25/03/2020 11:49 GMT+7

Dùng công nghệ giám sát người tự cách ly thế nào?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Thay vì cách giám sát thủ công hiện nay, các chuyên gia cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ để giám sát những người tự cách ly tại nhà.

Dùng công nghệ giám sát người tự cách ly thế nào? - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Theo nhiều chuyên gia, một trong những ứng dụng dễ dàng nhất có thể triển khai nhanh ngay tại Việt Nam hiện nay là giám sát người tự cách ly thông qua tính năng định vị GPS có sẵn trên smartphone, bởi hầu hết người dân đều đã có điện thoại thông minh kết nối mạng.

Giám sát từ xa bằng GPS

Theo TS Huỳnh Phước Thọ - phó tổng giám đốc Công ty eDoctor - công ty ứng dụng công nghệ cung cấp dịch vụ y tế cho người dùng, việc theo dõi quá trình di chuyển của một người dùng có mang theo một thiết bị hỗ trợ định vị GPS như điện thoại di động là hoàn toàn khả thi. Chỉ cần phát triển thêm một ứng dụng di động đi kèm nữa là giải pháp có thể đáp ứng được yêu cầu.

"Việt Nam hoàn toàn có thể triển khai được ngay bởi rất đông người dân đã sở hữu smartphone, số điện thoại di động riêng. Chỉ cần phát triển một phần mềm quản lý - rất nhiều công ty công nghệ tại Việt Nam có thể phát triển chỉ trong vài ngày - là có thể áp dụng được", ông Thọ cho biết.

Theo các chuyên gia, khi đã có phần mềm quản lý, người tự cách ly buộc phải đăng ký hoặc cài đặt phần mềm để cơ quan chức năng giám sát vị trí cũng như giao tiếp từ xa trong thời gian tự cách ly. Ứng dụng này sẽ ghi nhận và báo cáo quá trình di chuyển của người đang chịu cách ly: đi những đâu, theo tuyến đường nào, dừng lại trong bao lâu…

Hiện nay, nhiều ứng dụng khác đã có thể đáp ứng chức năng quản lý người dùng như yêu cầu nêu trên. 

Theo chia sẻ của ông Trần Viết Quân, giám đốc Công ty ứng dụng di động Xanh - phát triển phần mềm quản lý, chấm công nhân viên từ xa Tanca: "Hiện tại cơ chế chấm công của Tanca có thể giúp giải quyết các trường hợp bị cách ly tại nhà. Cơ chế dựa vào định vị GPS trên điện thoại di động".

Theo ông Quân, có 3 cách để sử dụng cách thức này. 

Thứ 1, nếu người dùng có Internet và GPS, Tanca có thể nắm được vị trí người dùng theo thời gian thực. 

Thứ 2, nếu không có Internet nhưng có kết nối GPS, Tanca vẫn lưu dấu vị trí và sẽ báo cáo lại vị trí khi người dùng có kết nối Internet lại. Cả cách 1 và 2 khi người dùng di chuyển hơn 50m, hệ thống sẽ  tạo ra những điểm di chuyển trên bản đồ. 

Thứ 3, người dùng chỉ thông báo vị trí khi được yêu cầu. 

"Nghĩa là Tanca có thể tạo ra các cảnh báo để thông báo người dùng cập nhật vị trí hiện tại (ngay cả trong trường hợp điện thoại không có Internet), người dùng cần bật điện thoại truy cập Internet vào báo cáo vị trí là được", ông Quân cho biết.

Tương tác dễ dàng hơn

Theo các chuyên gia lập trình, bên cạnh chức năng giám sát vị trí từ xa, ứng dụng quản lý còn có thể được trang bị thêm các tính năng như: nhắc nhở liên tục việc tuân thủ các quy định khi tự cách ly (gửi thông báo, nhắc nhở nhiều lần trong ngày, yêu cầu người chịu cách ly xem và xác nhận đã đọc và thực hiện thông báo đó ngay trên ứng dụng di động).

Ứng dụng còn yêu cầu người chịu cách ly xác nhận sự có mặt của mình trong khu vực cách ly bằng cách định kỳ chụp ảnh và check-in cùng với dấu hiệu nhận diện khu vực cách ly, như là bảng số nhà có địa chỉ… 

Một tính năng nữa là yêu cầu và nhắc nhở người chịu cách ly liên lạc định kỳ trong ngày vào một hệ thống tổng đài, có thể là tự động, để thông báo địa điểm và tình trạng hiện tại của họ hay phân công nhân viên y tế hoặc nhân viên của cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm liên lạc định kỳ với người chịu cách lý để kiểm tra…

Các chuyên gia cũng nhận định việc triển khai ứng dụng giám sát nêu trên với những người tự cách ly tại Việt Nam hiện nay là không khó, nhưng sẽ "đụng chạm" đến vấn đề quyền riêng tư cá nhân của người dân. 

"Đây có lẽ là vấn đề lớn nhất đối với cả hệ thống quản lý nhà nước trong hoàn cảnh này. Việt Nam chưa có quy định và cũng chưa có tiền lệ ứng xử đối với các trường hợp này. Nếu thiếu một hành lang pháp lý phù hợp thì việc triển khai sẽ rất dễ dẫn tới vi phạm các quyền của cá nhân, trong đó có quyền riêng tư", ông Thọ cho biết.

Trong khi đó, theo quy định pháp luật hiện hành, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm nghiêm cấm các hành vi như che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền... 

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn dưới luật để cụ thể hóa các biện pháp thực thi và chế tài.

Theo ông Thọ, việc cần làm nhất để các biện pháp quản lý có thể được áp dụng một cách nhanh chóng, hiệu lực và hiệu quả - nhất là trong hoàn cảnh "dầu sôi lửa bỏng" hiện nay - là các cơ quan lập pháp và hành pháp cần nhanh chóng bổ sung, tu chỉnh và ban hành các khuôn khổ về pháp lý để tạo ra hành lang phù hợp.

"Cùng với việc chỉ ra các biện pháp kiểm soát và quản lý cụ thể mà cơ quan quản lý nhà nước được phép làm thì cũng cần chỉ ra các ranh giới cần thiết để đảm bảo quyền riêng tư của các cá nhân chịu sự điều chỉnh. Vấn đề còn phức tạp hơn nữa khi mà các đối tượng nằm trong tầm ngắm không chỉ có là công dân Việt Nam mà còn là công dân nước ngoài", ông Thọ đề xuất.

Greta Thunberg tự cách ly, kêu gọi giới trẻ ở nhà Greta Thunberg tự cách ly, kêu gọi giới trẻ ở nhà

TTO - Ngày 24-3, nhà hoạt động môi trường Greta Thunberg viết trên Instagram của mình rằng cô đang tự cách ly sau chuyến đi gần đây đến các nước có dịch bệnh ở Châu Âu. Theo các triệu chứng, Greta có thể đang bị nhiễm virus corona chủng mới.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên