16/12/2020 05:24 GMT+7

EU tung 2 dự luật 'bom tấn', Facebook, Google hết thời làm mưa gió?

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Với dự luật dịch vụ số (DSA) và dự luật thị trường số (DMA) của EU, Facebook, Google có thể bị phạt khoản tiền khổng lồ, thậm chí bị buộc chia nhỏ công ty nếu sai phạm.

EU tung 2 dự luật bom tấn, Facebook, Google hết thời làm mưa gió? - Ảnh 1.

Một người biểu tình bên ngoài nhà riêng của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, ở San Francisco ngày 21-11-2020 - Ảnh: AP

Trong thập niên qua, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đi đầu thế giới trong nỗ lực buộc các hãng công nghệ lớn phải tuân thủ 'luật chơi' của họ thông qua các hành lang pháp lý phù hợp và sát thực tiễn.

Chúng ta cần cập nhật lại bộ công cụ (pháp lý - PV) của mình và đảm bảo rằng mọi nguyên tắc cùng điều luật của ta được tôn trọng ở mọi nơi, online cũng như offline.

Bà MARGRETHE VESTAGER và ông THIERRY BRETON, hai ủy viên EU chịu trách nhiệm thúc đẩy các dự luật mới, chia sẻ trong bài bình luận đăng trên tờ The Irish Times ngày 13-12

Từ năm 2004 EU đã có luật quản lý các dịch vụ số, nhưng đó là thời điểm chưa ai biết tới những ông lớn Internet như Facebook, Google. Hai dự án Luật dịch vụ số (Digital Services Act - DSA) và Luật thị trường số (Digital Markets Act - DMA) do Ủy ban châu Âu đề xuất ngày 15-12 là động thái bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý với các ông lớn công nghệ được cho là nghiêm ngặt và tham vọng nhất tới nay.

Từ phạt tiền đến cấm hoạt động

Dự luật mới không chỉ đặt ra những mức phạt khổng lồ, mà trong một số trường hợp nghiêm khắc nhất còn có thể ra phán quyết buộc chia nhỏ những tập đoàn lớn nếu phát hiện sai phạm.

Với hai dự luật được công bố ngày 15-12, Ủy ban châu Âu vạch ra khung pháp lý buộc các ông lớn Internet phải tuân thủ nếu muốn hoạt động tại 27 quốc gia thành viên EU. Các quan chức EU cho rằng luật mới sẽ "cải tổ" thị trường số, trong đó có cả cách thức vận hành của các gã khổng lồ công nghệ.

EU tung 2 dự luật bom tấn, Facebook, Google hết thời làm mưa gió? - Ảnh 3.

Google và Facebook bị tố mua lại các công ty để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh ngay từ trong trứng nước - Ảnh minh họa: Telegraph

Cho tới chiều 15-12 giờ Việt Nam, những điều khoản chi tiết của dự luật vẫn được bảo mật kỹ càng, tuy nhiên một số nội dung cốt lõi bao trùm của dự luật đã được chia sẻ với truyền thông. Theo đó, các dự luật sửa đổi lớn nhất trong 20 năm qua của EU sẽ tập trung vào vấn đề quản lý cạnh tranh và buộc các công ty Internet chịu trách nhiệm nhiều hơn với nội dung xuất hiện trên nền tảng của họ.

Chẳng hạn nguồn tin từ EU tiết lộ với Hãng tin AFP rằng các hãng công nghệ có thể đối mặt mức phạt lớn tới 10% doanh thu nếu vi phạm một số luật cạnh tranh nghiêm khắc nhất. Chưa kể trong trường hợp có những vi phạm nghiêm trọng, lặp lại nhiều lần và đe dọa sự an toàn của công dân EU, họ cũng có thể bị cấm hoạt động tại khối này.

Hai dự luật của EU được cho là có thể thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của các ông lớn công nghệ tại châu Âu, bởi những điều khoản của nó hướng tới việc giải quyết hiệu quả nạn tung tin giả và phát ngôn thù địch trên mạng, cũng như ngăn cản các ông lớn bành trướng tới mức độc chiếm thị trường, tiêu diệt cạnh tranh lành mạnh.

DSA được ca ngợi như một khung chế tài cần thiết giúp EU có thể mạnh tay trừng phạt các mạng xã hội khi họ cho phép những nội dung phi pháp tồn tại trên nền tảng của mình.

Cũng như thế, với DMA, EU muốn trao thêm quyền lực mới cho nhà chức trách trong việc thực thi nhanh hơn nữa các luật chống cạnh tranh không lành mạnh, buộc các hãng công nghệ phải minh bạch trong các thuật toán và sử dụng dữ liệu người dùng.

Theo ông Thierry Breton - ủy viên phụ trách vấn đề công nghiệp của EU, theo dự luật mới, các hãng công nghệ phải thông báo với EU trước khi tiến hành bất cứ thương vụ sáp nhập hay thâu tóm nào.

Giới lãnh đạo của cả châu Âu lẫn Mỹ lo ngại các ông lớn công nghệ lợi dụng chiêu thức mua lại các công ty để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh ngay từ trong trứng nước. Những ví dụ nhãn tiền về việc này vẫn còn đó như thương vụ Facebook thâu tóm Instagram và WhatsApp, hay Google mua lại YouTube và Waze.

Dán nhãn "người gác cổng"

Dự luật DMA nhắm tới các công ty được gắn nhãn "người gác cổng", tức những nền tảng có quyền kiểm soát sự phân phối trong thị trường của họ. Những nền tảng này, theo Hãng tin Bloomberg, sẽ bị cấm lợi dụng vị thế lấn át thị trường để đưa ra các cách thức hoạt động có lợi cho sản phẩm và dịch vụ của họ.

Anh cũng chế tài mạnh

Theo Hãng tin Reuters, ngày 15-12, Chính phủ Anh (đã rời EU) đã đệ trình dự luật phạt các công ty như Facebook, Twitter, TikTok… khoản phạt lên tới 10% thu nhập theo năm của họ nếu không loại bỏ và hạn chế sự phát tán các nội dung phi pháp theo quy định của luật pháp Anh trên các nền tảng này. Dự luật của Anh nhấn mạnh các nền tảng công nghệ cũng cần có thêm nhiều biện pháp hơn nữa để bảo vệ trẻ em khỏi nạn bắt nạt và nội dung khiêu dâm trên mạng Internet.

Theo dự luật của EU, các hãng công nghệ lớn nhất, khoảng 10 hãng (trong đó có Google, Facebook, Apple, Amazon và Microsoft) bị gắn nhãn "những người gác cổng" (gatekeeper), sẽ buộc phải tuân thủ các quy định cụ thể vốn được đặt ra để hạn chế quyền lực của họ trên thị trường.

EU sẽ định nghĩa các nền tảng "người gác cổng" dựa trên sự kết hợp của nhiều tiêu chí khác nhau như doanh thu, số người dùng, ảnh hưởng của công ty với thị trường chung châu Âu và mức độ có thể cạnh tranh của công ty đó với các đối thủ cùng thị phần.

Nguồn tin của Bloomberg cho biết EU sẽ thường xuyên đánh giá xem công ty nào nên bị gắn nhãn "người gác cổng", hoặc đâu là những "người gác cổng" mới nổi. EU cho rằng những "người gác cổng" này đã "đặt ra luật chơi cho người dùng và các đối thủ cạnh tranh của họ".

Các dự luật của EU nhằm siết chặt quản lý hơn hoạt động của các công ty Internet được đề xuất vào thời điểm các nhà quản lý trên toàn thế giới đều muốn "siết vòng kim cô" với các ông lớn công nghệ khi thấy rõ những quan ngại từ việc họ đang trở nên quá lớn, quá mạnh và quá nhiều lợi nhuận.

Chẳng hạn tại Mỹ, Facebook đang đối mặt với nguy cơ có thể bị chia nhỏ doanh nghiệp sau khi bị các quan chức chống độc quyền khởi kiện công ty này và một liên minh các bang yêu cầu đảo ngược lại thương vụ thâu tóm Instagram và WhatsApp của họ.

EU tung 2 dự luật bom tấn, Facebook, Google hết thời làm mưa gió? - Ảnh 5.

Ông chủ Facebook Mark Zuckerberg đang chịu áp lực lớn sau khi 48 tổng chưởng lý ở Mỹ đâm đơn kiện hãng công nghệ này - Ảnh: CNBC

Giới công nghệ phản đối

Không ngạc nhiên khi các hãng công nghệ lên tiếng phản đối mạnh mẽ hai dự luật DSA, DMA của EU. Họ cho rằng những quy định này sẽ cản trở họ không thể triển khai các dịch vụ mới cũng như gây khó cho họ trong việc cạnh tranh với các đối thủ đã có vị thế trong những thị trường mới.

"Tùy thuộc vào cách thức những quy định này được soạn thảo, chúng có thể gây cản trở cho chúng tôi trong khả năng tiếp tục cung cấp những sản phẩm và dịch vụ vốn được nhiều doanh nghiệp nhỏ và khách hàng đang sử dụng" - Hãng tin Bloomberg dẫn ý kiến của ông Matt Brittin, giám đốc phụ trách kinh doanh và hoạt động tại khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của Google.

Ông Brittin cũng nhắc tới một loạt sản phẩm khác nhau có thể bị đe dọa không thể triển khai theo dự luật mới nếu Google không thể kết hợp dữ liệu trên toàn bộ các dịch vụ của họ. 

Chẳng hạn một trong số đó là dự án kết hợp thông tin từ ứng dụng Maps của Google và các sản phẩm Google My Business trong công cụ tìm kiếm của họ. Công cụ này đã giúp các khách hàng kết nối với doanh nghiệp trong suốt đại dịch COVID-19 để được thông tin về thời gian mở cửa, thương mại điện tử và khả năng giao hàng...

Các hãng công nghệ từng bày tỏ lo ngại khi EU cập nhật luật mới có thể sẽ gỡ bỏ "tấm khiên" pháp lý vốn lâu nay giúp họ không phải chịu trách nhiệm về những nội dung người dùng đăng lên. Tuy nhiên, theo dự thảo luật mà Bloomberg được tiếp cận, EU nói sẽ không bỏ hoàn toàn việc bảo vệ này.

Dù vậy, gần như chắc chắn EU có những điều khoản buộc các công ty Internet phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong việc hạn chế tin giả và nội dung thù địch, phi pháp.

Quá trình phê chuẩn phức tạp

Hai dự luật do Ủy ban châu Âu đề xuất sẽ còn phải trải qua một quá trình phê chuẩn dài và phức tạp. Trong suốt quá trình đó, các nước thành viên EU, Nghị viện châu Âu, hiệp hội thương mại và các tổ chức vận động hành lang cho các hãng công nghệ chắc chắn còn có những tác động tới các điều khoản của bộ luật cuối cùng được phê chuẩn chính thức.

Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện các quy định

Cơ quan chức năng Việt Nam đang lấy ý kiến đóng góp, xây dựng các dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định đã có liên quan đến việc quản lý, hoạt động của các dịch vụ xuyên biên giới tại Việt Nam bao gồm: nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; nghị định số 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quảng cáo; nghị định số 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh truyền hình...

Ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, cho biết quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không cấm dịch vụ xuyên biên giới, nhưng nếu nội dung cung cấp trên dịch vụ này xâm hại đến lợi ích quốc gia, vi phạm pháp luật Việt Nam thì sẽ kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Hiện tại, thông qua mạng Internet, rất nhiều dịch vụ xuyên biên giới của các doanh nghiệp nước ngoài đang trực tiếp cung cấp dịch vụ nội dung vào Việt Nam, cho người dùng Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đang tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam, nộp thuế, phí đầy đủ thì phần lớn các doanh nghiệp nước ngoài lại không chịu sự quản lý của pháp luật Việt Nam, không nộp thuế, phí theo quy định. Điều này đang vô hình trung tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp ngoại với các doanh nghiệp trong nước thuộc lĩnh vực có liên quan.

Bên cạnh đó, nhiều dịch vụ xuyên biên giới như: Facebook, YouTube, Netflix... có mức độ ảnh hưởng ngày càng lớn với người dùng Internet Việt Nam nhưng lại để xuất hiện nhiều nội dung vi phạm pháp luật, vi phạm thuần phong mỹ tục, xuyên tạc chủ quyền, lịch sử, khiêu dâm, bạo lực... tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa, xã hội trong nước.

ĐỨC THIỆN

40 bang Mỹ cùng ký đơn kiện Facebook 40 bang Mỹ cùng ký đơn kiện Facebook

TTO - Mạng xã hội lớn nhất thế giới những năm gần đây thay vì để mọi người nhớ đến với tư cách một công ty công nghệ lớn có nhiều sáng kiến đột phá thì lại trở thành tâm điểm của nhiều vụ bê bối, kiện tụng.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên