25/06/2020 11:51 GMT+7

'Giá bà ngoại bé 3 tuổi bị bạo hành đến chết biết đến Tổng đài 111'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Nhắc lại câu chuyện cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội bị chính mẹ đẻ, bố dượng bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm, cục trưởng Đặng Hoa Nam chia sẻ "giá như bà ngoại cháu bé, hàng xóm biết đến số Tổng đài 111".

Giá bà ngoại bé 3 tuổi bị bạo hành đến chết biết đến Tổng đài 111 - Ảnh 1.

Chỉ cần một cú “chạm” trên điện thoại thông minh, người sử dụng có thể báo cáo các trường hợp trẻ bị xâm hại, nhằm bảo vệ trẻ em kịp thời qua app Tổng đài 111 - Ảnh: HÀ THANH

Sáng 25-6, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Đoàn tổ chức lễ phát động cuộc thi "Tìm hiểu tổng đài 111" nhằm tạo sân chơi bổ ích, tăng cường sự hiểu biết cho trẻ em về Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111).

Đồng thời hướng tới nâng cao nhận thức của các em học sinh THCS, THPT trên toàn quốc về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại trẻ em, nâng cao nhận thức về hoạt động của Tổng đài 111.

Chia sẻ tại lễ phát động, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH - kể lại trường hợp cháu bé M. (3 tuổi) bị mẹ đẻ, bố dượng bạo hành dẫn đến cái chết thương tâm đầu tháng 4 vừa qua.

"Sau này khi báo chí đến phỏng vấn, bà ngoại nói đến thăm nhưng không gặp được cháu, người dân xung quanh cũng nói có nghe tiếng kêu khóc nhưng cứ nghĩ trẻ con khóc là bình thường. Kết quả, sau những tiếng khóc đó là cái chết của bé…

Có hai từ tôi không muốn nhắc lại là những giọt nước mắt của bà ngoại, của những người quan tâm cháu, của cư dân mạng là 'muộn màng'. Tôi nghĩ giá như bà ngoại cháu bé, hàng xóm biết đến số 111 thì chắc chắn các lực lượng sẽ vào cuộc hỗ trợ cháu bé kịp thời", ông Nam trăn trở.

Giá bà ngoại bé 3 tuổi bị bạo hành đến chết biết đến Tổng đài 111 - Ảnh 2.

Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ tại lễ phát động cuộc thi "Tìm hiểu Tổng đài 111" - Ảnh: HÀ THANH

Từ câu chuyện này, ông mong mọi người thấy được trách nhiệm trong việc tăng cường, bảo vệ trẻ em, về việc quảng bá dịch vụ đặc biệt Tổng đài 111.

Ông Đặng Hoa Nam cũng cho biết sau hơn 2 năm hoạt động (thường trực 24/7, miễn phí với người gọi), số cuộc gọi của người dân và trẻ em đến Tổng đài 111 ngày càng nhiều.

Báo cáo hoạt động của Tổng đài 111 cho biết 6 tháng đầu năm 2020, tổng đài tiếp nhận 394.458 cuộc gọi điện, trong đó có trên 14.000 ca tư vấn và 407 hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em. Độ tuổi của trẻ em được người gọi quan tâm nhiều nhất là nhóm 11-14 tuổi (chiếm 30%).

Báo cáo cũng chỉ ra số cuộc gọi liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng tăng lên so với cùng kỳ năm trước. Phụ huynh và trẻ em mong muốn được tổng đài hướng dẫn cách bảo vệ an toàn cho trẻ khi tham gia môi trường mạng, cách giải quyết khi trẻ bị xâm hại, bị bắt nạt, nói xấu, bị xúc phạm trên mạng.

Cuộc thi "Tìm hiểu tổng đài 111" dành cho đối tượng học sinh THCS, THPT trên toàn quốc, kéo dài đến hết ngày 15-7.

Các thí sinh sẽ thi trực tiếp trên app "Tổng đài 111". Theo đó, thí sinh tham gia tải ứng dụng của Tổng đài 111 trên máy tính bảng, điện thoại thông minh. Sau đó, vào phần "Đăng ký dự thi", lập tài khoản và điền đầy đủ thông tin cần thiết.

Cơ cấu giải thưởng: 1 giải nhất nhận máy tính bảng trị giá 3,5 triệu đồng; 5 giải nhì nhận máy đọc sách Kindle trị giá 2 triệu đồng; 10 giải ba nhận điện thoại thông minh trị giá 1 triệu đồng và 84 giải khuyến khích.

Từ 1-5: Tổng đài 111 hỗ trợ thông tin cho người dân gặp khó khăn do COVID-19 Từ 1-5: Tổng đài 111 hỗ trợ thông tin cho người dân gặp khó khăn do COVID-19

TTO - Từ 1-5, Bộ Lao động, thương binh và xã hội chính thức đưa tổng đài 111 vào hoạt động, tiếp nhận và giải đáp mọi thông tin về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên