23/07/2020 14:41 GMT+7

Dựa vào khoa học công nghệ để thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho rằng để thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến, lựa chọn duy nhất là phát huy nguồn lực trí tuệ, nguồn lực con người, dựa vào sức mạnh khoa học công nghệ và văn hóa.

Dựa vào khoa học công nghệ để thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến - Ảnh 1.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình (thứ hai từ phải qua) tham quan triển lãm tại hội nghị tổng kết chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc - Ảnh: HÀ THANH

Ngày 23-7 tại Hà Nội, Bộ Khoa học và công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hội nghị tổng kết chương trình "Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" (gọi tắt là chương trình Tây Bắc) giai đoạn 2013 - 2020.

Suốt 7 năm triển khai chương trình đã có sự góp mặt của hơn 600 nhà khoa học, hơn 40 cơ quan tham gia; 56 quy trình công nghệ được chuyển giao cho 14 tỉnh vùng Tây Bắc và các ban, bộ, ngành; 22 hệ thống bản đồ trong các lĩnh vực quy hoạch phát triển bền vững; 42 mô hình thử nghiệm, mô hình trình diễn phục vụ sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương, đánh giá với sự tham gia của đội ngũ hơn 600 nhà khoa học, hơn 40 cơ quan đã trực tiếp giải quyết một số vấn đề cơ bản và nóng bỏng nhất đang đặt ra trong thực tiễn, giải phóng tiềm năng, tháo gỡ khó khăn, khai thác nguồn lực, góp phần tạo nên xung lực mạnh mẽ trong phát triển bền vững vùng Tây Bắc, góp phần cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên ông cũng lưu ý một số nội dung, trong đó nhấn mạnh vùng Tây Bắc đang đặt ra nhiều vấn đề phức tạp như suy thoái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; ô nhiễm môi trường; tỉ lệ hộ nghèo cao; chất lượng nguồn nhân lực mức thấp; tệ nạn xã hội, ma túy, buôn bán và phụ nữ trẻ em gia tăng trong thời gian gần đây…

Dựa vào khoa học công nghệ để thu hẹp khoảng cách với các nước tiên tiến - Ảnh 2.

Hội nghị tổng kết chương trình "Khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" diễn ra sáng nay 23-7 - Ảnh: HÀ THANH

"Điều này hàm ý việc tiếp tục tổ chức triển khai nghiên cứu là xuất phát từ chính nhu cầu thực tiễn của vùng và sự phát triển bền vững của Tây Bắc, cũng chính là sự phát triển bền vững của cả nước", ông nói.

Cùng với đó ông cho rằng trong thời đại 4.0, khoa học công nghệ và văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng và trực tiếp.

"Để tìm ra lời giải tối ưu, hài hòa cho các bài toán phát triển trước mắt và lâu dài, để phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế nhằm nhanh chóng thu hẹp khoảng cách phát triển so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới, lựa chọn duy nhất là phát huy nguồn lực trí tuệ, nguồn lực con người, tức là dựa vào sức mạnh của khoa học công nghệ và văn hóa", Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Tại hội nghị, ông Chu Ngọc Anh - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đánh giá sau 7 năm triển khai, chương trình Tây Bắc đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với nhiều quy trình công nghệ đã và đang được chuyển giao đến các ban, bộ, ngành.

Bộ trưởng lưu ý vùng Tây Bắc vẫn đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, chịu nhiều tác động lớn của biến đổi khí hậu. Do đó, thời gian tới việc tiếp tục triển khai các nghiên cứu khoa học và phát triển khoa học công nghệ sẽ góp phần tạo nền tảng, "đòn bẩy" tri thức, công nghệ, văn hóa và xã hội góp phần quan trọng trong phát triển vùng Tây Bắc.

Chương trình Tây Bắc có 4 mục tiêu cơ bản: cung cấp các luận cứu khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển bền vững, đảm bảo an ninh vùng Tây Bắc; xác định luận cứ khoa học cho các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù các tiểu vùng, liên vùng, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao mức sống của đồng vào các dân tộc vùng Tây Bắc.

Bên cạnh đó đề xuất, chuyển giao các giải pháp khoa học và công nghệ; xác định nhu cầu đào tạo nhân lực, đề xuất giải pháp đào tạo phù hợp cho phát triển nguồn nhân lực.

Trai bản Thái khởi nghiệp nơi Trai bản Thái khởi nghiệp nơi 'Hạ Long của miền Tây Bắc'

TTO - Vẻ đẹp mê hoặc của lòng hồ Thuỷ điện Sơn La giữa núi rừng Tây Bắc hùng vĩ đã thôi thúc Là Văn Phong và những người bạn trẻ huyện Quỳnh Nhai vay tiền khởi nghiệp.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên