22/01/2018 16:33 GMT+7

Dùng đồ Nhật chuyển nguồn điện, coi chừng nguy hiểm (P1)

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Phong trào dùng đồ điện tử Nhật Bản (hàng nội địa) đang ngày càng phổ biến trong nhiều gia đình Việt Nam, tuy nhiên một số cách dùng sai lầm đang đặt nhiều người vào nguy cơ cháy nổ.

Dùng đồ Nhật chuyển nguồn điện, coi chừng nguy hiểm (P1) - Ảnh 1.

Nồi cơm điện của Nhật được rất nhiều người dùng Việt ưa chuộng. - Ảnh: Việt Anh

Rất nhiều thiết bị điện tử được sản xuất riêng cho thị trường Nhật Bản đang được người dân Việt Nam mua lại sử dụng như: lò vi sóng, máy rửa chén, máy giặt, bàn ủi, bếp điện từ, nồi cơm điện, máy rửa chén, máy lọc không khí… 

Tuy nhiên sự khác biệt về nguồn điện (Nhật Bản dùng nguồn 100v trong khi Việt Nam dùng 220v) đã tạo ra không ít phiền toái cho người dùng Việt.

Sợ cắm nhầm điện, đi chuyển nguồn thiết bị

Qua truyền miệng từ nhiều người bạn quen thân, chị Mỹ Linh (Quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã mua thử một chiếc nồi cơm điện cao tần của Nhật có giá hơn 3 triệu đồng về sử dụng. Dù là hàng đã qua sử dụng nhưng chị Linh đánh giá “nồi chạy rất tốt, nấu cơm rất ngon” sau khi sử dụng được một thời gian. 

Thế nhưng trong một lần gia đình có tiệc, một người bạn qua phụ đã vô tình cắm nhầm vào nguồn 220v. 

Kết quả làm nồi cơm điện bị hỏng, chị Linh phải mang ra tiệm sửa và được người thợ cho biết có thể chuyển nguồn điện của nồi cơm sang cắm trực tiếp vào nguồn 220v mà không cần phải qua biến thế điện (chuyển từ 220v xuống 100v).

“Lúc đó tôi vui lắm vì nỗi lo tiếp tục sẽ xảy ra chuyện cắm nhầm nguồn điện coi như được giải quyết. Tôi đã chấp nhận ngay với giá gồm cả bộ nguồn mới và tiền công là 500.000 đồng. 

Tuy nhiên khi đem về sử dụng, tôi mới đặt nghi vấn bộ nguồn mới kia chắc cũng giống cái biến thế ở nhà nhưng được người ta thu gọn đi và nhét luôn trong nồi cơm, liệu nó có an toàn như qua biến thế không mặc dù thẩm mỹ và cách sử dụng tốt hơn”, chị Linh thắc mắc.

Dùng đồ Nhật chuyển nguồn điện, coi chừng nguy hiểm (P1) - Ảnh 2.

Anh Đại (TP.HCM) tìm mua máy khoan hiệu Makita cũ của Nhật Bản để có giá rẻ và chất lượng vẫn được đảm bảo - Ảnh: HỮU THUẬN

Tìm kiếm một vòng trên mạng, chúng tôi nhận thấy chuyện cắm nhầm nguồn điện là vấn đề “lo sợ” nhất với những người dùng độ điện tử “xách tay” từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, chuyện được khá nhiều người chia sẻ khi sử dụng đó là sự phiền phức của các biến thế điện. 

Người dùng càng nhiều thiết bị thường phải có nhiều biến thế (do vị trí các vật dụng không ở gần nhau nên không thể dùng chung một biến thế). 

Tất nhiên cũng có gia đình có điều kiện đã đầu tư hẳn một biến thế công suất lớn và đi đường dây điện riêng trong nhà chỉ để dùng cho các đồ điện tử Nhật Bản, nhưng từ đó lại xuất hiện thêm nỗi lo cắm nhầm (do đường dây 100v đi song song với đường dây 220v)...

Dịch vụ chuyển nguồn giá rẻ

Cũng từ chính nỗi lo của người dùng mà các dịch vụ chuyển nguồn cho các thiết bị điện tử Nhật xuất hiện ngày càng nhiều. Qua tìm hiểu, chúng tôi cũng phát hiện khá nhiều dịch vụ chuyển nguồn điện cho các thiết bị điện tử Nhật Bản đang được cung cấp trên mạng. 

Mọi dịch vụ đều quảng cáo có thể “chuyển tất cả các thiết bị điện tử xách tay Nhật Bản sang sử dụng nguồn 220v”. Trong đó phổ biến nhất là dịch vụ cho nồi cơm điện từ của Nhật. 

Tại chợ Nhật Tảo (TP.HCM), nhân viên một tiệm chuyên sửa chữa đồ điện tử cho biết dịch vụ chuyển nguồn cho các thiết bị điện tử nội địa Nhật khá nhiều. 

Trong đó, "nồi cơm điện được khách hàng đem đến nhờ chuyển đổi nguồn từ 100v sáng 220v nhiều nhất, nhất là những khách hàng từng lỡ làm cháy nồi vì cắm nhầm nguồn. Khách hàng có nhu cầu thì mình làm giúp họ thôi", nhân viên này chia sẻ.

“Chúng tôi nhận đổi nguồn tất cả các nồi cơm điện cao tần nồi Nhật bãi điện 100v sang 220v không cần cục đổi nguồn. Nhanh gọn đẹp mắt, sử dụng cắm ngay điện 220v, tránh trường hợp cắm nhầm điện”, một lời rao trên website donhatbai. 

Cũng theo lời rao này, giá chuyển đổi cho nồi cơm điện của các hãng như: Zojirushi, Tiger, Panasonic, Sharp, Sanyo, Mitsubishi, Toshiba… đều như nhau gồm 150.000 đồng tiền công và 350.000 đồng tiền bộ nguồn. 

Trao đổi với chúng tôi, ông chủ tên Hùng của một dịch vụ chuyên sửa đồ Nhật khác, cho biết: “Nếu không tìm được chỗ nào tin tưởng thì đừng nên chuyển vì sẽ rất phiền nếu như sau chuyển điện dùng vài buổi nó lại lăn đùng ra. 

Chuyển điện cũng giống như chuyển giới, đã bước đi thì cấm quay trở lại”. Hùng cũng cho biết mình cung cấp dịch vụ sửa chữa, chuyển nguồn cho tất cả các thiết bị điện tử của Nhật Bản, giá tùy từng model…

(Còn nữa)

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên