29/12/2017 15:26 GMT+7

Giải mã bí mật Quốc gia khởi nghiệp Israel (4): văn hóa khởi nghiệp

THANH TRỰC
THANH TRỰC

TTO - Lời giải 'kỳ lạ' về văn hóa khởi nghiệp của hiệu trưởng Đại học Hebrew trở thành mảnh ghép cuối cho bức tranh tổng thể về Quốc gia khởi nghiệp Israel.

Giải mã bí mật Quốc gia khởi nghiệp Israel (4): văn hóa khởi nghiệp - Ảnh 1.

Tại Đại học Hebrew, sinh viên tự do nghiên cứu với các hỗ trợ từ các phòng thí nghiệm, hệ thống điện toán, thư viện... kết hợp cùng văn hóa đổi mới sáng tạo, tư duy tìm tòi giải đáp vấn đề để khởi nghiệp - Ảnh: THANH TRỰC

Những hỗ trợ bài bản và xuyên suốt từ chính phủ Israel đã giúp ích rất nhiều cho các startup, tạo sức hút nhà đầu tư, hình thành môi trường khởi nghiệp. Và một trong các yếu tố quan trọng nhất của văn hóa khởi nghiệp tại Israel là giáo dục. 

Để tìm hiểu về mảnh ghép cuối cùng trong bức tranh tổng thể này, tôi đã đến trường Đại học Hebrew danh tiếng ở Jerusalem, trong Tốp 100 trường Đại học tốt nhất thế giới.

Cuộc trao đổi rất thú vị cùng Bà Billy Shapira, hiệu trưởng ĐH Hebrew đã giúp tôi hiểu thêm nhiều về giáo dục sáng tạo và văn hóa khởi nghiệp tại Jerusalem cũng như Israel nói chung.

Sinh viên ở trường đại học hầu hết không đăng ký vào học từ 18 tuổi ngay sau phổ thông mà thường rơi vào độ tuổi từ 23-24 tuổi. Sau phổ thông, họ gia nhập quân ngũ theo nghĩa vụ quân sự (nam 3 năm, nữ 2 năm), và thường sau đó họ chưa đi học ngay, đa phần đi làm hay du lịch nhiều nơi trên thế giới, đến tầm tuổi trên mới nhập học thì đã tích lũy nhiều kiến thức lẫn trải nghiệm thực tế từ môi trường quân ngũ và cuộc sống, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa cần giải đáp. Đó là lúc tư duy đổi mới sáng tạo nảy mầm và được ươm trồng trong môi trường đại học

Bà Billy Shapira, Hiệu trưởng Đại học Hebrew

Đại học Hebrew: cái nôi của đổi mới sáng tạo

Đại học Hebrew có 6 khuôn viên (campus) với 14 trường trải rộng ở nhiều nơi tại Israel, trong đó có 3 khuôn viên ở Jerusalem gồm khu trường Y, trường nghiên cứu về Hải dương học và trường nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn (khuôn viên chính và lâu đời nhất Israel, bắt đầu xây dựng từ 1918, khai giảng từ 1925 bởi Albert Einstein cùng bốn thành viên, trước cả thời điểm lập quốc của Israel năm 1948).

Giải mã bí mật Quốc gia khởi nghiệp Israel (4): văn hóa khởi nghiệp - Ảnh 3.

Từ cửa vào, khách tham quan có thể bắt gặp ngay những tên tuổi các vị giáo sư, nhà khoa học đã đem về cho Đại học Hebrew 8 giải Nobel, 1 giải Fields (Toán học), 1 giải Turing (Khoa học máy tính) - Ảnh: THANH TRỰC

ĐH Hebrew được ví von như 'mẹ đẻ của các trường Đại học khác tại Israel' khi các trường khác vốn là một nhánh rồi tách ra. Mỗi năm trường có 23.000 sinh viên, tầm 2.000 sinh viên quốc tế, với 9.000 sinh viên tiếp tục học tiến sĩ (PhD) và Master. 

Trình độ học thuật, cấp độ bằng cấp trải rộng hơn 5.000 khóa học, và thành tựu nghiên cứu được thúc đẩy bởi 950 giảng viên, giáo sư giảng dạy, 4.000 cán bộ nhân viên.

Đi thẳng vào câu hỏi "trường đã làm gì để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo cho sinh viên?, Bà Billy Shapira cho biết, chúng tôi làm điều này bằng nhiều cách, không chỉ cho sinh viên, mà còn cho các giảng viên và cho chính chúng tôi.

Giải mã bí mật Quốc gia khởi nghiệp Israel (4): văn hóa khởi nghiệp - Ảnh 4.

Năng lượng và đam mê được truyền tải qua những câu chuyện khi trao đổi của Bà Billy Shapira, Hiệu trưởng Đại học Hebrew biểu hiện tinh thần và văn hóa giáo dục đã hình thành nên Quốc gia Khởi nghiệp Israel - Ảnh: THANH TRỰC

Đối với sinh viên, chúng tôi cung cấp các công cụ cần thiết cho sinh viên và hướng dẫn họ. Cụ thể, sinh viên trường chúng tôi luôn được khuyến khích sử dụng công nghệ để bổ trợ cho việc học của mình, và chúng tôi có một phòng thí nghiệm (labs) rất lớn, nơi tất cả các sinh viên của trường đều có thể sử dụng mà không cần phải đúng chuyên ngành mình đang học. 

Họ có thể pha trộn những ý tưởng của mình với khoa học công nghệ tại phòng labs để tạo ra những phát kiến mới.

Tiếp sức thêm cho phòng thí nghiệm là một 'nông trại máy điện toán' (computing farm) nơi các sinh viên có thể đến khai thác sức mạnh của hệ thống xử lý thông tin điện toán cấp độ rất lớn để tìm ra thông tin phục vụ nghiên cứu của mình.

(*) Computing farm: hiểu cơ bản là trung tâm xử lý điện toán, nơi các hệ thống máy chủ tiếp nhận yêu cầu và xử lý chúng

Bên cạnh đó, thư viện là nơi giúp sinh viên mở rộng kiến thức bổ trợ liên ngành. Chúng tôi quan niệm rằng tốt nghiệp đại học với tầm bằng sau 3-4 năm học chuyên ngành là chưa đủ kiến thức, mà sinh viên còn cần rất nhiều kiến thức bổ trợ liên ngành. Như sinh viên Luật cần học không chỉ về ngành Luật mà còn học tâm lý học, quá trình phát triển của Loài người... bổ trợ để cho kiến thức toàn diện.

Giải mã bí mật Quốc gia khởi nghiệp Israel (4): văn hóa khởi nghiệp - Ảnh 5.

Một sinh viên đẩy xe điệu con vào thư viện tại ĐH Hebrew - Ảnh: THANH TRỰC

Giải mã bí mật Quốc gia khởi nghiệp Israel (4): văn hóa khởi nghiệp - Ảnh 6.

Thư viện ĐH Hebrew với các khu đọc sách, máy tính, tra cứu dữ liệu... - Ảnh: THANH TRỰC

Kế đó, chúng tôi có Trung tâm Sáng tạo Đổi mới, nơi sinh viên có thể cùng ngồi đối chất với người hướng dẫn là các giáo sư để giải quyết những thắc mắc, các vấn đề họ muốn tìm hiểu. Các giáo sư sẵn sàng trả lời, hay cùng tranh luận các câu hỏi của sinh viên, và chính họ rất nhiều lần cũng gặp khó khăn với những câu hỏi từ sinh viên.

Về phía giảng viên là các giáo sư, lương của các giáo sư tại trường rất cao, chúng tôi chi rất nhiều tiền để thúc đẩy những nghiên cứu của các giáo sư phục vụ cho mục đích học tập và đổi mới sáng tạo của sinh viên. Ngoài ra, một tiêu chí quan trọng là tự do học thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo nên các giáo viên và giáo sư có vị thế trong lĩnh vực của mình tại trường luôn được khuyến khích truyền dạy những gì họ muốn, không gò bó nội dung học thuật.

Những đổi mới sáng tạo từ trường ĐH Hebrew không chỉ đóng góp cho Israel mà còn cho nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi có hẳn một khu vực gọi tên "Con đường sáng tạo" trong khuôn viên trường để vinh danh các nhà khoa học và giáo sư tiến sĩ đã có những thành tựu phát minh cụ thể, để các sinh viên có thể thấy tận mắt về những nghiên cứu đã giúp thay đổi cuộc sống ra sao, tạo động lực nghiên cứu sáng tạo cho bản thân mình. 

Đó là cách gợi mở cho sinh viên nhìn thấy và cảm nhận được một cách trực quan, từ đó bản thân họ đặt ra các câu hỏi phát minh đến từ đâu với những giáo sư hướng dẫn, và có những sáng kiến của riêng mình.

Được biết, một ưu thế khác cho ĐH Hebrew là nguồn tài nguyên kiến thức và kinh nghiệm rất giá trị từ các doanh nhân, giáo sư, và startup thành công quay trở lại hoặc cùng hợp tác với trường để cùng giảng dạy, hướng dẫn cho sinh viên,đào tạo lứa sinh viên tư duy đổi mới sáng tạo mới.

Đến nay, Đại học Hebrew có 9.826 bằng sáng chế, 2.753 sáng chế (trung bình 150 mỗi năm), 600 sản phẩm đã thương mại hóa, 880 bản quyền phát minh, và 120 công ty nhóm hàng đầu ra đời từ trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo, tạo ra doanh thu thường niên 10 triệu USD

Đối với chúng tôi, ĐH Hebrew luôn mở cửa chào đón khách tham quan, và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các trung tâm khác trên thế giới về đổi mới sáng tạo vì chúng tôi nghĩ rằng cởi mở như vậy thì chúng tôi có thể biết thêm nhiều thông tin và thúc đẩy phát triển hơn nữa việc đổi mới sáng tạo của mình. Đây là một tiêu chí hàng đầu đối với chúng tôi, chỉ có thể phát triển khi trao đổi công nghệ với nhau, để từ đó có thể có thêm những ý tưởng mới.

Văn hóa tranh luận từ thực tế 'kỳ lạ'

Một lý giải thú vị từ Bà Billy Shapira vì sao sinh viên có động lực khám phá các vấn đề trong cuộc sống, xã hội để tìm hiểu và khắc phục.

Chúng tôi khuyến khích sinh viên tranh luận với giáo sư, thậm chí về những vấn đề nhạy cảm để nói lên chính kiến của mình, và thực tế đó cũng là đặc tính của sinh viên tại trường. Việc này đến từ thực tế cuộc sống tại Israel, sinh viên ở trường đại học hầu hết không đăng ký vào học từ 18 tuổi ngay sau phổ thông mà thường rơi vào độ tuổi từ 23-24 tuổi. 

Sau phổ thông, họ gia nhập quân ngũ theo nghĩa vụ quân sự (nam 3 năm, nữ 2 năm), và thường sau đó họ chưa đi học ngay, đa phần đi làm hay du lịch nhiều nơi trên thế giới, đến tầm tuổi trên mới nhập học thì đã tích lũy nhiều kiến thức lẫn trải nghiệm thực tế từ môi trường quân ngũ và cuộc sống, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi hóc búa cần giải đáp. Đó là lúc tư duy đổi mới sáng tạo nảy mầm và được ươm trồng trong môi trường đại học.

Thật sự ở đây không có khái niệm chỉ giáo viên dạy sinh viên, mà giáo viên và sinh viên đang dạy lẫn nhau, điểm khác biệt là tự do ngôn luận và tự do học thuật khi sinh viên có thể hỏi bất kỳ câu hỏi nào, thậm chí có thể dẫn đến sự tranh cãi kịch liệt. Nhưng đây là cách học tập ở đây, cách để hai bên cùng trao đổi, cùng thấy hướng giải đáp thỏa đáng cho vấn đề đặt ra

Bà Billy Shapira, Hiệu trưởng Đại học Hebrew

Không ngại thất bại, thích nói về thất bại

Tư duy tìm tòi sáng tạo đổi mới được cổ vũ bởi một đặc tính có phần 'kỳ lạ' với những nơi khác trong văn hóa khởi nghiệp tại Israel, đó là không e ngại thất bại, thậm chí thích nói về nó.

Giải mã bí mật Quốc gia khởi nghiệp Israel (4): văn hóa khởi nghiệp - Ảnh 11.

Giáo sư Jaap van Rijn, người đã có những thành tựu khoa học về nông nghiệp như cải tạo nguồn nước, hay thay đổi gen loài cá. Những thành tựu này đã giúp Israel tận dụng được nguồn nước khan hiếm giữa hoang mạc một cách kinh tế nhất, cũng như xuất khẩu công nghệ thay đổi gen cá cho các thị trường nông nghiệp như Việt Nam để gia tăng hiệu suất kinh tế - Ảnh: THANH TRỰC

Tỉ lệ trung bình số công ty khởi nghiệp thất bại ở Israel là 97%, 3% còn lại gặt hái được thành công ở giai đoạn ban đầu, số liệu từ cô Margaux Stelman, Văn phòng Thị trưởng Tel Aviv. Các startup trong nhóm 3% thực tế cũng đã thất bại nhiều lần trước đó. 

Và trái ngược với tâm lý thường thấy ở nhiều nơi, startup thất bại ở Israel mạnh dạn nói về điều đó không e ngại, họ được mời đến chia sẻ tại các buổi nói chuyện với hàng trăm startup khác trong cộng đồng hàng tuần, hoặc luôn sẵn sàng nói về kinh nghiệm thất bại đau đớn đó với bất kỳ startup nào quan tâm tìm hiểu để tránh được các sai lầm đó, giúp hạn chế phần nào tỉ lệ thất bại cho cộng đồng startup.

Văn hóa hỏi - đáp với các câu hỏi Tại sao cùng cách giải quyết về mọi vấn đề từ nhỏ được khuyến khích tại Israel, nên trẻ em luôn được ủng hộ tư duy trở thành lứa doanh nhân hay nhà khoa học kế tiếp để thay đổi thế giới nên đã tập cho mình tìm tòi và tiếp nhận những kiến thức, tạo ra sức bật sáng tạo. Đây cũng là lời giải cuối cùng cho văn hóa khởi nghiệp trong hành trình Giải mã bí mật Quốc gia khởi nghiệp Israel của tôi

THANH TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên