10/04/2019 19:14 GMT+7

'Giáo dục cần chú trọng dạy người hơn dạy chữ'

NGỌC TUYỀN
NGỌC TUYỀN

TTO - Đó là quan điểm của TS Đỗ Mạnh Cường - phó tổng giám đốc phụ trách chuyên môn khối K-12 Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng.

Giáo dục cần chú trọng dạy người hơn dạy chữ - Ảnh 1.

Học sinh Trường Hội nhập quốc tế iSchool hào hứng trải nghiệm Mỹ thuật trên lớp

Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) vừa thành lập Ban chuyên môn K-12 và Hội đồng giáo dục NHG nhằm định hướng, vận hành và phát triển chất lượng giáo dục của hệ thống K-12 (từ mầm non đến lớp 12) trong tập đoàn.

TS. Đỗ Mạnh Cường - phó tổng giám đốc phụ trách chuyên môn khối K-12, đồng thời kiêm nhiệm phó chủ tịch Hội đồng giáo dục NHG - đã trao đổi về câu chuyện đằng sau quyết định này.

* Ông có thể cho biết lý do và câu chuyện ra đời Hội đồng giáo dục NHG?

- TS Đỗ Mạnh Cường: Tuy bây giờ NHG mới công bố việc thành lập nhưng thật ra Hội đồng giáo dục đã có từ trước đó - thông qua Ban cố vấn của NHG, bao gồm những vị giáo sư, học giả, chuyên gia đầu ngành lĩnh vực giáo dục. Trong đó, GS Ngô Sỹ Đình, GS Ngô Ngọc Khanh, ThS. Hoàng Thị Dạ Hương… đều là những người đã tham gia xây dựng triết lý giáo dục nhân bản của tập đoàn.

Giáo dục cần chú trọng dạy người hơn dạy chữ - Ảnh 2.

Học sinh Trường Mầm non Quốc tế Saigon Academy (SGA) khám phá thế giới tự nhiên tại vườn cây của trường

Theo quan điểm của NHG, sự cần thiết và tầm quan trọng của Hội đồng giáo dục bắt nguồn từ hiện trạng giáo dục Việt Nam. Có thể nói, từ lâu nay giáo dục Việt Nam vẫn chú trọng "dạy học" hơn là "giáo dục", chú trọng "dạy chữ" hơn là "dạy người", và ngày hôm nay chúng ta đang được chứng kiến ngày càng nhiều những hậu quả của nó, chẳng hạn: bạo lực học đường - không chỉ giữa học trò với nhau mà ngay cả với thầy cô giáo, gian dối, kỷ cương mất đi, gia đình ngày càng gặp khó khăn trong dạy dỗ và giáo dục con cái…

Ý thức được điều này, NHG xác định vai trò giáo dục của mình và xây dựng nên những ngôi trường không chỉ dạy chữ mà quan trọng là phát triển con người; không chỉ phát triển trí tuệ, kiến thức mà phải nuôi dưỡng tâm hồn. Những chiến lược giáo dục ấy cần được xác định rõ ràng. Đó là tiền đề của việc NHG thành lập Hội đồng giáo dục và các ban chuyên trách.

* Trong bối cảnh đó, Hội đồng giáo dục đã khởi tạo và NHG chọn theo đuổi triết lý giáo dục như thế nào, thưa ông?

- TS Đỗ Mạnh Cường: Những đứa trẻ hôm nay đang thiếu định hướng, động lực và không có người đồng hành. Vai trò của nhà trường ngày càng trở nên quan trọng nhưng hiện tại ở nhiều nơi, nhà trường lại không phải là một môi trường an toàn. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin, khi vai trò của thầy cô, nhà trường và xã hội thay đổi, khi công nghệ chen vào từng bữa cơm gia đình và tình trạng "bỏ rơi nhau" trở nên phổ biến, đứa trẻ rất khó để phát triển một cách hài hòa trong tất cả lĩnh vực.

Vì lẽ đó, NHG chọn triết lý giáo dục nhân bản làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động, nhấn mạnh đến đối tượng (gốc rễ) của giáo dục phải là chính con người, từ đó, sao cho mỗi đứa trẻ được phát huy tất cả khả năng đặc biệt của mình, hoàn thiện nhân phẩm và bồi đắp những giá trị nhân văn. 

Trên hành trình trở thành con người hoàn thiện (Human) đó, học trò hội cần đủ 5H, gồm: Heart (biết yêu thương/tôn trọng), Head (có trí tuệ), Hand (biết làm việc/cống hiến), Health (có sức khỏe) và cuối cùng là Con người với đầy đủ phẩm giá.

Giáo dục cần chú trọng dạy người hơn dạy chữ - Ảnh 3.

Học sinh Trường quốc tế song ngữ Học viện Anh Quốc UK Academy trong giờ học thể chất - môn bơi lội

Minh chứng cho điều này, sau khi thành lập, các thành viên Hội đồng giáo dục NHG vừa xây dựng một chương trình giáo dục nội trú cho tất cả các trường của NHG - thể hiện sâu sắc đặc trưng của hệ thống giáo dục đầy tính nhân bản của mình. Trong đó, học sinh được trau dồi kiến thức, kỹ năng, thể hiện trách nhiệm xã hội một cách tích cực.

* Hội đồng giáo dục NHG và Ban chuyên môn K-12 sẽ cộng hưởng ra sao để hiện thực hóa triết lý đó?

- TS Đỗ Mạnh Cường: Hội đồng giáo dục NHG gồm 13 thành viên là những nhà giáo dục có kinh nghiệm và tấm lòng yêu thương, say mê con người có nhiệm vụ xác định các chủ trương, chính sách, mục tiêu, kế hoạch hoạt động và nguồn lực phục vụ hoạt động giáo dục của hệ thống K-12 trong hệ thống. Trong đó, đặc biệt là Hội đồng sẽ tham gia kết nối với các hệ thống giáo dục và các chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế để trợ lực và gia tăng giá trị cộng hưởng cho hệ thống.

Giáo dục cần chú trọng dạy người hơn dạy chữ - Ảnh 4.

Một giờ học theo chương trình IB của học sinh Trường Quốc tế Bắc Mỹ (SNA)

Trong khi Hội đồng chịu trách nhiệm định hướng tư tưởng, chỉ đạo và giám sát về mặt chuyên môn, kiểu hình mẫu học trò mà nền giáo dục hướng đến (đầu ra) cũng như triết lý giáo dục của tập đoàn, Ban chuyên môn K-12 sẽ có nhiệm vụ xây dựng chương trình đò tạo cụ thể, chi tiết theo chiến lược đó và triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục.

Cụ thể, Ban chuyên môn K-12 sẽ xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học trong hệ thống; xây dựng các tiêu chí và thực hiện giám sát, kiểm tra, đánh giá, đo lường chất lượng dạy và học của các trường cũng như tiêu chí đánh giá chuyên môn cán bộ quản lý và giáo viên tại các trường. 

Ngoài ra, Ban chuyên môn K-12 còn có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của giáo viên; theo dõi, phối hợp, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy cho các trường và tỏ chức thực hiện quản lý chuyên môn.

*Xin cảm ơn ông!

do manh cuong

TS Đỗ Mạnh Cường có hơn 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục và chuyên sâu về đào tạo giáo viên, đặc biệt 9 năm giữ vị trí giám đốc Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục chuyên nghiệp và hơn 13 năm giảng dạy, quản lý tại Trường đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM.

NGỌC TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên