17/10/2018 17:05 GMT+7

Giám định thiệt hại vụ lợi dụng chủ trương tận thu để 'phá rừng'

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Chiều 17-10, đại tá Lê Quang Trường, trưởng Công an huyện Ea Kar (Đắk Lắk), cho biết đã hoàn thành việc khám nghiệm hiện trường và đang trưng cầu giám định thiệt hại để khởi tố vụ án phá rừng tại xã Cư Bông (Ea Kar)...

Đây là vụ "lợi dụng chủ trương tận thu để phá rừng" xảy ra tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar vào cuối tháng 8-2018 mà Tuổi Trẻ đã nhiều lần phản ánh.

Giám định thiệt hại vụ lợi dụng chủ trương tận thu để phá rừng - Ảnh 1.

Nhiều cây gỗ có đường kính lớn đã bị đốn hạ một cách có chủ ý - Ảnh: TRUNG TÂN

"Để hoàn thành biên bản khám nghiệm hiện trường phải chờ kết quả giám định thiệt hại về diện tích, khối lượng gỗ khu vực rừng bị tàn phá. Sau khi làm rõ tính chất vụ việc, công an mới củng cố được hồ sơ để khởi tố vụ án", đại tá Trường nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Y Sy Hđoh, chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm (Sở NN&PTNT Đắk Lắk), cho biết đã phối hợp, hoàn thành việc khám nghiệm hiện trường phá rừng để kiểm đếm, đánh giá thiệt hại về lâm sản… trong vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại tiểu khu 692 và 701 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar).

Cuối năm 2017 khu vực rừng trồng (gồm rừng trồng sản xuất và rừng trồng phòng hộ) thuộc các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Krông Bông bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 12. Hàng trăm hecta cây keo, tràm bị gió bão quật gãy nên UBND tỉnh Đắk Lắk cho chủ trương cắt dọn những cây ngã đổ để các chủ rừng lập kế hoạch trồng lại rừng vào năm 2018...

Theo Chi cục kiểm lâm Đắk Lắk, từ ngày 17-7 đến 24-7, Công ty Ea Kar đã tiến hành 5 đợt khai thác tận thu được 91 m3 gỗ keo tràm. Ngày 23-8, Công ty tổ chức khai thác trắng trên diện tích 3,27 ha nhưng mới được 0,26 ha (14m3) thì bị tạm dừng phục vụ công tác điều tra.

Chi cục kiểm lâm khẳng định, trên diện tích gần 6 ha có cây bị gãy đổ có việc tận thu cả xây đứng, đường kính từ 30-40cm. Ngoài ra, có 6 ha ngoài khu vực được cho phép cũng được Công ty Ea Kar cho… tận thu những cây gỗ đứng, đường kính 30-40cm. Tại tiểu khu 701, người phá rừng còn ủi một tuyến đường trái phép để dễ khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Giám định thiệt hại vụ lợi dụng chủ trương tận thu để phá rừng - Ảnh 2.

Những người phá rừng còn ủi một con đường dài 300m để đốn hạ, chở gỗ ra ngoài - Ảnh: TRUNG TÂN

Chi cục kiểm lâm cho rằng, để xảy ra vụ việc trên là do Công ty Ea kar không làm đúng hướng dẫn, buông lỏng quản lý, không phối hợp với chính quyền địa phương trong việc tận thu gỗ gãy đổ. "Việc cắt gỗ sai đối tượng, ngoài hiện trường cho phép, san ủi đường để phá rừng đang được công an huyện Ea Kar điều tra, xử lý theo quy định", một lãnh đạo Chi cục kiểm lâm cho biết.

Trước đó, ngày 22-8-2017 Công an huyện Ea Kar phát hiện hai xe tải trọng lớn chở theo 297 lóng gỗ keo, kiểm đếm được khoảng 53m3. Tại thời điểm kiểm tra, tài xế không xuất trình được hồ sơ chứng minh nguồn gốc số gỗ này. Xác minh tại hiện trường, hơn 10ha rừng đã bị khai thác theo phương thức tỉa chọn những cây gỗ đứng, đường kính lớn.

Đề nghị khởi tố vụ chặt phá 48 cây pơmu trong rừng cấm

Chiều cùng ngày, ông Y Sy Hđoh, cho biết đơn vị đang hoàn tất hồ sơ để gửi Công an tỉnh Đắk Lắk đề nghị khởi tố vụ án đốn hạ 48 cây pơmu xảy ra tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) vào cuối tháng 9-2018.

Trước đó, ngày 29-9 trong quá trình tuần tra, cơ quan chức năng phát hiện 48 cây gỗ pơmu bị đốn hại tại tiểu khu 1219 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông. Tại hiện trường còn gần 20m3 gỗ pơmu đã đốn hạ nhưng chưa xẻ hộp, 21 cây gỗ khác đã được lấy đi khỏi hiện trường…

Ông Y Sy Hđoh cũng cho biết đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo Sở Nội vụ xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tập thể tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Bông (thuộc UBND tỉnh quản lý) do để xảy ra vụ phá rừng nêu trên…

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên