21/10/2018 08:31 GMT+7

Góc khuất nghề vũ công - Cay nồng mùi thuốc giảm đau

TIẾN VŨ
TIẾN VŨ

TTO - Cùng thăng hoa dưới ánh đèn sân khấu với các ca sĩ nhưng những người vũ công lại mang một câu chuyện hoàn toàn khác.

Góc khuất nghề vũ công - Cay nồng mùi thuốc giảm đau - Ảnh 1.

Vũ đoàn Game On Crew - Ảnh: NVCC

Khi các chương trình truyền hình giải trí bùng nổ cùng với các sân khấu ca nhạc biểu diễn mọc lên như nấm dẫn đến nhu cầu vũ đoàn, nhóm nhảy tăng nhanh. Vũ công dần trở thành một nghề quen thuộc với khán giả.

Tuy nhiên, lao động và cuộc sống của các vũ công lại không mấy khi được công chúng chú ý tới, thậm chí còn có những định kiến tiêu cực khiến khán giả có cái nhìn phiến diện về nghề.

Điều này dường như đã trở thành tiếng lòng chung của những người đã trót dấn thân với nghiệp nhảy.

Tỏa sáng sân khấu - gian nan tập luyện

Tham gia một buổi tập của các bạn vũ công, Tuổi Trẻ Online cảm nhận được đầy đủ hơn những vất vả và sự lao động nghiêm túc mà họ đã bỏ ra. Sau mỗi giờ tập, ai cũng ướt đẫm mồ hôi và mùi cay nồng của những chai thuốc giảm đau là rõ rệt hơn cả.

Góc khuất nghề vũ công - Cay nồng mùi thuốc giảm đau - Ảnh 2.
Góc khuất nghề vũ công - Cay nồng mùi thuốc giảm đau - Ảnh 3.
Góc khuất nghề vũ công - Cay nồng mùi thuốc giảm đau - Ảnh 4.

Một buổi tập luyện của các bạn trẻ trong vũ đoàn Game On Crew - Ảnh: NVCC

Huy Nguyễn, một vũ công hoạt động độc lập tại TP. HCM chia sẻ rằng khó khăn của nghề thì rất nhiều. Đối với các vũ đoàn, khó khăn là kinh phí và duy trì thành viên, còn đối với các “vũ công alô” (cụm từ để chỉ những nhóm nhảy vài ba người hoạt động theo kiểu "mì ăn liền", sẵn sàng gom quân đi diễn khi có yêu cầu) thì việc kiếm show diễn thôi cũng là cả một thử thách không nhỏ rồi.

Ám ảnh nhất đối với những người đã chọn dấn thân vào nghiệp nhảy chính là chấn thương. Đây là điều không ai có thể tránh khỏi và gây ảnh hưởng khá lớn đến nghề: cơ thể không được như ban đầu sẽ tạo ra bất lợi rất lớn vì không còn đủ sức khoẻ và sự dẻo dai khi tập luyện, trình diễn.

Ngọc Anh tên đầy đủ là Phạm Thị Ngọc Anh, sinh năm 1993 tại Hải Phòng. Ngọc Anh luôn biết cách vận dụng những thế mạnh về kỹ năng từ môn thể dục dụng cụ như nhào lộn, uốn dẻo để tạo nên các bài nhảy mang phong cách riêng với nhiều động tác khó thu hút khán giả.

Hiện tại, Ngọc Anh là một trong những thành viên cốt cán của Urban Dance Group. Bên cạnh đó, cô cũng tham gia giảng dạy tại một số trung tâm về nhảy múa có tiếng tại TP Hồ Chí Minh.

"Để có thể trụ được với nghề đến ngày hôm nay là biết bao mồ hôi, máu và nước mắt. Sau các buổi tập, các vũ công thường gặp phải rất nhiều chấn thương nhưng chắc chắn phải chịu đau, bỏ qua cơn đau để tiếp tục với nghề. Nhiều khi còn khóc với những động tác khó quá không làm được.

Có lần đang tập, Huy bưng bê một bạn nữ bằng một tay, do bất cẩn nên Huy đã bị trật hẳn khớp vai. Huy phải nghỉ đi diễn và tập luyện hơn một tháng để có thể phục hồi lại bình thường. Và nghề này thì đâu có lương cứng, không đi diễn đồng nghĩa với việc không có thu nhập".

Câu chuyện của Ngọc Anh là một ví dụ khác. Ngọc Anh từng là sinh viên trường Thể dục Thể thao TƯ 1. Cô tham gia cuộc thi So you think you can dance với lí do ban đầu: qua được vòng Audition thì sẽ có vé máy bay vào TP. HCM để thăm mẹ. Sau khi trở thành Á quân của cuộc thi, Ngọc Anh quyết định gắn bó với nghề vũ công và vào nam lập nghiệp.

Góc khuất nghề vũ công - Cay nồng mùi thuốc giảm đau - Ảnh 6.

Ngọc Anh và bạn diễn nam trong MV dance Cho em một ngày - Ảnh: FBNV

"Có những ngày tôi chạy gần như khắp các quận Sài Gòn. Thời gian đầu đi nhảy, tôi nhận hết tất cả các show từ đi diễn ca sĩ, sự kiện đến đi dạy nhảy múa tại các trung tâm để trang trải cuộc sống.

Thậm chí từng có một thời gian tôi lao vào công việc mà không màng gì đến sức khoẻ. Nhiều bạn vũ công khác cũng vậy. Vì ban ngày ai cũng có nhiều công việc riêng nên việc tập luyện từ 10 giờ đêm tới 1, 2 giờ sáng là chuyện bình thường.

Lúc đó tôi cảm thấy vui mình mình có thể tự nuôi sống bản thân dựa trên đam mê và nỗ lực, nhưng thân là con gái cũng hờn tủi lắm. Có buổi đi dạy về trời mưa tầm tã, mình cứ vừa đi vừa khóc vì cảm thấy tủi thân, vì nhớ nhà và vì cả những nỗi sợ vô định chẳng thể gọi tên".

Góc khuất nghề vũ công - Cay nồng mùi thuốc giảm đau - Ảnh 7.

Là một vũ công nam thành danh và nổi tiếng, đến thời điểm hiện tại Quang Đăng đã bắt đầu chuyển hướng sang việc đào tạo, giúp đỡ các bạn trẻ đam mê nghề nhảy - Ảnh: FBNV

Quang Đăng có tên đầy đủ là Đỗ Quang Đăng, sinh ngày 5-5-1989 ở tại tỉnh Bến Tre. Trước khi bắt đầu trở thành vũ công chuyên nghiệp, Quang Đăng từng tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Hoa Sen.

Nổi tiếng từ sau cuộc thi So you think you can dance mùa đầu tiên, đến nay Quang Đăng đã trở thành một vũ công trẻ nổi tiếng và sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo. Với ngoại hình lý tưởng cùng khuôn mặt điển trai, Quang Đăng được mời làm người mẫu ảnh và tham gia quảng cáo cho nhiều nhãn hàng và tạp chí.

Bên cạnh đó, các MV dance cover của nam vũ công cũng thường xuyên gây bão mạng xã hội và nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả lẫn giới chuyên môn. Thành tích: Top 4 của cuộc thi So you think you can dance mùa đầu tiên; Dancer of the year năm 2013; Ngôi sao tài năng của cuộc thi Ngôi sao thời trang năm 2011.

Vũ công không phải là những kẻ vô học

Vũ công là nghề nhiều thị phi và thực tế mà nói, định kiến xã hội phần đa vẫn không có cái nhìn tôn trọng dành cho công việc này: nghề nhảy là một nghề lông bông, không có tiền đồ và chỉ có những người không được học hành tới nơi tới chốn mới đi theo con đường đó.

Theo vũ công Quang Đăng, không thể trách được dư luận về thực tế đa phần các vũ công đều học xong cấp 3 rồi quyết định nghỉ học để đi theo nghề:

"Khán giả nói không sai, vũ công là một nghề nhiều thị phi và đa số các bạn không được học hành tới nơi tới chốn hay bằng này, cấp kia. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng các bạn ấy là những người không có giáo dục.

Nhiều bạn trẻ bước vào nghề từ sớm, một số bạn vì đam mê nhưng cũng có một số bạn vì áp lực kinh tế, phải kiếm tiền để lo cho gia đình. Việc tập luyện và đi diễn sẽ tốn rất nhiều thời gian nên các bạn phải chấp nhận gác lại việc học để theo nghề.

Dẫu vậy, có rất nhiều bạn vũ công tuy học thức không cao nhưng lại làm nghề rất có đạo đức và tốt tính. Thậm chí có nhiều bạn còn đoạt được các giải thưởng quốc tế để đem vinh quang về cho nước nhà.

Vậy nên tôi mong rằng khán giả sẽ nhìn các bạn vũ công qua những giá trị cốt lõi của một con người chứ không phải từ những văn bằng nhận được trên ghế nhà trường".

Vũ Nông dân - Quang Đăng & Lifedance

Với đặc thù công việc là làm vào ban đêm, phải trang điểm kĩ càng và ăn mặc nóng bỏng nên mỗi lần diễn tại các quán bar hay club, vũ công Minh Trang thường bị nhiều khán giả nghĩ là "gái ngành" nên chuyện gạ gẫm vốn không còn xa lạ với cô gái 24 tuổi:

"Với những người còn có suy nghĩ như vậy, một là họ không hiểu gì về nghề vũ công, hai là họ quá lỗi thời nên mới còn những cái nhìn tiêu cực đó. Ai cũng muốn xem những màn trình diễn nóng bỏng, sôi động nhưng rồi họ lại dựa vào chính những hình ảnh đó để đánh đồng chúng tôi là những người không được giáo dục tử tế.

Nghề vũ công đâu phải cứ thích là nhảy được mà chúng tôi phải luyện tập và đổ biết bao chất xám lẫn mồ hôi, công sức. Thế mà dư luận lại không công bằng với chúng tôi”.

Ước tính hiện tại có khoảng gần 50 vũ đoàn đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM (không tính những đội, nhóm nhỏ mang tính biểu diễn nghiệp dư), có thể kể đến một số vũ đoàn nổi tiếng như Hoàng Thông, ABC, Bước Nhảy, S4, Game On Crew, MTE, Arabesque, Oh, Grammy, Rex, Rạng Đông, DK, The Sun, ST319, Number 1, Life…

Chính sự phát triển của các chương trình truyền hình, các sự kiện âm nhạc dần mang tính biểu diễn đã tạo ra nhu cầu lớn về các vũ đoàn, trong đó, TP.HCM vẫn được xem là thị trường lớn nhất. Giai đoạn 2010-2015 là thời điểm các chương trình truyền hình về nhảy múa bùng nổ và nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả Việt Nam như So you think you can dance, Bước nhảy ngàn cân, Bước nhảy xì tin, Bước nhảy hoàn vũ, Nhảy cùng âm nhạc và bước nhảy, Vietnams Got Talent…

Tuy nhiên, một vài năm trở lại đây các chương trình này dần thưa thớt hơn và không còn tạo được sức hút như thời gian trước đó. Giải thích cho việc này, nhiều người cho rằng đó là quy luật đào thải của thị trường và các nhà sản xuất quá tập trung vào gameshow nhảy múa trong suốt thời gian dài nên dẫn đến tình trạng bão hoà.

Cường Seven - từ vũ công đường phố đến gương mặt điện ảnh triển vọng Cường Seven - từ vũ công đường phố đến gương mặt điện ảnh triển vọng

Với những khen chê xáo xào của dư luận, Cường Seven lấy đó làm động lực để vượt qua chính mình, để buộc mình phải chinh phục nhiều hơn, mở rộng biên độ giới hạn của bản thân hơn...

TIẾN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên