28/10/2019 08:23 GMT+7

Dựa vào dân để bảo vệ nguồn nước

HỒNG VÂN ghi
HỒNG VÂN ghi

TTO - Ở Canada, việc bảo vệ nguồn nước được phân công cho tất cả các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, có kế hoạch đầy đủ, có tuyên truyền giáo dục, bảo vệ bảo trì hệ thống và nguồn nước, giám sát kiểm tra chất lượng nước.

Dựa vào dân để bảo vệ nguồn nước - Ảnh 1.

Người dân Hà Nội chen nhau chờ lấy nước sạch khi xảy ra sự cố ở Nhà máy nước Sông Đà - Ảnh: TUỔI TRẺ

Chính quyền công bố hướng dẫn chung về chất lượng nước uống và các tỉnh có trách nhiệm xác định các tiêu chuẩn riêng nhưng ít nhất là đảm bảo đúng tiêu chuẩn và hướng dẫn đã đề ra.

Mỗi quý một lần, chính quyền tỉnh có đoàn thanh tra đến các hệ thống cấp nước để kiểm tra chất lượng nước. Kết quả được đăng công khai trên cổng thông tin về nước của tỉnh để mọi người có thể vào xem.

Sau sự cố nước tại Nhà máy nước Sông Đà, ông Scott West - quản lý nhà máy nước ở Clarenville, tỉnh Newfoundland, Canada - chia sẻ với Tuổi Trẻ về công tác đảm bảo an ninh nguồn nước.

Không hệ thống cấp nước nào ở Canada được tư nhân hóa và hoạt động cấp nước ở tỉnh Newfoundland nơi tôi sống không phải là hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận. Việc cấp nước được chi trả từ tiền thuế của người dân.

Số tiền mỗi người dùng nước trả mỗi năm trên thực tế là không đủ trang trải chi phí cho việc sản xuất lượng nước đã bán ra cho họ. Đây là một thách thức vì phần còn lại của tiền đầu tư cho hệ thống cấp nước được chi trả từ tiền thuế đóng vào ngân sách của thành phố.

Để bảo vệ nguồn nước, thành phố có thể khoanh vùng lưu vực và phạm vi bảo vệ lưu vực. Hoạt động nào được phép diễn ra trong lưu vực và nơi có nguồn nước uống sẽ do chính quyền địa phương cùng chính quyền tỉnh xác định và thông qua. 

Việc tuần tra lưu vực là một thách thức nên chúng tôi dựa vào ý thức của người dân. Cụ thể, chúng tôi đặt các bảng hướng dẫn để thông báo ở các khu vực hạn chế, nếu ai muốn vào phải đồng ý các điều kiện có sẵn. Chúng tôi cũng đăng số điện thoại để người dân gọi điện thông báo nếu thấy có điều gì bất thường, đáng ngờ diễn ra trong vùng.

Chính quyền cũng cấp ngân sách để tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo miễn phí về các chủ đề như bảo vệ nguồn nước, các mầm bệnh trong nước... cho người làm trong ngành cấp nước. Các khóa tập huấn này có kiểm tra và cấp chứng nhận theo từng mức độ hoàn thành (bốn cấp độ), càng lên cấp độ cao hơn, để hoàn thành bài kiểm tra, lượng kiến thức càng đòi hỏi nhiều hơn.

Tuy nhiên, hệ thống chứng nhận này được công nhận toàn quốc và cho phép những người vận hành hệ thống cấp nước được cập nhật kiến thức mới, tăng cường hiểu biết để có thể cung cấp nước với chất lượng tốt, an toàn cho cộng đồng. Bộ Y tế ở Canada cũng có trách nhiệm trong việc thu thập các mẫu nước bị nhiễm khuẩn ở các nhà máy nước mỗi tháng một lần.

Bất cứ khâu nào trong toàn bộ chuỗi cấp nước đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng nước. Bạn có thể có nhà máy xử lý nước tốt nhất trên thế giới nhưng nếu không bảo trì hệ thống cấp nước tốt, chất lượng nước cũng sẽ xuống cấp rất nhanh. 

Dựa vào dân để bảo vệ nguồn nước - Ảnh 3.

Khu vực nước đầu nguồn của nhà máy nước sông Đà - Ảnh: TTO

Chúng tôi giám sát chất lượng mỗi ngày bằng cách lấy mẫu và kiểm tra dư lượng chlorine. Chúng tôi cũng kiểm tra áp suất trong đường ống thường xuyên và coi đây là việc quan trọng. Nếu áp suất giảm trong đường ống, chắc chắn là có chỗ rò rỉ trong hệ thống. Chỗ rò rỉ chính là nơi các yếu tố ô nhiễm có thể xâm nhập.

Trong sự cố ở Việt Nam, nếu nhà máy nước không cung cấp nước theo đúng chất lượng và trách nhiệm đã được giao, họ chắc chắn phải chịu trách nhiệm. Trong đa số trường hợp nước bị ô nhiễm tôi được biết, nhiều phòng tuyến bảo vệ chất lượng nước bị trục trặc và không phải chỉ có một nguyên nhân duy nhất gây ra sự cố. Tôi hi vọng các bên liên quan ở Việt Nam sẽ ngồi lại với nhau và có giải pháp thích hợp.

Hướng tới việc an toàn uống nước tại vòi

Sự cố xảy ra tại Nhà máy nước Sông Đà đặt ra nhiều câu hỏi về việc đảm bảo chất lượng nước. Nhưng theo tôi, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có sự rà soát toàn bộ về hệ thống cung cấp nước cho người tiêu dùng ở các vùng miền, đồng thời có thể hướng tới việc có thể uống nước máy trực tiếp từ vòi.

nuoc song da

Người dân tại khu đô thị Linh Đàm chờ để hứng nước sạch sau sự cố nước nhiễm bẩn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Từ kinh nghiệm làm việc của mình, tôi đưa ra một số giải pháp và tất cả phải được thực hiện đồng bộ trên nhiều cấp độ:

- Nguồn nước: có khả năng cung cấp nước với chất lượng tốt. Cần quản lý tốt các hoạt động nông nghiệp, công nghiệp... ở đầu nguồn.

- Cấp độ khu vực cấp nước: bảo vệ trực tiếp, áp sát và từ xa khỏi các điểm gây ô nhiễm bằng hàng rào, cấm các hoạt động như rải phân bắc, phân hữu cơ hay hóa học trên các khu đất nằm trong phạm vi bảo vệ; cấm đào giếng...

- Cấp trạm xử lý: kiểm soát chất lượng nước đầu vào (nước ngọt) và chất lượng nước đầu ra (nước sạch).

- Bể lưu trữ nước sạch trước khi cấp nước vào mạng lưới: phải được bảo vệ khỏi tất cả các loại ô nhiễm phát sinh bên ngoài và tránh gia tăng về nhiệt độ. Thiết kế và lắp đặt bể lưu trữ phải thuận tiện cho việc kiểm soát và kiểm tra độ kín của bể vào mọi lúc. Phải có thiết bị lấy mẫu nước trực tiếp đặt ở đầu vào và đầu ra của bể. Sau mỗi trường hợp có nguy cơ nhiễm bẩn nước trong bể, và ít nhất mỗi năm một lần, bể lưu trữ cần được xả cạn, thau rửa và khử trùng. Cần có sự bố trí, chuẩn bị để đảm bảo công tác cấp nước trong thời gian tạm ngừng sử dụng.

- Hệ thống cấp nước đến vòi nước tại các hộ dân: khử trùng nước (dùng clo). Sự cố đổ dầu thải vừa xảy ra ở Việt Nam liên quan đến hành vi xấu. Để ngăn chặn điều này cần có kế hoạch xác định phạm vi bảo vệ nguồn nước và lưu vực, cấm ra vào khu vực lấy mẫu, cấp nước và các công trình xử lý, có biện pháp phòng chống các hành vi đổ trộm chất thải. Có hệ thống giám sát và chống xâm nhập như hàng rào, phao tiêu, phao quây, cổng, khóa, tường..., hệ thống camera giám sát, canh phòng, thiết bị báo động tại các điểm lấy nước quan trọng.

HERINIAINA ANDRIAMAHEFA

(Cơ quan Quản lý quốc gia về môi trường nước lưu vực sông Seine-Normandie, Pháp)

Công ty nước sạch Sông Đà xin lỗi người dân và miễn tiền nước 1 tháng Công ty nước sạch Sông Đà xin lỗi người dân và miễn tiền nước 1 tháng

TTO - Sáng nay (25-10), Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà đã phát đi thông cáo gửi lời xin lỗi người dân và xin miễn tiền nước 1 tháng để khắc phục sự cố nước sạch bốc mùi tại Hà Nội thời gian qua.

HỒNG VÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên