05/05/2020 15:44 GMT+7

Dùng Netflix, Apple TV, We TV… người dùng phải lường trước những rủi ro

T. HÀ - ĐỨC KHIÊM
T. HÀ - ĐỨC KHIÊM

TTO - Theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới chưa được cấp phép cung cấp tại VN, nội dung trên các dịch vụ chưa tuân thủ quy định biên tập theo quy định pháp luật.

Dùng Netflix, Apple TV, We TV… người dùng phải lường trước những rủi ro - Ảnh 1.

Người dùng cảnh báo nhau về tình trạng lừa đảo khi mua tài khoản sử dụng các ứng dụng OTT trên mạng - Ảnh: ĐỨC KHIÊM

Hàng loạt ứng dụng dịch vụ truyền hình trên mạng Internet (OTT TV) đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam như We TV, iQiYi, iFlix, Netflix, Apple TV+... nhưng người dùng phải lường trước những rủi ro khi sử dụng các dịch vụ OTT TV này.

Theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và truyền thông), thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam hiện nay có 34 doanh nghiệp chính thức cung cấp dịch vụ, trong đó có 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV, ví dụ như: dịch vụ Onme (Tập đoàn Viettel), VTVCab ON (Công ty VTVcab), FPT Play (Công ty FPT), MyTVNet (Tập đoàn VNPT)...

Dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp trong nước đã, đang cung cấp các nội dung thông tin, giải trí đa dạng phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí của người dân. Nội dung trên các dịch vụ trong nước cũng tuân thủ các quy định pháp luật về biên tập đảm bảo phù hợp với truyền thống, lịch sử, văn hóa.

Ngoài ra, theo Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, dịch vụ OTT TV nói riêng và dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam nói chung được cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước, gói nội dung, đảm bảo chất lượng kỹ thuật theo quy định.

Xuất hiện thông tin xuyên tạc, nội dung khiêu dâm, bạo lực

Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Internet băng rộng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng dịch bệnh COVID-19 đã làm tăng đột biến nhu cầu thưởng thức thông tin, giải trí trên các dịch vụ OTT TV của người dân.

Chính vì vậy, một số dịch vụ OTT TV cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh, trong số đó có một số dịch vụ như: We TV, iQiYi, iFlix, Netflix, Apple TV+...

Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cho rằng hiện nay, dịch vụ OTT TV của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới chưa được cấp phép cung cấp tại Việt Nam, nội dung trên các dịch vụ chưa tuân thủ quy định biên tập theo quy định pháp luật hiện hành.

Vì vậy, trên một số dịch vụ loại này xuất hiện những thông tin xuyên tạc lịch sử, nội dung gợi dục, khiêu dâm, bạo lực và một số từ ngữ được chuyển ngữ phụ đề tiếng Việt không phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt Nam. Ngoài ra, chất lượng kỹ thuật dịch vụ cũng chưa được kiểm tra, kiểm soát theo quy định.

"Đa số dịch vụ OTT TV xuyên biên giới thực hiện phương thức thanh toán cước thuê bao bằng chuyển khoản điện tử, người sử dụng trả tiền trước. Vì vậy, khi gặp vấn đề về chất lượng kỹ thuật, nội dung không phù hợp... người sử dụng sẽ không được bảo đảm quyền lợi chính đáng khi sử dụng dịch vụ", cục này nhấn mạnh.

Cục cũng khuyến nghị người dân sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước, lường trước các rủi ro khi sử dụng các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài.

Nhiều người bị lừa đảo khi mua tài khoản Netflix

Thời gian qua, rất nhiều người dùng đã bị lừa khi mua tài khoản xem phim Netflix giá rẻ trên mạng xã hội. Một tài khoản tên T. của Hội những người thích xem phim trên Netflix trên Facebok bức xúc "dịch dã bóp mồm bóp miệng mua tài khoản Netflix về cày phim còn bị lừa", sau khi bị lừa mua tài khoản ảo, đồng thời nêu cảnh báo tới các thành viên trong nhóm.

Cũng trên nhóm này, một thành viên khác tên V. cho biết sau khi mua tài khoản Netflix hôm 4-4-2020 gói 3 tháng 160.000 nhưng sau khi xem xong tài khoản cứ… tự logout và phải đăng nhập lại. Được một hai lần, đến ngày 8-4 thì tắt ngúm, khi đăng nhập chỉ hiện ra thông báo sai tài khoản.

Không chỉ V., T., trên nhóm Hội những người thích xem phim trên Netflix và trên mạng xã hội Facebook hàng trăm người dùng đang chia sẻ bị lừa khi mua tài khoản xem phim Netflix. Do tránh dịch COVID-19 và thực hiện chính sách giãn cách xã hội, nên phần lớn mọi người đều ở nhà làm việc và giải trí, trong đó đặc biệt là nhu cầu xem phim trên Netflix là rất lớn.

Dùng Netflix, Apple TV, We TV… người dùng phải lường trước những rủi ro - Ảnh 2.

Nhiều người dùng đã trở thành nạn nhân bị lừa đảo khi mua các loại tài khoản Netflix giá rẻ trôi nổi trên mạng - Ảnh: ĐỨC KHIÊM

Tuy nhiên, hầu hết người dùng mới chỉ quan tâm đến việc mua được tài khoản, chứ chưa tìm hiểu cụ thể về quy trình hoạt động của Netflix, không biết tài khoán đó có thể nhồi nhét tới 10 người hoặc hơn một lúc, hoặc là scammer (người lừa đảo) của nước ngoài và chỉ dùng thử một hai tuần là không xem được nữa.

Chuyên gia an ninh mạng Nguyễn Minh Đức cho biết thời gian gần đây giao dịch trực tuyến gia tăng, gồm từ mua sắm đến các loại hình giải trí, xem phim, nghe nhạc… đi kèm nhu cầu gia tăng này là tấn công lừa đảo nhắm vào người chưa quen trong giao dịch hình thức này. Lừa đảo qua Netflix cũng là một trong những tấn công cụ thể dựa trên nhu cầu xem phim của người dùng.

"Trước đây đã có rồi, tuy nhiên bây giờ nhu cầu tăng cao, muốn giá rẻ thì người ta bị những rủi ro là mất tiền, lừa đảo", ông Đức cho biết.

Người Hàn đòi tẩy chay Netflix vì thoại phim Người Hàn đòi tẩy chay Netflix vì thoại phim 'Tinh trùng của tôi có vị như kim chi'

TTO - Sau khi Netflix tung trailer chính thức phim Sex Education mùa hai, khán giả Hàn Quốc đã vô cùng bức xúc với một câu thoại nhạy cảm, có ý xúc phạm món kim chi truyền thống của đất nước này.

T. HÀ - ĐỨC KHIÊM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên