chỉ một câu đố mỗi ngày. Điều này tạo cảm giác khan hiếm, khiến người chơi háo hức trông ngóng đến ngày hôm sau để xem câu đố tiếp theo sẽ là gì.

Cũng vì Wordle ban đầu được xây dựng chỉ là trò chơi giết thời gian giữa hai người yêu nhau, thiết kế giao diện của nó hoàn toàn vắng bóng các chiêu trò để “hack” tăng trưởng: không gửi thông báo nhắc người chơi truy cập mỗi ngày, cũng không cần đăng ký tài khoản hay để lại địa chỉ email để “nhận cập nhật từ nhà phát triển”.

Với mỗi câu đố, một người chỉ cần dành vài phút là hoàn thành rồi có thể quên nó đi để làm việc khác, không gây nghiện hoặc tìm cách dẫn dụ người chơi đi từ màn này đến màn khác trong một vòng lặp bất tận. “Trò chơi chỉ khuyến khích bạn dành ra 3 phút mỗi ngày và chỉ vậy. Nó không đòi hỏi thêm dù chỉ một giây thời gian của bạn” - Wardle nhấn mạnh. 

Thậm chí Wordle còn không có tính năng chia sẻ (hoàn thành sau mấy bước) cho đến tận giữa tháng 12 năm ngoái. Cách chia sẻ cũng độc đáo: toàn bộ các bước giải đều thể hiện ở dạng emoji hình vuông với 3 màu tương ứng, để tiện khoe mà không làm lộ kết quả, do lẽ mỗi ngày cả thế giới đều giải chung 1 đề.

 
 Kết quả được chia sẻ mà không lộ đáp án

Wordle còn gây sốt trong giới học thuật khi nhiều nhà toán học áp dụng lý thuyết để tìm ra chiến thuật giải đố tốt nhất rồi chia sẻ trên mạng xã hội. Một người trong số đó công bố thuật toán mà họ tin rằng có thể đi đến đáp án trong 50% tình huống, và giới hạn còn một lựa chọn 50-50 giữa 2 từ trong 90% tình huống. Những người chơi sành sõi thì chia làm 2 trường phái: sử dụng từ có càng nhiều nguyên âm càng tốt trong lượt đoán đầu tiên để loại trừ, hoặc ưu tiên từ có các chữ cái xuất hiện phổ biến nhất trong tiếng Anh. Giáo sư Tim Gowers của Đại học Cambridge đề xuất bắt đầu với 2 từ có nhiều chữ cái thường dùng nhất mà không có chữ cái nào bị lặp lại, ví dụ như “tripe” và “coals”.

Một chút “cùng nhau” mỗi ngày

Wardle thừa nhận cảm thấy choáng ngợp vì sự đón nhận khổng lồ nằm ngoài sức tưởng tượng. “Thật lòng mà nói việc trò chơi trở nên nổi tiếng không làm tôi cảm thấy tuyệt vời chút nào. Tôi cảm thấy mình có trách nhiệm với người chơi, rằng mình nợ họ nghĩa vụ đảm bảo mọi thứ vận hành trơn tru và không gặp sự cố” - anh Wardle trải lòng với The Guardian.

Nhưng anh cũng thấy ấm lòng vì biết trò chơi của mình đã mang lại niềm vui nho nhỏ cho nhiều người trong giai đoạn đầy khó khăn này. Có người viết thư cho anh và chia sẻ rằng họ đã lâu không được gặp bố mẹ vì COVID-19 nhưng giờ cả gia đình có thêm một điểm chung để kết nối đó là cùng chia sẻ kết quả Wordle mỗi ngày.

Wardle cho rằng một phần lý do trò chơi trở thành hiện tượng là vì nó dễ chơi, dễ thắng, nhưng không hề mất đi tính thử thách. “Tôi chơi trò này mỗi ngày nhưng mỗi khi thắng vẫn cảm giác như mình vừa đạt được một thành tựu: nó khiến tôi thấy mình thật thông minh, và có lẽ mọi người cũng thích cảm giác đó” - anh lý giải.

 
 Josh Wardle, cha đẻ của Wordle

Trò chơi cũng gợi nhắc về một quá khứ ngây thơ hơn của Internet, khi những trang web giải trí chưa biết khai thác dữ liệu người dùng hoặc bào mòn túi tiền người chơi bằng cách này hay cách khác. “Nó như thời kỳ đầu của web, khi mọi thứ hẵng còn là một sân chơi vui nhộn” - Adam Procter, giảng viên môn thiết kế game tại Đại học Southampton (Anh), nói với The Guardian.

Giáo sư Chris Headleand của Đại học Staffordshire (Anh) thì cho rằng Wordle còn hưởng lợi vì ra mắt vào thời điểm này khi mọi người rất cần một món giải trí nhẹ nhàng nhưng không gây nghiện để tự nhắc mình tách khỏi guồng làm việc “quên giờ giấc” trong bối cảnh phải đem việc công sở về nhà.

Trò chơi có tính năng lưu lại lịch sử kết quả cá nhân của từng người chơi, nhưng không có bảng xếp hạng toàn cầu nào để so sánh hay tạo cảm giác ganh đua để tranh lấy ngôi đầu. “Đồng hành cùng nhau nhưng vẫn có không gian riêng là những gì chúng ta đã được trải nghiệm trong suốt cuộc khủng hoảng này” - cây bút Molly Roberts viết cho The Washington Post. “Wordle cho phép chúng ta có thêm được một chút ‘cùng nhau’ đó mỗi ngày, với hy vọng sẽ mang đến cho mỗi trái tim cô đơn một chút bình an”.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 1-2-2022, báo The New York Times tuyên bố đã mua lại Wordle với mức giá 7 chữ số nhưng không tiết lộ cụ thể. ”Chúng tôi không thể vui mừng hơn khi trở thành ngôi nhà mới và những người quản lý đầy tự hào của trò chơi kỳ diệu này, và rất vinh dự được giúp đưa tác phẩm tâm đắc của ông Wardle đến với nhiều người giải hơn trong những tháng tới” - Jonathan Knight, tổng giám đốc The New York Times Games, phát biểu.

Trong khi đó, tác giả trò chơi Wardle cho biết quan điểm về chất lượng và sự tôn trọng dành cho người chơi của các trò giải đố trên The New York Times phù hợp với đường hướng cá nhân của mình, vì thế anh “rất vui khi [tờ báo] sẽ là người quản lý trò chơi trong tương lai”.

Sau khi “đổi chủ", Wordle vẫn sẽ miễn phí và cách chơi cũng không đổi so với hiện tại. 


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận