28/10/2019 10:50 GMT+7

Giảng viên làm web 'Táo giáo dục' giúp thầy cô đổi mới dạy học

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Các website 'Táo Giáo dục' chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, cung cấp tài liệu giúp thầy cô tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài giảng, đào tạo từ xa cho giáo viên vùng sâu...

Giảng viên làm web Táo giáo dục giúp thầy cô đổi mới dạy học - Ảnh 1.

Website Táo Giáo dục chia sẻ hơn 1.000 bài viết với gần 2 triệu lượt truy cập - Ảnh: HÀ THANH

5 năm trước, ít ai nghĩ ý tưởng về một hệ thống đào tạo và hỗ trợ giáo viên của chàng trai 9X có thể trở thành hiện thực. Đến nay, "hệ sinh thái" dần hình thành và chứng minh được tính hiệu quả với việc dự án đã đào tạo, tập huấn cho hơn 10.000 giáo viên.

Từ thành công đó, giải pháp "Hệ thống đào tạo và hỗ trợ giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục" do anh Nguyễn Hữu Long (29 tuổi, ở Hà Nội) sáng lập, cùng các cộng sự là Nguyễn Thành Luân (30 tuổi), Lê Hải Thanh (33 tuổi) và Tào Thị Nhung (28 tuổi) đã được mạnh dạn gửi đến tham gia chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" 2019.

Cung cấp nhiều dữ liệu cho giáo viên

"Khi là giảng viên của trường sư phạm, trực tiếp làm công việc đào tạo giáo viên, hướng dẫn sinh viên thực tập, hỗ trợ giáo viên đang giảng dạy, tôi nhận thấy mình cần thay đổi nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Đến một ngày chuyển sang làm việc ở một trường quốc tế, tôi phải thay đổi gần như hoàn toàn phương pháp giảng dạy của mình" - Nguyễn Hữu Long chia sẻ về động lực thôi thúc anh bắt tay vào tìm kiếm giải pháp đào tạo và hỗ trợ dành cho giáo viên.

Năm 2017, hệ thống được đưa vào thử nghiệm ở một số trường học tại Hà Nội, bao gồm các website "Táo Giáo dục" chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy, kênh đào tạo online giúp thầy cô các vùng xa hơn có thể tiếp cận được, kênh tài liệu giúp thầy cô tiết kiệm thời gian chuẩn bị bài giảng, kênh nhân sự kết nối nghề nghiệp và kênh "Giáo viên hạnh phúc" hướng đến tạo niềm vui và động lực cho giáo viên trong công việc.

Sau hơn hai năm triển khai, anh Long cùng cộng sự đã trực tiếp đào tạo, tập huấn về chuyên môn cho hơn 10.000 giáo viên. Riêng website Táo Giáo dục đã chia sẻ hơn 1.000 bài viết với gần 2 triệu lượt truy cập. 

Ngoài ra, hệ thống có 25 khóa học online, hơn 1.000 tài liệu, 4 fanpage và có kênh YouTube phục vụ cho việc đổi mới phương pháp giảng dạy, 22 số nội san "Giáo viên hiệu quả hàng tháng" được gửi online đến hơn 20.000 giáo viên trên cả nước. Hiện có 7.000 thành viên tham gia hệ thống này và hơn 50 đối tác là các nhà trường và cơ sở giáo dục.

Với kênh đào tạo giáo viên online, hệ thống xây dựng các khóa học tập trung vào những kỹ năng giảng dạy theo hướng gắn với chương trình giáo dục phổ thông mới. Mỗi bài giảng có thời lượng 2-3 giờ, kèm theo sự hỗ trợ về tài liệu tham khảo, tư vấn về giáo án và sử dụng các tài nguyên khác trong hệ thống.

Đồng hành trong giảng dạy thực tế

Nói về công việc đang làm, Nguyễn Hữu Long cho biết gần 4 năm làm việc trong môi trường quốc tế, anh nhận thấy nhiều khó khăn mà sinh viên sư phạm mới ra trường gặp phải như chưa đủ kỹ năng thực hành, thiếu nguồn lực và công cụ hỗ trợ trong quá trình dạy học. 

"Phía nhà trường, nhà tuyển dụng muốn giáo viên ngay lập tức có khả năng đứng lớp giảng dạy, song để làm được điều đó hầu hết giáo viên cần có thêm thời gian đào tạo, làm quen với công việc. Đây chính là khoảng trống hiện còn tồn tại ở nhiều nhà trường. 

Chưa kể, trong quá trình giảng dạy bạn sẽ gặp phải những vấn đề phức tạp mà khi là sinh viên chưa được đào tạo như kỹ năng xin việc, quản lý học sinh, xây dựng mối quan hệ với phụ huynh" - anh Long chỉ ra.

Trong quá trình phát triển dự án, khó khăn nhất với những người trẻ như anh là làm sao có được niềm tin từ các giáo viên. Anh thừa nhận mình và cộng sự đều là những người trẻ nên gặp rất nhiều khó khăn khi tham gia đào tạo cho các thầy cô lớn tuổi, có nhiều năm giảng dạy, thậm chí nhiều người còn là thầy cô của mình. 

Song song đó là sự đóng khung của chương trình giảng dạy khiến việc đổi mới phương pháp giảng dạy gặp nhiều khó khăn.

Để thực hiện ý tưởng, anh Long tìm kiếm các cộng sự là những giáo viên tâm huyết, bạn bè, đồng nghiệp. Không dừng lại ở những buổi tập huấn, dự án còn đồng hành với nhà trường, các thầy cô giáo trong hoạt động giảng dạy thực tế và xây dựng chương trình phát triển chuyên môn.

"Dự án của chúng tôi đang đi theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, mong muốn góp một phần công sức vào quá trình đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Chúng tôi cố gắng xây dựng một hệ thống bao gồm các giải pháp và công cụ chi tiết, tiện dụng, sát với công việc hằng ngày của giáo viên, tập trung vào việc đào tạo các phương pháp dạy học hiệu quả, dạy học phát triển năng lực, phát huy tính tích cực của học sinh" - anh Long chia sẻ.

Thời gian tới, dự án sẽ mở rộng thêm các khóa học dành cho giáo viên với mong muốn hỗ trợ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí và tăng tính hiệu quả cho hoạt động đào tạo tại nhiều mô hình nhà trường khác nhau. Đồng thời tiếp tục phát triển kênh tìm kiếm, kết nối việc làm cho giáo viên, giúp giáo viên tiếp cận và tìm ra môi trường làm việc phù hợp.

Cùng giúp giáo viên hạnh phúc

Một trong những mục đích của giải pháp "Hệ thống đào tạo và hỗ trợ giáo viên phục vụ đổi mới giáo dục" là xây dựng chân dung người giáo viên hạnh phúc. Nguyễn Hữu Long cho biết điều mà nhóm mong muốn là mỗi thầy cô giáo cảm thấy yêu công việc mình đang làm, nhìn công việc ở mặt tích cực, có thêm động lực với việc dạy học.

"Có thể lớp học của giáo viên đầy thử thách, mối quan hệ với đồng nghiệp và phụ huynh chẳng dễ chịu chút nào... nhưng dù điều gì xảy ra giáo viên vẫn có quyền chọn để là người giáo viên hạnh phúc" - anh Nguyễn Hữu Long chia sẻ.

Đã có 539 công trình tham gia "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019

Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" năm 2019 do Trung ương Đoàn, Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức đã nhận được 539 công trình, sáng kiến dự thi. Ban tổ chức dự kiến sẽ chấm sơ khảo các công trình, sáng kiến vào ngày 2-11.

Nói về động lực tham gia chương trình, Nguyễn Hữu Long nhận xét chương trình là cơ hội cho những người trẻ đam mê giáo dục nói lên tiếng nói của mình ở một diễn đàn lớn, với sự hỗ trợ của các cơ quan chính thống, có uy tín. Long nói điều mà những người trẻ như anh mong muốn là được lắng nghe, được chia sẻ, được hỗ trợ về mặt tài chính cũng như truyền thông.

Cô giáo Cô giáo 'Tri thức trẻ vì giáo dục' ra cẩm nang giúp nuôi con mắc hội chứng Down

TTO - Từ giải thưởng chương trình 'Tri thức trẻ vì giáo dục', cô Dương Thị Thu Hà đã trích kinh phí phát triển cuốn cẩm nang giúp cha mẹ nuôi con mắc hội chứng Down và tặng 1.500 cuốn cho các bà mẹ...

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên