11/06/2021 09:57 GMT+7

Elon Musk và Jeff Bezos cạnh tranh khốc liệt cuộc đua không gian

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Elon Musk và Jeff Bezos, hai trong số những người giàu nhất hành tinh, đang cạnh tranh khốc liệt trong cuộc đua không gian. Cuộc chơi được dự báo hấp dẫn khi cả hai đều nhiều tiền và quyền thế như nhau.

Elon Musk và Jeff Bezos cạnh tranh khốc liệt cuộc đua không gian - Ảnh 1.

Tỉ phú Bezos (trái) và tỉ phú Musk đối đầu nhau vì có chung nhiều tham vọng không gian, từ việc du hành vũ trụ giá rẻ đến phủ sóng Internet toàn cầu bằng vệ tinh - Ảnh: Reuters/Business Insider

Bezos, vị tỉ phú giàu nhất thế giới, hôm 7-6 tuyên bố sẽ cùng em trai bay vào không gian bằng tàu vũ trụ New Shepard do Công ty Blue Origin của ông chế tạo. Chuyến bay dự kiến ngày 20-7 sẽ đưa Bezos dẫn trước "kình địch" Musk, người sở hữu Công ty SpaceX nổi tiếng hơn nhưng chưa bao giờ du hành vũ trụ.

Đối đầu vì giống nhau

Giống như ông Musk, tỉ phú Bezos của Amazon đã khát khao du hành vũ trụ trong suốt hàng chục năm qua. Theo báo South China Morning Post, ông Bezos bị ám ảnh bởi giấc mơ của nhà vật lý Gerard O’Neill - người tin rằng nhân loại có thể thiết lập các trạm không gian đủ sức chứa hàng tỉ người trong tương lai. Sau cuộc trò chuyện với một người bạn - tiểu thuyết gia Neal Stephenson, Bezos thành lập Công ty Blue Origin năm 2000.

Hai năm sau đó, Musk thành lập Công ty SpaceX sau khi không mua được tên lửa đẩy giá rẻ từ Nga. Doanh nhân gốc Nam Phi khi đó chưa nằm trong danh sách các tỉ phú thế giới nhưng đã mơ về "Ốc đảo sao Hỏa", một dự án xây dựng nhà kính cho con người và cây cối sinh sống trên hành tinh đỏ.

Trong một chia sẻ năm 2020, Musk thừa nhận vẫn còn bị ám ảnh bởi giấc mơ đó và sẽ hoàn thành ước mơ xây thành phố 1 triệu dân trên sao Hỏa trước năm 2050.

Cả SpaceX và Blue Origin đều hướng tới mục tiêu: giảm chi phí khám phá không gian bằng tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ ở chỗ ông Musk biết cách biến đam mê thành cơ hội kiếm tiền, trong khi ông Bezos lấy tiền từ hoạt động kinh doanh khác để nuôi đam mê.

Trong khi SpaceX rầm rộ với các dự án tên lửa đẩy Falcon, Blue Origin hoạt động lặng lẽ đến khoảng năm 2003 và chỉ nổi lên năm 2015 khi bắt đầu thử nghiệm tàu vũ trụ New Shepard.

Sau 19 năm thành lập, SpaceX đã "trưởng thành" với doanh thu ổn định mỗi năm khoảng 2 tỉ USD từ các hợp đồng với chính phủ và tư nhân, theo báo Guardian.

Năm 2012, SpaceX trở thành công ty tư nhân đầu tiên phóng tàu vũ trụ chở hàng lên Trạm không gian quốc tế (ISS). Năm 2020 trở thành dấu mốc quan trọng khi SpaceX giúp Mỹ chấm dứt sự phụ thuộc vào Nga trong các chuyến bay có người lái lên ISS.

Trong cùng năm đó, SpaceX giành được hợp đồng 10 tỉ USD để chế tạo tàu vũ trụ phục vụ dự án có tên Chương trình Artemis nhằm đưa người Mỹ trở lại Mặt trăng năm 2024.

"Elon Musk sợ gì cạnh tranh nhỏ?"

Đó là tuyên bố đáp trả của Blue Origin, sau khi Musk cảnh báo Quốc hội Mỹ việc trao hợp đồng phát triển phi thuyền Mặt trăng cho công ty của tỉ phú Bezos đồng nghĩa với việc trao quyền lãnh đạo không gian cho Trung Quốc.

Theo báo Washington Post, Blue Origin quyết không để SpaceX độc chiếm các hợp đồng trong chương trình Artemis và đã đệ đơn kiện lên một ủy ban của Chính phủ Mỹ vào tháng 4-2021.

Công ty của tỉ phú Bezos cũng vận động hành lang mạnh mẽ, lập luận với các nhà lập pháp rằng để bảo đảm an toàn của phi hành gia và lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ, việc chế tạo tàu đổ bộ Mặt trăng nên được giao cho ít nhất 2 doanh nghiệp.

Thượng nghị sĩ Maria Cantwell - chủ tịch Ủy ban Thương mại, khoa học và vận tải của Thượng viện Mỹ - đã bị thuyết phục. Bà bổ sung một điều khoản vào dự luật cạnh tranh và đổi mới nước Mỹ (USICA), yêu cầu Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) tìm kiếm công ty thứ hai để phát triển tàu vũ trụ cho Chương trình Artemis.

Dự luật này đã được Thượng viện Mỹ thông qua hôm 9-6 và sẽ sớm được Tổng thống Joe Biden ký ban hành. Blue Origin gần như chắc chắn là công ty được hưởng lợi nếu luật chính thức có hiệu lực.

Washington Post nhận định những gì xảy ra với USICA cho thấy tỉ phú Bezos có ảnh hưởng ngày càng lớn với Quốc hội Mỹ và có thể tận dụng điều đó để "đi tắt" hòng bắt kịp SpaceX.

Blue Origin đã chi gần 2 triệu USD để vận động hành lang năm ngoái, tăng từ hơn 400.000 USD của năm 2015, theo chuyên trang OpenSecrets.org. Công ty của tỉ phú Bezos cũng tăng cường quyên góp cho các chính trị gia, tăng từ 22.000 USD năm 2016 lên 320.000 USD trong năm 2020.

New Shepard có khoang lái đủ chỗ cho 6 người lớn và được phóng lên bằng một tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Blue Origin sẽ tổ chức đấu giá trực tuyến một suất trên New Shepard vào ngày 13-6. Việc tỉ phú Bezos đi chuyến bay ngày 20-7 được xem là cách chứng minh sự an toàn của New Shepard bởi đây là chuyến bay vào không gian có người lái đầu tiên của Blue Origin.

Richard Branson, tỉ phú người Anh, cũng góp phần làm nóng cuộc đua không gian của các tỉ phú Mỹ. Đã có thông tin ông chủ Công ty Virgin Galactic sẽ bay vào không gian ngày 4-7. Các thông tin này hiện chưa được Virgin Galactic xác nhận. Tàu vũ trụ của tỉ phú Branson được phóng vào không gian bằng tàu mẹ VMS Eve, thay vì tên lửa đẩy từ mặt đất như hai đối thủ Mỹ.

Tỉ phú Mỹ Jeff Bezos tuyên bố sẽ bay vào vũ trụ Tỉ phú Mỹ Jeff Bezos tuyên bố sẽ bay vào vũ trụ

TTO - 'Từ lúc tôi 5 tuổi, tôi đã mơ ước được du hành vũ trụ. Vào ngày 20-7, tôi sẽ tham gia chuyến hành trình đó cùng em trai của tôi' - tỉ phú Jeff Bezos, một trong những người giàu nhất thế giới, thông báo trên Instagram.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên