13/08/2020 00:36 GMT+7

Dùng từ 401 kWh điện phải trả thêm tiền, từ 701 kWh trả càng nhiều hơn

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Người dùng điện trong khoảng từ 201-300 kWh/tháng và từ 401 kWh/tháng trở lên phải trả thêm 4.000 - 99.000 đồng/tháng nếu chọn phương án 1, còn nếu chọn phương án 2 thì người dùng từ 701 kWh/tháng trở lên càng phải trả tiền điện nhiều hơn.

Dùng từ 401 kWh điện phải trả thêm tiền, từ 701 kWh trả càng nhiều hơn - Ảnh 1.

Công nhân đo đếm số điện ở Mê Linh, Hà Nội - Ảnh: MK

Thông tin được Bộ Công thương đưa ra trong văn bản lấy ý kiến về dự thảo quyết định của Thủ tướng về các phương án sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Mặc dù trong dự thảo chính thức đưa ra phương án đề xuất, xin ý kiến là 5 bậc và một giá, nhưng trong văn bản lấy ý kiến góp ý mới, Bộ lại giải trình nhiều phương án sửa đổi biểu giá điện sinh hoạt (từ 1 bậc đến 5 bậc).

Bộ Công thương cho rằng nguyên tắc để xây dựng biểu giá bán lẻ điện là để đảm bảo giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các khách hàng nghèo, chính sách xã hội không thay đổi, sử dụng tiết kiệm điện...

Phân tích cụ thể từng phương án đề xuất đưa ra trong dự thảo, Bộ Công thương cho hay, đối với phương án 1 thì tiền điện của khoảng 20,1 triệu khách hàng sinh hoạt có mức sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng và mức từ 301 - 400 kWh/tháng được giữ nguyên hoặc giảm đến 12.000 đồng/khách hàng/tháng.

Tuy nhiên, khách hàng có mức sử dụng điện trong khoảng từ 201 - 300 kWh/tháng (3,6 triệu khách hàng) cùng các khách hàng có mức sử dụng điện từ 401 kWh/tháng trở lên (khoảng 1,71 triệu khách hàng) phải trả tăng thêm khoảng từ 4.000 - 99.000 đồng/khách hàng/tháng.

Mục đích, theo Bộ Công thương, là để đảm bảo giá bán lẻ điện sinh hoạt bình quân không đổi và giá điện của các nhóm khách hàng khác được giữ nguyên hoặc giảm.

Đối với phương án 2, Bộ Công thương đưa ra 2 kịch bản sửa đổi biểu giá để lấy ý kiến với nguyên tắc: giá điện sinh hoạt bình quân không thay đổi và giữ nguyên giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như phương án 1, để không tác động đến các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.

Với 2 kịch bản một giá, sẽ bao gồm biểu giá 2A bằng 145% mức giá bán điện bình quân (tương đương mức giá 2.703 đồng/kWh) và biểu giá 2B bằng 155% mức giá bán điện bình quân (tương đương mức giá 2.890 đồng/kWh).

Bộ Công thương đánh giá ưu điểm của kịch bản 2A là bảo vệ người có thu nhập thấp, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, không làm tăng tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho người nghèo, hộ chính sách xã hội… 4 bậc giá đầu tiên không thay đổi so với phương án 5 bậc nêu trên.

Tuy nhiên, với biểu 5 bậc thang thì nhược điểm là khách hàng có sản lượng tiêu thụ từ 701 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn do mức giá bậc 5 bằng 274% giá bán điện bình quân (tương đương 5.109 đồng/kWh). Theo Bộ Công thương, đây là mức cao hơn nhiều so với phương án 1 cho bậc cao nhất là 3.123 đồng/kWh.

Đối với kịch bản 2B, Bộ Công thương chỉ ra nhược điểm là các khách hàng sử dụng điện theo giá bậc thang có sản lượng tiêu thụ từ 701 kWh/tháng trở lên sẽ phải trả tiền điện nhiều hơn do mức giá bậc 5 bằng 185% mức giá bán điện bình quân, tức là tương đương mức giá 3.455 đồng/kWh, cao hơn so với phương án 1.

Tính giá điện từ biểu giá bán lẻ mới thế nào để tránh thiệt đơn thiệt kép? Tính giá điện từ biểu giá bán lẻ mới thế nào để tránh thiệt đơn thiệt kép?

TTO - Bộ Công thương chính thức đưa ra đề xuất về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện với hai phương án, vậy người dân nên chọn phương án nào để tránh 'thiệt đơn thiệt kép'?

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên