05/12/2018 08:23 GMT+7

Đừng để thành bệnh mãn tính

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Mọi người chưa quên cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nam xây ì ạch trong khi vốn có sẵn.

Đừng để thành bệnh mãn tính - Ảnh 1.

Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 có quy mô 1.000 giường thi công ì ạch

Lẽ ra hai bệnh viện này phải khánh thành năm 2017 nhưng thời gian trôi qua, tiền nằm chờ giải ngân bởi hàng loạt vướng mắc. Đó là điển hình của bệnh có tiền nhưng không xài hết trong đầu tư công.

Mới đây tại TP.HCM, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu kiểm điểm việc chậm giải ngân vốn đầu tư.

Thực tế, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều quận, huyện, sở ngành còn quá thấp. Ngay Bộ Tài chính cũng nóng ruột khi vừa phải có văn bản trình Thủ tướng đề nghị giao Bộ Kế hoạch - đầu tư khẩn trương chủ trì, trình Thủ tướng phương án điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2018.

Từ giữa năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải phê bình gắt gao 13 chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thủ trưởng các đơn vị đã chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Ì ạch giải ngân vốn đầu tư công đã được nhắc đến nhiều trong các cuộc họp giữa Chính phủ với các bộ ngành từ cuối năm 2016 và nay vẫn là vấn đề nóng. 

Theo Bộ Tài chính, vốn đầu tư công được thanh toán trong 11 tháng qua ước đạt hơn 61% kế hoạch. Đáng chú ý, tỉ lệ vốn vay nước ngoài giải ngân mới hơn 38% kế hoạch, vẫn còn hơn 38.000 tỉ đồng vốn vay nước ngoài chưa thể giải ngân.

Để có vốn cho đầu tư, một phần chúng ta phải đi vay nhưng tiền chậm chảy vào dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đó là sự lãng phí kiểu mới trong tình hình mới. Nói thế là vì sự lãng phí này khác với thất thoát vốn đầu tư công cũng như do bố trí vốn dàn trải như nhiều năm trước. 

Còn tình hình mới đó là bệnh chậm xài tiền bùng phát khi chúng ta chủ trương siết lại đầu tư công. Biết bệnh, đã bốc thuốc nhưng tình hình vẫn chưa chuyển động, vốn vẫn đắp chiếu.

Để sớm thoát ra khỏi căn bệnh này, ông Hoàng Quang Hàm - ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội - cho rằng cần xem xét hai vấn đề. Nếu chính sách chưa hợp lý, phải sửa, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc quản lý đồng vốn đầu tư công chặt chẽ, đúng mục đích. 

Về thực thi, nếu bộ, ngành, địa phương thiếu trách nhiệm phải chế tài, thậm chí cách chức người đứng đầu. Trường hợp chủ đầu tư không đủ năng lực phải thay chủ đầu tư mới.

Cũng có đề xuất cho các bộ, ngành, địa phương được phép điều chuyển vốn chậm sử dụng cho các dự án khả thi. 

Như tại Bộ Y tế, đến hết 11 tháng mới giải ngân được 10,5% kế hoạch, trong khi nhiều dự án bệnh viện khác lại khát vốn; khi được chuyển vốn, các dự án này sớm hoàn thành. Nhưng chuyển vốn chỉ là tình thế. 

Vì các dự án được bố trí vốn nhưng chậm sử dụng đều là những dự án được chọn mặt gửi vàng, người dân trông chờ, kỳ vọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. 

Nếu cứ ì ạch triển khai, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khó đạt như mong muốn và càng rối hơn khi vốn từ ngành này chuyển sang ngành khác.

Kinh nghiệm tăng tốc giải ngân cũng đã được chỉ ra, đó là do năng lực của các đơn vị liên quan. Vậy hãy thúc đẩy nhanh quá trình này, những người chậm chạp trong sử dụng vốn phải được thay thế. Chỉ có thế, căn bệnh mới "chậm xài tiền" mới không trở thành mãn tính.

Trị "bệnh" chậm giải ngân vốn Trị 'bệnh' chậm giải ngân vốn

TTO - “Sử dụng thật hiệu quả nguồn lực từ ngân sách. Năm 2019 dứt khoát không để tình trạng giải ngân chậm, nếu nơi nào nhắm làm không nổi thì xin giảm chỉ tiêu, để tiền đó ta làm việc khác” - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên