06/06/2021 06:41 GMT+7

Doanh nghiệp không được thanh toán tiền mặt?

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
ÁNH HỒNG - LÊ THANH

TTO - Các tổ chức phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua bán hàng hóa, không giới hạn tổng giá trị thanh toán thay vì mức 20 triệu đồng như hiện nay. Đây là nội dung kiến nghị vừa được Cục Thuế TP.HCM gửi đến Chính phủ.

Doanh nghiệp không được thanh toán tiền mặt? - Ảnh 1.

Cơ quan thuế kiến nghị hạn chế thanh toán bằng tiền mặt nhằm dễ dàng kiểm soát doanh thu và chi phí của doanh nghiệp - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Nhiều chuyên gia ủng hộ quy định buộc doanh nghiệp (DN) phải thanh toán không dùng tiền mặt để tăng minh bạch dòng tiền, nhưng nhiều DN lại lo ngại sẽ gặp khó do hạ tầng thanh toán chưa đồng bộ, khách hàng là cá nhân chưa có tài khoản, quyết toán các chi phí tiếp khách...

Ngưỡng 20 triệu đồng đã lạc hậu

Với quy định tại Luật thuế giá trị gia tăng đang được áp dụng, các giao dịch mua bán hàng hóa giá trị từ 20 triệu đồng trở lên thì tổ chức phải thanh toán qua ngân hàng mới được khấu trừ và đưa vào chi phí. Tuy nhiên, một lãnh đạo Cục Thuế TP.HCM cho rằng các phương thức thanh toán không tiền mặt như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, ví điện tử, thanh toán qua tổ chức trung gian thanh toán... đang ngày càng trở nên phổ biến.

Do vậy, việc buộc các DN phải thanh toán không dùng tiền mặt với tất cả các giao dịch mua/bán hàng hóa và không giới hạn tổng giá trị thanh toán sẽ giúp cơ quan thuế kiểm soát doanh thu và chi phí của các tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng góp phần tăng cường tính nghiêm minh trong công tác quản lý thuế.

"Thanh toán không sử dụng tiền mặt cũng là định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong những năm gần đây. Năm 2020, Chính phủ đã ban hành chỉ thị về đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại VN, trong đó nêu ra yêu cầu cụ thể với từng bộ, ngành...", vị này nói.

Ông Nguyễn Văn Được, tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín, cho biết rất ủng hộ việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt của các tổ chức. Theo ông Được, ngưỡng 20 triệu đồng trở lên các tổ chức phải thanh toán qua ngân hàng đã áp dụng quá lâu, khi cơ sở hạ tầng phục vụ việc thanh toán không tiền mặt chưa phát triển như hiện nay. "Do vậy, cần thiết phải hạ thấp ngưỡng này, có thể về mức 5 triệu đồng, nhằm hạn chế tình trạng lách luật bằng cách "xé nhỏ" ra để thanh toán", ông Được nói.

Ngoài việc đa dạng hình thức thanh toán không tiền mặt, các ngân hàng thương mại cũng đua nhau giảm phí, miễn phí giao dịch qua ngân hàng. Đây chính là điều kiện thuận lợi để ban hành quy định mới nhằm giảm thanh toán không tiền mặt của DN. Tuy nhiên, cần yêu cầu ngành ngân hàng thiết kế lại sao kê để có thể thay thế sổ phụ của ngân hàng nhằm giảm bớt gánh nặng thủ tục cho DN.

Doanh nghiệp không được thanh toán tiền mặt? - Ảnh 2.

Khách hàng thanh toán bằng thẻ ngân hàng tại một nhà hàng trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Doanh nghiệp lo bị làm khó

Trong khi đó, các DN khá lo lắng trước đề xuất trên. Ông Nguyễn Văn Kiên, giám đốc Công ty TNHH TNT Vina, cho rằng trước mắt nên giảm số tiền mua bán hàng phải chuyển khoản xuống còn từ 10 - 15 triệu đồng thay vì mức 20 triệu như hiện nay. Nếu muốn kiểm soát dòng tiền và doanh thu của DN, cơ quan thuế giám sát qua việc phát hành hóa đơn bởi theo quy định từ năm 2022 bán hàng là phải xuất hóa đơn.

Ông Nguyễn Thái Linh, tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn, cũng lo rằng buộc DN thanh toán không tiền mặt với tất cả các giao dịch sẽ khó thực hiện, nhất là với các khoản chi chỉ vài triệu đồng. Chẳng hạn, với các khoản chi tiếp khách dưới 20 triệu đồng, do hiện nay vẫn có thể chi bằng tiền mặt nên thông thường nhân viên sẽ trả trước và lấy hóa đơn về thanh toán. Nếu tất cả khoản chi sẽ phải thanh toán không tiền mặt, không biết giải quyết thế nào với những khoản chi này.

"Nếu đưa thẻ DN để nhân viên chi sẽ không tiện. Nhưng nhân viên cà thẻ bằng thẻ của nhân viên, liệu có được cơ quan thuế chấp nhận đưa vào chi phí của DN hay không?", ông Linh băn khoăn. Một chuyên gia tư vấn về thuế cũng cho rằng nếu buộc DN phải dùng các phương thức thanh toán hiện đại với tất cả các giao dịch thì nhiều loại dịch vụ sẽ bị làm khó.

Cũng theo vị này, trừ một vài đô thị lớn như Hà Nội hay TP.HCM, tại nhiều địa phương và các vùng sâu vùng xa, nhiều dịch vụ và hàng hóa vẫn chưa thể thanh toán không dùng tiền mặt bởi hạ tầng về thanh toán chưa phát triển, chưa kể thói quen thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản, cà thẻ tín dụng... của người tiêu dùng còn hạn chế. Nếu áp dụng cứng nhắc quy định này sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cả người tiêu dùng, sử dụng dịch vụ.

Do vậy, vị chuyên gia này cho rằng đề xuất của ngành thuế TP.HCM trước hết chỉ có thể triển khai ở một số địa bàn có điều kiện hạ tầng công nghệ thanh toán phát triển và cũng chỉ áp dụng cho những dịch vụ công hay hàng hóa mà DN nhà nước, có vốn nhà nước cung cấp, đơn cử như điện, nước, viễn thông, học phí, viện phí...

* TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính):

Cần có lộ trình phù hợp

Việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết, giảm thiểu rủi ro mang theo tiền mặt, không phải kiểm đếm tiền khi giao dịch và đặc biệt là giúp minh bạch tài chính. Tuy nhiên, với hạ tầng thanh toán hiện nay, việc áp dụng quy định này vào cuộc sống rất khó khả thi, thậm chí gây khó cho DN.

Với các DN nhỏ và siêu nhỏ có quy mô hoạt động và tính chuyên nghiệp còn hạn chế, việc áp dụng quy định này càng gặp khó khăn hơn. Do đó, trước mắt chỉ nên khuyến khích và đưa ra lộ trình cụ thể để DN thực hiện quy định này. Riêng với DN nhỏ và siêu nhỏ, cần có tỉ lệ nhất định chứ không thể yêu cầu phải thanh toán không tiền mặt với tất cả các giao dịch.

* Ông Phạm Thế Khương (Công ty CP Thương mại thực phẩm sạch):

Doang nghiệp nhỏ sẽ gặp khó

Theo tôi, quy định này sẽ gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN, nhất là các DN có các giao dịch mua bán liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn, khi mua sản phẩm của nông dân, DN muốn chuyển khoản 100% số tiền cũng khó vì không phải ai cũng có tài khoản ngân hàng. Ngược lại, khi bán hàng, nếu khách hàng là nông dân không thanh toán qua ngân hàng, DN sẽ khó xử lý các giao dịch này bởi nhận tiền mặt sẽ vi phạm.

Thúc thanh toán không tiền mặt Thúc thanh toán không tiền mặt

TTO - Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu các NH và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hưởng ứng và tích cực triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt 16-6 năm nay.

ÁNH HỒNG - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên