09/10/2019 19:46 GMT+7

GS đoạt Nobel vật lý 2019 và những ngày 'truyền lửa khoa học' ở Việt Nam

TH.THỊNH - TR.ĐĂNG
TH.THỊNH - TR.ĐĂNG

TTO - Những ngày ở Việt Nam là những ngày bận rộn của GS Michel Mayor. Ông vừa chủ trì hội thảo vừa nói chuyện với học sinh sinh viên, những người yêu thiên văn học ở Bình Định...

GS đoạt Nobel vật lý 2019 và những ngày truyền lửa khoa học ở Việt Nam - Ảnh 1.

GS Mayor nói chuyện thiên văn học với học sinh và sinh viên ở Bình Định tại hội trường Quang Trung, Quy Nhơn năm 2014 - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Ông là một trong ba nhà khoa học được công bố đoạt giải Nobel vật lý 2019 vào chiều 8-10-2019.

Cởi mở và say mê

Bà Nguyễn Thị Minh Phương - nguyên trưởng khoa vật lý, ĐH Quy Nhơn (Bình Định), người từng có dịp gặp gỡ trao đổi với GS Michel Mayor năm 2014 tại Bình Định - chia sẻ GS Mayor là người cởi mở, nhiệt tình và cực kỳ say mê khoa học, với những đề tài hấp dẫn, lôi cuốn.

Bà Phương cho biết trong cuộc trao đổi với công chúng yêu khoa học tại Bình Định, GS Mayor đã đặt vấn đề về "Những thế giới khác trong vũ trụ, và câu hỏi về anh em sinh đôi của Trái đất, có hay không những hành tinh giống Trái đất tồn tại bên ngoài hệ Mặt trời" đã để lại nhiều ấn tượng đặc biệt, lôi cuốn với những người yêu khoa học.

"Chúng ta hình dung hệ Mặt trời mình đang sống, Trái đất mình là một hành tinh. Hệ Mặt trời hiện có 8 hành tinh chuyển động xung quanh Mặt trời. GS Michel Mayor và học trò của mình là người đầu tiên phát hiện ra hành tinh quay quanh ngôi sao giống như Mặt trời của chúng ta" - bà Phương nói.

Theo bà Phương, phát hiện này đã mở ra một khoa học mới gọi là khoa học ngoại hành tinh. Từ đó người ta lao vào công cuộc tìm kiếm và đến bây giờ, chúng ta phát hiện hơn 4.000 ngoại hành tinh.

Khám phá này cũng mở ra cách mạng trong thiên văn học, các nhà khoa học tìm kiếm sâu hơn nữa việc có cuộc sống trên các ngoại hành tinh hay không.

GS đoạt Nobel vật lý 2019 và những ngày truyền lửa khoa học ở Việt Nam - Ảnh 2.

GS Mayor nói chuyện thiên văn học với học sinh và sinh viên ở Bình Định - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

Nền văn minh khác trong vũ trụ

Trong bài phát biểu của mình bên lề chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần X diễn ra tại Bình Định năm 2014, GS Mayor nói: "Hệ Mặt trời chỉ là một phần rất nhỏ trong dải Ngân hà rộng lớn với hàng trăm tỉ ngôi sao cách nhau hàng trăm ngàn năm ánh sáng và cho đến nay vẫn chưa có gì chắc chắn là liệu có hành tinh nào giống Trái đất nằm trong số những ngôi sao đó hay không.

Tuy nhiên, với công nghệ nghiên cứu ngày càng hiện đại cho phép con người quan sát những hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Những kính viễn vọng mới đang theo đuổi việc săn tìm những hành tinh kiểu Trái đất trong vũ trụ.

Việc tìm kiếm những anh em song sinh của Trái đất được thúc đẩy bởi triển vọng tìm thấy những nơi có điều kiện thuận lợi cho sự sống hình thành và phát triển. Việc tìm thấy những hành tinh có điều kiện giống Trái đất sẽ giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc của con người về việc có hay không những nền văn minh khác trong vũ trụ".

Ông Trần Thanh Sơn, phó giám đốc Trung tâm ICISE, chia sẻ GS Mayor đến Việt Nam với mong muốn đem khoa học đến gần hơn với công chúng, gợi mở những niềm yêu thích khoa học thiên văn đối với các em học sinh, sinh viên. Và để mọi người biết rằng khoa học nói chung và các vấn đề trong vật lý thiên văn không phải là điều gì quá xa vời với cuộc sống.

GS đoạt Nobel vật lý 2019 và những ngày truyền lửa khoa học ở Việt Nam - Ảnh 3.

GS Mayor và các nhà khoa học chụp ảnh giao lưu với êkip của báo Tuổi Trẻ trong buổi giao lưu trực tuyến trên với bạn đọc báo Tuổi Trẻ tháng 4-2014 tại Trung tâm ICISE Quy Nhơn - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

GS đoạt Nobel vật lý 2019 và những ngày truyền lửa khoa học ở Việt Nam - Ảnh 4.

GS Mayor chụp ảnh lưu niệm với học sinh yêu thiên văn học tại Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG

GS Michel Mayor tốt nghiệp đại học ngành vật lý tại ĐH Lausanne (Thụy Sĩ) và lấy học vị tiến sĩ về thiên văn vật lý tại ĐH Geneva. GS Mayor dạy thiên văn vật lý trên 20 năm tại ĐH Geneva (Thụy Sĩ). Từ năm 1998 đến 2004, GS làm việc tại Đài quan sát Geneva.

Năm 1995, GS cùng với sinh viên của mình là Didier Queloz khám phá ra hành tinh đầu tiên ngoài hệ Mặt trời.

Chiều 8-10 (giờ Việt Nam) Viện hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển (RSAS) trao giải Nobel vật lý 2019 cho ông cùng nhà khoa học người Mỹ gốc Canada James Peebles và nhà khoa học người Thụy Sĩ Didier Queloz.

GS đoạt Nobel Vật lý 2019 từng đến Việt Nam, giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ GS đoạt Nobel Vật lý 2019 từng đến Việt Nam, giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ

TTO - GS Michel Mayor, một trong ba nhà khoa học đoạt giải Nobel Vật lý 2019, từng đến Việt Nam và giao lưu với bạn đọc Tuổi Trẻ. Ông cũng có buổi nói chuyện với sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) về vũ trụ.

TH.THỊNH - TR.ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên