21/01/2022 09:13 GMT+7

Gen Z, gia đình và mạng xã hội: Cũng tốt mà, miễn đừng 'sống ảo' quá

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - "Xa mà gần", đó là cách mà nhiều gia đình có người thân sinh sống xa nhà vẫn gọi đùa với nhau bởi từ ngày có mạng xã hội, mọi khoảng cách như gần lại. Chỉ với chiếc smartphone, một chạm thì mọi người đã có thể kết nối, quan tâm nhau.

Gen Z, gia đình và mạng xã hội: Cũng tốt mà, miễn đừng sống ảo quá - Ảnh 1.

Chỉ với chiếc điện thoại thông minh, Internet là mọi người đã có thể kết nối với nhau dù ở cách xa hàng triệu cây số - Ảnh: C.T.

Sự ra đời, bùng phát mạnh mẽ của công nghệ, đặc biệt là mạng xã hội (MXH) góp phần thay đổi ít nhiều thói quen của mọi người.

Để cha mẹ biết mình hạnh phúc

Một thành phố ở miền nam tỉnh Fukuoka (Nhật Bản) là nơi bạn Lê Vương, 26 tuổi, chọn để học tập, rồi ở lại làm việc trong suốt 7 năm qua. Vì điều kiện, chi phí đi lại, rồi khoảng cách... khiến chàng trai quê Quảng Trị này chỉ về thăm quê được 2 trên 7 mùa tết đã qua, lần gần nhất cũng cách đây 3 năm trước.

Làm sao không buồn cho được khi đã xa nhà ngót nghét hơn 2.555 ngày, nhưng rồi Vương nói rằng may nhờ có MXH, Vương cập nhật mọi hoạt động của bản thân, từ chuyện đi học, thi cử, tốt nghiệp đến những chuyến dã ngoại cùng bạn bè, đồng nghiệp... Những lúc nhớ nhà, Vương đăng lại tấm ảnh chụp cả gia đình mình hồi về tết với dòng trạng thái cảm xúc, "gắn thẻ" cha mẹ, từ đó cũng tiếp thêm động lực giúp bản thân thêm mạnh mẽ.

Việc chính, việc phụ quấn lấy, thế nhưng Vương vẫn cố gắng thu xếp thời gian để có thể online nhiều nhất có thể. Vương kể, có lần vì cần tập trung để làm khóa luận tốt nghiệp, hơn 15 ngày không có hoạt động nào trên MXH, đến khi mở máy thì giật mình vì cha mẹ, người thân hoảng hốt tưởng có chuyện. Từ đó, Vương "dặn lòng" sẽ cập nhật cuộc sống thường xuyên hơn trên trang cá nhân. 

"Mình bên này cũng mong được nhìn thấy bố mẹ ở nhà vui khỏe. Đôi khi gọi điện lại không kể hết được, nên việc cập nhật cuộc sống lên MXH, đăng ảnh nhiều mới là "xa mà gần", đăng để bố mẹ biết mình vẫn đang hạnh phúc", Vương tâm sự.

Nếu ở trang mạng này để trao đổi chuyện học hành, công việc thì ở trang mạng khác, bạn Thu Hồng (19 tuổi) tạo ra chỉ để dành riêng cho gia đình, người thân. Ở đó đầy ắp những hình ảnh yêu thương của Hồng chụp cùng gia đình, bạn bè. Hồng quan niệm MXH là nơi "tối ưu nhất" giúp lưu giữ hình ảnh, kỷ niệm của bản thân. "Mình đăng ảnh lên đó thì chục năm sau vẫn còn, mọi người nếu có liên kết của mình đều có thể xem, chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, điều đó là rất tốt", Hồng chia sẻ.

Không "quá lố"

"Bài nào nhiều "like" thì vui, ít "like" thì buồn, ẩn nó đi để không ai nhìn được nữa" - Ánh Kiều, cô sinh viên năm cuối tại TP.HCM, bộc bạch về thói quen dùng MXH. 

Kiều là cô gái năng động, đặc biệt ở trên mạng. Hiện mỗi ngày Kiều dành ra hơn 10 giờ đồng hồ chỉ để lướt mạng. Đặc biệt là từ khi có dịch COVID-19, nhà trường chuyển sang học trực tuyến thì đôi khi số giờ mà Kiều dành cho MXH còn nhiều hơn trước rất nhiều. Trên trang cá nhân của Kiều, mọi buồn vui đều được thể hiện với tần suất đăng tin dày đặc. 

Không lạ khi nhiều bạn trẻ hiện nay cũng như Kiều - dùng MXH nhưng "chặn" luôn cha mẹ, gia đình và người thân. Ở đó chỉ còn lại bạn bè, những người bạn này rất thân nhau nhưng đôi khi lại chưa từng gặp nhau ngoài đời thực.

Với Kiều, cảm xúc vui buồn của ngày hôm đó tùy thuộc vào độ quan tâm, yêu thích từ cộng đồng mạng với những bài viết của mình. Cách để Kiều giảm stress cũng nhờ MXH, đó là khi được tán gẫu, "chát chít" với "bạn mạng". "Trên mạng thì mọi người thoải mái thể hiện mình hơn, từ đó dễ kết nối với nhau hơn chứ ở ngoài gặp nhau đôi khi cũng ngại nên rất khó để kết nối", Kiều chia sẻ.

"Đếm "like" để sống". Đó dường như đã trở thành lối sống, một "trào lưu mạng" của không ít bộ phận giới trẻ hiện nay. Cũng như Kiều, cảm xúc vui buồn của Thanh Tùng (16 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) cũng phụ thuộc nhiều vào lượt yêu thích, bình luận của mọi người trên bài đăng mới. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Tùng sẵn sàng làm bất kỳ điều gì "lố lăng" để nhận được sự chia sẻ, yêu thích của mọi người trên mạng. 

"Khi được nhiều người yêu thích ảnh thì phải vui chứ, nhưng mình không phải là dạng bất chấp để đạt được điều đó. Đó cũng là sự quan tâm, động viên, chia sẻ như ngoài đời thường thôi, nhưng đừng làm lố quá là được", Tùng tâm sự.

Kênh lan tỏa

Tính đến cuối năm 2018, các nền tảng MXH phổ biến tại VN là Facebook, YouTube, Instagram, Zalo và Mocha. Đến hiện nay, MXH lớn nhất tại nước ta vẫn là Facebook với 60 triệu người sử dụng, Zalo có khoảng 40 triệu người dùng, còn Mocha có khoảng 4,5 triệu người sử dụng.

Khoảng 70% người dân trong tổng dân số VN (khoảng 97 triệu người vào năm 2021) đang dùng Internet. Đặc biệt, có tới hơn 65 triệu người Việt đang hoạt động trên MXH.

Không thể phủ nhận những điều tích cực mà MXH đang mang lại. Đặc biệt là khi sử dụng MXH để lan tỏa những câu chuyện tốt đẹp. "Việc được tiếp cận rộng rãi những điều tốt đẹp mà mọi người đang lan tỏa, chia sẻ trên MXH phần nào đó đã đánh thức thiện căn bên trong tôi và rất nhiều người", anh Trần Huỳnh Quang Triều (27 tuổi, ngụ Q.Bình Tân, TP.HCM), trưởng nhóm thiện nguyện Minh Phước, chia sẻ.

Diễn đàn: Gen Z, gia đình và mạng xã hội: Mỗi người một ý Diễn đàn: Gen Z, gia đình và mạng xã hội: Mỗi người một ý

TTO - Bạn đã dùng bao nhiêu thời gian trong ngày cho mạng xã hội? Giữa gia đình và mạng xã hội, liệu đâu mới là thứ bạn ưu tiên dành thời gian!

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Gen Z mạng xã hội