19/05/2019 13:43 GMT+7

Hai ông Trump - Tập đang làm gì nhau?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Rõ ràng, ông Trump đang chơi "tất tay", song ông Tập cũng đáp trả kiểu "ăn thua đủ". Không bên nào thích ứng, chiều đối phương. Cũng không tránh né đợi cho xẹp, càng không cộng tác.


Hai ông Trump - Tập đang làm gì nhau? - Ảnh 1.

Lãnh đạo Mỹ - Trung gặp gỡ giới doanh nghiệp tại Bắc Kinh tháng 11-2017 - Ảnh: Reuters

"Chúng ta sẽ không lùi bước cho đến khi Trung Quốc ngừng lừa dối công nhân của chúng ta, đánh cắp công việc của chúng ta, và đó là điều sẽ xảy ra nếu không có thỏa thuận. Chúng ta không cần phải giao thương với họ", Tổng thống Mỹ Donald Trump dõng dạc nói khi ra lệnh áp thêm thuế mới lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc trong hàm ý chê bai đối thủ văn minh còn kém nên mới buôn lừa, bán cắp như thế, trong đó đáng kể là trò ăn cắp tài sản trí tuệ.

Đáp lại, ông Tập Cận Bình cũng cho áp trả đũa thuế mới lên 60 tỉ USD hàng Mỹ kèm theo cảnh cáo trong diễn văn khai mạc Hội nghị về các nền văn minh châu Á tại Bắc Kinh hôm 15-5: "Không có nền văn minh nào vượt trội hơn. Ý nghĩ rằng chủng tộc và nền văn minh của người này là vượt trội và thay thế các nền văn minh khác là ngu ngốc... mà hậu quả sẽ là thảm khốc".

Tân Hoa xã, Nhân Dân Nhật Báo ngày 14-5 đồng thanh: "Cuộc chiến thương mại của Hoa Kỳ là sáng kiến của một người và chính quyền của người ấy. Đối với chúng ta, đây là một cuộc chiến tranh nhân dân thực sự".

Có thể dò lại chiến thuật của ông Trump và ông Tập dựa trên lý thuyết "Năm hình thái giải quyết xung đột" của Ralph H. Kilmann và Kenneth W. Thomas. Thường thì trong một xung đột, các bên có thể chọn trong năm kế sách sau:

"Ăn thua đủ" cạnh tranh, dứt khoát và bất hợp tác nhằm đạt mục tiêu của mình. Ông Trump "tố" 300 tỉ USD thuế, ông Tập cũng "bắt theo" 60 tỉ USD.

2 Thích ứng chiều ý đối phương, kể cả chấp nhận thua thiệt, nhằm bảo toàn các mối quan hệ tương lai với bên kia. Điều này chưa thấy.

3 Né tránh, đợi cho đến lúc nào đó xung đột tự "xẹp". Cũng không thấy từ bất cứ bên nào.

4 Cộng tác: Hai bên cùng ngồi lại với nhau để tìm xem có gì khá hơn không cho mỗi bên. Ngồi lại thì có nhưng cùng nhìn về một phía thì không. Bởi thế ngồi lại đến 11 lần mà vẫn bỏ ra về.

5 Thỏa hiệp. Cả hai bên phải nhượng bộ nhau, bớt áp đặt, tăng hợp tác, chịu thiệt thòi như nhau. Hiện chưa tới giai đoạn này và chưa rõ chừng nào.

Rõ ràng, ông Trump đang chơi "tất tay", song ông Tập cũng đáp trả kiểu "ăn thua đủ". Không bên nào thích ứng, chiều đối phương. Cũng không tránh né đợi cho xẹp, càng không cộng tác. Việc ông Trump đưa Tập đoàn Huawei vào "danh sách đen" thương mại cho thấy ông Trump đang quyết "chơi tới cùng".

Từ tháng 3 năm ngoái, hai ông cứ thế mà "đấu" với nhau. Câu hỏi đặt ra là ai "trường vốn" hơn ai? Có vẻ như ông Trump đang tự tin: "Không mợ chợ vẫn đông nhé, quay sang nơi khác mua hàng có sao đâu".

Ông cũng không quên liên tục tweet "động viên các nông dân yêu dấu của chúng ta", kèm những hứa hẹn bù lỗ. Ít tuần nữa, mùa hè tới, sau đó là mùa tựu trường, lễ Tạ ơn, Giáng sinh - năm mới, thuế đánh trên vỏ xe hơi, vali, cặp giỏ xách, hàng may mặc nhập - trăm thứ "hằm bà lằng" (bách hóa) từ Trung Quốc sẽ làm người tiêu dùng Mỹ nhăn nhó nhiều hay ít lúc đó sẽ rõ, và điều đó sẽ tích tụ nơi lá phiếu bầu tổng thống tháng 11 năm tới.

Ngược lại, phía Trung Quốc, những nhăn nhó khi thấy giá thịt heo Mỹ lên giá chắc là sẽ hiếm hoi, thậm chí biến thành căm thù. Sau các trận đấu "ngoại giao bóng bàn" Mỹ - Trung năm 1971, khi được hỏi "sao tiêu (vụt thuận tay) mạnh đến thế?", các cây vợt chủ nhà Trung Quốc giải thích là do "mỗi cú vụt bóng là một viên đạn...".

Thành ra về phương diện dân tình, chắc là ông Tập "trường vốn hơn", bởi thế Tân Hoa xã và Nhân Dân Nhật Báo mới "hịch chiến tranh nhân dân", chớ New York Times hay Washington Post... đâu có đăng, trái lại ra rả "tin giả" chống ông Trump. Chưa hết, ông Trump mà "lạng quạng"... là mất ghế, vì chiến dịch tái tranh cử năm 2020 đang đến rất gần.

Mỹ - Trung muốn gì, thương chiến sẽ đi về đâu? Mỹ - Trung muốn gì, thương chiến sẽ đi về đâu?

TTO - Với những đòi hỏi chênh lệch được Mỹ - Trung đưa ra, giới chuyên gia nhận định thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới sẽ không kết thúc bằng một thỏa thuận làm vừa lòng hoàn toàn hai bên.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên