14/04/2022 20:08 GMT+7

Giới trẻ dễ dàng mở YouTube, Netflix nhưng vẫn loay hoay tìm nút bật kênh truyền hình

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Tại diễn đàn 'Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn', cục trưởng Cục Báo chí viện dẫn thực tế hiện nay, trẻ em, người cao tuổi đã quen với YouTube, Netflix nhưng lại loay hoay để tìm các kênh truyền hình thiết yếu.


Giới trẻ dễ dàng mở YouTube, Netflix nhưng vẫn loay hoay tìm nút bật kênh truyền hình - Ảnh 1.

Diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn" thu hút đông đảo lãnh đạo cơ quan báo chí, chuyên gia tham gia - Ảnh: NAM TRẦN

Rất nhiều chuyên gia, lãnh đạo các cơ quan báo chí đã trao đổi xung quanh chủ đề diễn đàn "Chuyển đổi số để phục vụ bạn đọc tốt hơn" trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2022.

Diễn đàn do Hội Nhà báo Việt Nam - Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Netcore.

Ông Lê Quốc Minh - tổng biên tập báo Nhân Dân, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - cho biết, hiện nay rất nhiều cơ quan báo chí chưa thực sự hiểu thế nào là chuyển đổi số, họ chỉ mới nghĩ rằng đầu tư về trang thiết bị, phần mềm, công nghệ là đã đi trên con đường chuyển đổi số, nhưng thực ra không phải vậy.

"Chuyển đổi số không nằm ở vấn đề công nghệ mà ở con người và tư duy, không phải là số hóa các nội dung đưa lên nền tảng số mà phải tạo ra cả một quy trình sản xuất mới mẻ, tạo ra những thông tin mới mẻ, thậm chí có cả văn hóa tòa soạn phù hợp trong chuyển đổi số", ông Minh nói.

Giới trẻ dễ dàng mở YouTube, Netflix nhưng vẫn loay hoay tìm nút bật kênh truyền hình - Ảnh 2.

Ông Lê Quốc Minh - tổng biên tập báo Nhân Dân, phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Ảnh: NAM TRẦN

Ông cho rằng chuyển đổi số phải "tự thân", nghĩ ra định hướng, mục tiêu cho riêng mình, từ đó lựa công nghệ, đối tượng, đào tạo ra sao, xây dựng môi trường thế nào. Nếu chỉ chạy theo trào lưu, chỉ xây dựng ra một văn bản và làm theo các bước thì không thể chuyển đổi số được mà phải nhận ra sự cấp bách, cần thiết, sự sống còn thì mới có thể làm được điều này.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và truyền thông) - cho biết hiện nay báo chí không phải là nguồn duy nhất phát thông tin nữa, do đó cần phải chuẩn bị tâm thế cho một cách làm báo kiểu khác.

"Chúng ta phải chấp nhận sự tương tác, giám sát, thậm chí phản biện rất mạnh của cộng đồng", ông Lâm nói.

Giới trẻ dễ dàng mở YouTube, Netflix nhưng vẫn loay hoay tìm nút bật kênh truyền hình - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và truyền thông - khẳng định Nhà nước sẽ đầu tư hỗ trợ các cơ quan báo chí chuyển đổi số - Ảnh: NAM TRẦN

Điều cuối cùng cần "đụng vào" chính là mô hình tổ chức. Đây là điều mà ít cơ quan báo chí dám làm vì "đụng vào" con người, quyền lợi, thâm niên. 

Theo ông Lâm, với chuyển đổi số "không có công thức chung cho cả làng báo" mà phải tìm ra trong từng câu chuyện của mỗi cơ quan báo chí.

Đưa ra ví dụ, hiện nay chiếc điều khiển tivi dù sản xuất ở Việt Nam nhưng đã được cài đặt "xuyên biên giới" với các nút điều khiển bật YouTube, Netflix. Tuy nhiên thực tế là trẻ em và người cao tuổi rất khó để biết bật các kênh thiết yếu của Đài truyền hình Việt Nam.

Ông Lâm chia sẻ, nếu như một mình Đài truyền hình Việt Nam đi nói với tất cả các nhà sản xuất tivi ở Việt Nam rằng phải cài nút VTVGo thì họ cũng có thể đồng ý, hoặc không đồng ý, hoặc lấy rất nhiều tiền. Nhưng điều đó sẽ được giải quyết nếu có sự tham gia của Bộ Thông tin và truyền thông.

Giới trẻ dễ dàng mở YouTube, Netflix nhưng vẫn loay hoay tìm nút bật kênh truyền hình - Ảnh 4.

Nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - khẳng định bạn đọc ở đâu, báo chí phải ở đó - Ảnh: NAM TRẦN

Chia sẻ kinh nghiệm tận dụng cơ hội trong đại dịch COVID-19 bứt phá mạnh mẽ trong quá trình chuyển đổi số, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung nhấn mạnh đại dịch là cơ hội lớn để báo chí thay đổi, và thay đổi lớn nhất chính là thực hiện chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.

"Cho đến giờ phút này, đại dịch vẫn chưa kết thúc. Cuộc sống của người dân gắn liền với không gian mạng, đòi hỏi báo chí phục vụ họ trên không gian mạng một cách tốt hơn, tích cực hơn. Muốn làm được điều này, báo chí phải chuyển đổi số. Nghĩa là ứng dụng công nghệ, thay đổi nguồn nhân lực, thay đổi quy trình làm báo để tất cả những gì độc giả cần họ có thể tìm thấy ở cơ quan báo chí", ông Trung nói.

Ông Nguyễn Đăng Ngọc - phó tổng giám đốc VCCorp:

Chuyển đổi số quan trọng là yếu tố con người, vấn đề chi phí, ý chí của lãnh đạo, nhưng nếu đi sâu vào vấn đề cụ thể, đặc biệt là vấn đề sản phẩm thì trải nghiệm với một bài báo đặc biệt quan trọng với độc giả.

Đó là tốc độ tải trang, yếu tố công nghệ, một hình ảnh đẹp, một video hấp dẫn cũng rất quan trọng với trải nghiệm của độc giả, người dùng.

Chuyển đổi số trong báo chí: Bạn đọc lên mạng, báo chí cũng phải lên mạng Chuyển đổi số trong báo chí: Bạn đọc lên mạng, báo chí cũng phải lên mạng

TTO - Đại diện cho cơ quan báo chí được đánh giá là chuyển đổi số rất thành công, ông Lê Xuân Trung, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, khẳng định bạn đọc ở đâu báo chí phải ở đó, bạn đọc lên mạng báo chí cũng phải lên mạng.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên