16/01/2015 09:00 GMT+7

Đưa thông tin Chính phủ lên mạng xã hội

V.V.THÀNH
V.V.THÀNH

TT - "Chúng ta quản lý điều hành mà người dân không biết chủ trương, chính sách thì không được” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, ngày 15-1.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: V.V.T.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: V.V.T.

Ngày 15-1, phát biểu chỉ đạo hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những nỗ lực, kết quả hoạt động của Văn phòng Chính phủ trong vai trò của cơ quan tham mưu tổng hợp, giúp việc trực tiếp cho Chính phủ, Thủ tướng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh Văn phòng Chính phủ cần tập trung làm tốt công tác thông tin, truyền thông.

“Chúng ta quản lý điều hành mà người dân không biết chủ trương, chính sách thì không được. Vì vậy thông tin phải chính xác, kịp thời để vừa thống nhất hành động, vừa ngăn chặn những thông tin không đúng đắn” - Thủ tướng nói.

Ta không cấm, không ngăn được mà quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời, từ đó tạo niềm tin

Đối với những thông tin không đúng làm phân tâm xã hội, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ chủ động tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ, cùng với các bộ ngành liên quan cung cấp thông tin chính thống, chính xác và đúng đắn để xã hội hiểu đúng, qua đó đáp ứng quyền được cung cấp thông tin của người dân.

Bên cạnh các loại hình báo chí truyền thống (báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình), cần chủ động đưa thông tin chính thống trong đó có thông tin về chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội hằng ngày của Chính phủ lên mạng xã hội.

“Chúng ta đều biết bây giờ mở điện thoại ra là có mạng xã hội, có thể vào Facebook được ngay. Mấy chục triệu người dùng Internet và mạng xã hội rồi, cần làm sao để đưa thông tin chính thống lên mạng xã hội tốt hơn” - Thủ tướng nói.

Cũng theo Thủ tướng, tình hình hiện nay đã rất khác do sự phát triển của công nghệ thông tin, trong nhiều trường hợp nếu chờ các bộ ngành chức năng triển khai kế hoạch truyền thông, chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa tin sẽ rất chậm.

Trong khi đó, trước đây sau khi xảy ra một số hành vi kích động, gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, để truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về việc người dân không tham gia các hành vi đó thì chỉ cần một tin nhắn điện thoại là “toàn dân biết ngay”.

Thủ tướng nêu rõ Văn phòng Chính phủ cần thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo đảm hậu cần kỹ thuật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo điều hành để đảm bảo tính kịp thời, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Đặc biệt là ứng dụng công nghệ để có thể tổ chức các cuộc họp trực tuyến từ Chính phủ xuống chính quyền cấp xã, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành trong bối cảnh cần có phản ứng nhanh.

Ví dụ như bối cảnh thiên tai cần sơ tán ngay hàng triệu dân, Chính phủ không phải truyền đạt chỉ đạo qua các cấp hành chính mà chỉ đạo trực tiếp cho lãnh đạo cấp xã bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin.

Thủ tướng cũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Từng vụ, từng chuyên viên theo chức trách của mình phải kiểm soát, phải biết các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện các chỉ đạo đến đâu, thực hiện hay không thực hiện.

Rút kinh nghiệm trường hợp trước đây đã chỉ đạo Vinashin không được mua tàu cũ nhưng doanh nghiệp vẫn mua, trong khi đó Văn phòng Chính phủ không nắm bắt tình hình để báo cáo, tham mưu cấp có thẩm quyền kịp thời giải quyết, xử lý.

V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên