12/05/2011 04:37 GMT+7

Gia công phần mềm: Dồn dập nhận đơn hàng

HOÀNG MY
HOÀNG MY

TT - Các doanh nghiệp gia công phần mềm cho biết, với đà hồi phục của thị trường toàn cầu, mức tăng trưởng năm nay có thể kỳ vọng đạt 50-60%. Tuy nhiên khó khăn là doanh nghiệp không thể nhanh chóng đáp ứng nhân lực kịp cho các dự án mới để tận dụng hết cơ hội.

Công nghiệp phần mềm VN - mười năm thăng trầmThiếu sáng tạo sẽ bị tụt hậu

lS33qQYD.jpgPhóng to
Các kỹ sư của Tập đoàn Logigear kiểm thử phần mềm cho một đối tác - Ảnh: T.A.

Với đà hồi phục hiện nay, các doanh nghiệp gia công phần mềm kỳ vọng cuối năm nay sẽ lấy lại được mức “hoàng kim” của năm 2007. Thời điểm đó ngành gia công phần mềm đạt mức tăng trưởng 40%/năm.

Khả năng phục hồi

Ông Ngô Hùng Phương, tổng giám đốc CSC Vietnam, cho hay tình hình đã được cải thiện nhiều từ năm 2010. Các doanh nghiệp năm qua đã đạt mức tăng trưởng 20-40% và hoàn toàn có thể đạt mức 50-60% trong năm nay. Đối với Công ty Global CyberSoft (GCS), ông Ngô Văn Toàn, phó tổng giám đốc, cũng cho biết thị trường gia công phần mềm thế giới hồi phục mạnh mẽ từ giữa năm 2010, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ và Nhật. Do vậy, để đón đầu, ngay từ đầu năm GCS đã tuyển dụng hàng trăm kỹ sư cho các dự án mới.

Theo ông Nguyễn Hữu Lệ, chủ tịch TMA Solutions, hiện hằng tuần TMA đều tiếp xúc với các đối tác nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác. Đặc biệt, ngoài các đối tác mới vào khảo sát thị trường, nhiều đối tác cũ đã quay lại chào dự án mới. “Thông thường 2/10 cuộc tiếp xúc đi đến ký kết dự án xem như thành công, nhưng tỉ lệ đạt được 5/10 hiện nay là rất khả quan cho kế hoạch phát triển giai đoạn tới”, ông Lệ phấn khởi. Trung bình một dự án ban đầu cần 20 kỹ sư thì TMA đang cần đến 150 người cho các dự án mới đã ký được trong bốn tháng qua.

Ông Lệ cũng cho biết nhiều đối tác chào mời các dự án khá đặc thù. Như Siemens yêu cầu nhóm 10 kỹ sư có tay nghề cao cho dự án về xử lý số tín hiệu (DSP) trong ngành viễn thông. Đây là cơ hội lớn để nắm bắt công nghệ mới nhưng với đòi hỏi cao trong thời gian ngắn nên không thể đáp ứng được. Hay Alcatel-Lucent đặt hàng thiết kế phần mềm cho hệ thống tổng đài (switch) sử dụng trong môi trường đa phương tiện.

Sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn vào đội hình gia công phát triển phần mềm Việt Nam gần đây như HP, Aricent, Bosch... cũng tăng thêm sự sôi động cho ngành này. Các doanh nghiệp cho biết khách hàng tìm kiếm đối tác Việt Nam nhiều hơn nhờ các doanh nghiệp những năm gần đây đã có thể đáp ứng được nhiều loại dự án có độ phức tạp và quy mô lớn hơn. Nhiều doanh nghiệp đã thắng thầu các dự án về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), tự động hóa nhà máy (factory automation), hệ thống nhúng (embedded system)...

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch Tập đoàn Logigear, sự phục hồi nhanh hiện nay là nhờ doanh nghiệp Việt Nam đã có thể đảm nhận nhiều loại dự án, nhất là trong lĩnh vực kiểm thử phần mềm (software testing), nhiều doanh nghiệp đang kiểm thử giải pháp cho các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao như dầu khí, viễn thông, bảo hiểm...

uFdJyG9E.jpgPhóng to
Đồ họa: v.Cường - Nguồn: thống kê của Hội Tin học TP.HCM

Lo không đủ nguồn nhân lực

Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực nhưng ông Hùng cũng tỏ ra lo ngại về khả năng đáp ứng nguồn nhân lực do thị trường phục hồi nhanh. Dù doanh nghiệp lâu nay đã đầu tư rất nhiều vào nguồn nhân lực nhưng đa số dự án thực hiện được vẫn cỡ trung bình hoặc nhỏ, trong khi nếu quy mô nhân lực càng lớn càng đảm đương được dự án lớn và ít rủi ro.

Theo ông Lệ, khi thị trường suy giảm, doanh nghiệp co cụm và nỗ lực duy trì đội ngũ có kinh nghiệm; khi thị trường tăng trưởng thì việc huy động đội ngũ nhân sự lớn trong thời gian ngắn rất khó. Nhiều doanh nghiệp cùng tuyển dụng trong một thời điểm sẽ diễn ra tình trạng căng thẳng về nhân lực chung trên thị trường. Khi thực hiện dự án, khách hàng phỏng vấn từng người với yêu cầu thông thường là 70-80% nhân sự trong nhóm đó phải có kinh nghiệm tối thiểu từ ba năm, nhưng tình hình chung hiện nay chỉ có thể đáp ứng 40-50%, vì thế các dự án lớn càng dễ mất cơ hội.

Thông thường dự án bắt đầu với quy mô vài chục người, để đạt 150 kỹ sư thường mất khoảng ba năm. Hiện nay, việc nhận dự án 30 người thực hiện trong hai tháng rất khó khăn vì một nhóm đã hoạt động như một doanh nghiệp. Như vậy đối với các doanh nghiệp có nền tảng tài chính tốt và kinh nghiệm thì đào tạo không khó, nhưng khó vì đa số có quy mô nhỏ. Trong khi bản chất của ngành gia công là chịu sự biến động của thị trường và công nghệ, nên sẽ tạo áp lực lớn lên doanh nghiệp khi cân nhắc về quy mô nhân sự.

Theo ông Hùng, nếu tính chu kỳ bốn tháng để đào tạo sinh viên mới thành nhân viên làm việc có năng suất thì phải chuẩn bị bốn tháng trước đó để đầu tư cho bốn tháng kế tiếp. Để đảm bảo nhu cầu dự kiến 300 nhân sự trong năm nay, từ năm ngoái Logigear đã hợp tác với năm trường đại học đào tạo công nghệ kiểm thử và mở trung tâm mới ở miền Trung để thu hút thêm người. Đây cũng là cách đào tạo mà nhiều doanh nghiệp lớn khác đang làm.

HOÀNG MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên